VNTB – Bất lực kéo giá vàng?

VNTB – Bất lực kéo giá vàng?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Giá vàng trong nước phải liên thông theo giá vàng thế giới, chứ không phải “một mình một chợ” hoặc chênh lệch cao, hoặc tăng giảm trái chiều.

 

Tại tọa đàm về phát triển thị trường vàng ngày 17-5, GS-TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu, giá càng tăng, khoảng cách chênh lệch vàng trong nước và thế giới càng tăng chứng tỏ giải pháp này không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

“Có lẽ việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng là một tác nhân gây nên giá vàng tăng lên. Giá sàn thậm chí cao hơn thị trường. Người trúng thầu đương nhiên phải là người mua vàng với giá bằng hoặc cao hơn giá sàn. Và khi bán số vàng đó ra ngoài thị trường, họ sẽ bán với giá cao hơn nữa. Như vậy mục tiêu của đấu thầu ở đây là chọn được người trả giá cao chứ không phải là kéo giá sát với thế giới”, ông Cường nhận định.

Theo ông Cường, giá sàn cần phải căn cứ vào giá quốc tế, cộng với thuế và các chi phí khác.

Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng đề xuất cần bỏ độc quyền vàng miếng, bởi doanh nghiệp không được hưởng lợi gì từ chính sách này, còn bị mang tiếng trục lợi. Bà Hằng nói thêm rằng dù giá chênh lệch 15-20 triệu hay hơn nữa công ty cũng không được lợi. Bà Hằng dẫn chứng thêm trước năm 2012 – thời điểm Nghị định 24 chưa ra đời, vốn sở hữu của doanh nghiệp là 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lãi sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng.

“Lợi nhuận giảm mạnh, đời sống người lao động rất khó khăn”, bà Hằng nói. Do không được làm vàng miếng, doanh nghiệp SJC chuyển hướng làm vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này. Giai đoạn đầu, sản phẩm trang sức của SJC gặp khó khăn, không cạnh tranh được và chỉ có lời 6 năm trở lại đây.

Tổng giám đốc SJC kiến nghị Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung. Người dân dựa vào uy tín, thương hiệu doanh nghiệp để chọn mua sản phẩm phù hợp. Bà Hằng cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng để có nguồn nguyên liệu. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng nhập lậu hiện nay.

Độc quyền vàng miếng SJC là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khan vàng SJC trở nên căng thẳng. TS. Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế cho rằng: “Chả doanh nghiệp nào dại để nhập khẩu vàng nhiều, vì nhập nhiều, ế thì doanh nghiệp sẽ có nguy cơ thua lỗ”. Cũng theo vị chuyên gia này, các nước trên thế giới đều quản lý cung vàng trong nước thông qua chính sách thuế. Việt Nam cũng chỉ nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là mặt hàng có tính chất tiền tệ.

“Vàng không có ý nghĩa nào về chính sách tiền tệ, ngoại trừ khía cạnh dự trữ. Thay vì quá quan tâm đến vàng, chúng ta nên dành sự quan tâm cho các mặt hàng thiết yếu hơn, ví dụ xăng dầu. Theo tôi, quản lý vàng không quan trọng bằng quản lý giá xăng dầu. Vì xăng dầu tăng lập tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy. Còn với vàng, do độc quyền, cấm nhập khẩu nên mới gây ra tình trạng này. Nếu chúng ta để tự do hóa thị trường vàng, thúc đẩy xuất khẩu vàng trang sức thì cân đối ngoại tệ không đáng lo”, ông Nghĩa nhận định.

Giá vàng cập nhật lúc 13g42 ngày 17-5 trên trang web của SJC là 87,500 – 90,000 (mua – bán/VNĐ/ lượng). Trang web của PNJ, cập nhật giá lúc 14g16 ngày 17-5 là 87,500 – 89,990.

Đầu phiên giao dịch ngày 16-5 (theo giờ Mỹ), giá vàng thế giới giảm ngay sau khi cuộc khảo sát trong lĩnh vực sản xuất của Cục Dự trữ Liên bang khu vực Philadelphia công bố. Số liệu cho thấy, triển vọng kinh doanh sản xuất trong tháng 5 của Mỹ đã giảm xuống 4,5 so với mức 15,5 của tháng 4.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)