Đặng Đình Mạnh
(VNTB) – Người trúng cử Tổng Bí thư trong cuộc bỏ phiếu, thực chất chỉ là hình thức để che đậy kết quả dàn xếp, thỏa hiệp giữa các thế lực tranh đoạt quyền lực trong Đảng Cộng Sản.
Nhiệm kỳ 4 năm của Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden đã sắp mãn vào cuối năm 2024 này. Theo đó, vào ngày 05/11/2024 sắp tới, người dân Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 47 của quốc gia mình. Khi ấy, họ quyết định bỏ lá phiếu chọn lựa các ứng cử viên thuộc 2 đảng chính yếu, gồm đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ hoặc các đảng phái khác, kể cả các ứng cử viên Tổng Thống độc lập.
Thời điểm này, hầu như sự quan tâm của công chúng chỉ tập trung vào 2 ứng cử viên, ông Donal Trump, cựu Tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa và bà Kamala Harris, đương kim Phó Tổng thống thuộc đảng Dân Chủ. Còn lại, các ứng cử viên của các đảng phái chính trị khác hoặc các ứng cử viên độc lập vẫn chưa lộ diện hoặc thông tin về họ đã bị chìm khuất trong núi thông tin khổng lồ về 2 ứng viên chính.
Sau khi có kết quả bầu cử, vị Tổng Thống thứ 48 sẽ làm lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/01/2025 tại tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ (điện Capitol).
Trong một vài trường hợp hãn hữu, người không được người dân bầu làm Tổng Thống cũng có thể trở thành Tổng Thống trong trường hợp Tổng Thống đương nhiệm qua đời hoặc từ chức, thì người thay thế là Phó Tổng Thống đương nhiệm. Sau Phó Tổng Thống, pháp luật Hoa Kỳ đã quy định sẵn danh sách thứ tự các chức vụ có thể kế vị chức vụ Tổng Thống.
Cho thấy, hầu hết các diễn biến hoạt động để tấn phong một vị Tổng Thống Hoa Kỳ, từ ứng cử, vận động bầu cử, nhận quyên góp, bầu cử, kiểm phiếu, xác nhận kết quả, khiếu nại, bàn giao quyền lực, nhậm chức… đều thực thi trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật Hoa Kỳ và thông lệ. Đó là một chu trình hoàn toàn minh bạch, có thể kiểm soát và kiểm chứng. Trong đó, người dân biết ứng cử viên Tổng Thống là ai? Quan điểm chính trị ra sao? Giữa các ứng cử viên có sự khác biệt gì? Qua đó, giúp người dân có thể quyết định, chọn lựa người lãnh đạo quốc gia bằng lá phiếu của mình.
Nhờ đó, mà ý niệm pháp lý “Chính quyền của dân, do dân và vì dân” trở thành một thực tế tồn tại tại Hoa Kỳ.
Ở Việt Nam đương nhiên cũng có bầu cử, thậm chí được chế độ tổ chức rình rang để thu hút tất cả người dân tham gia. Đó là bầu cử cơ quan dân cử các cấp, từ Quốc Hội đến Hội đồng Nhân dân địa phương và chỉ vậy mà thôi.
Theo Hiến pháp, tuy Quốc Hội được quy định là cơ quan nắm giữ quyền lực cao nhất. Thế nhưng, tại điều 4 lại quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vô hình trung đã phủ nhận hoàn toàn vị thế của Quốc Hội. Thế nên, người đứng đầu Đảng Cộng sản là Tổng Bí thư mới là người nắm giữ quyền lực cao nhất chứ không phải Chủ Tịch Quốc Hội. Quốc Hội chỉ còn là một định chế mang tính hình thức và là một tấm bình phong về ngụy dân chủ mà thôi.
Cho nên, tuy bầu cử Quốc Hội được tổ chức rình rang, thu hút mọi người dân đi bỏ phiếu, nhưng thực chất lại chẳng có quyền hạn gì ngoài việc hợp thức hóa các quyết định từ Đảng Cộng Sản. Trong khi đó, chính các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản tổ chức 5 năm/lần mới thật sự quan trọng, vì chính Đảng Cộng sản đã giành lấy vị thế quyết định tất cả những vấn đề hệ trọng của quốc gia.
Tất nhiên, chỉ có một số rất ít người người dân là đảng viên Đảng Cộng sản mới có quyền tham gia Đại hội Đảng. Sau đại hội các cấp, thì chỉ còn một nhóm hơn trăm đảng viên cao cấp là Ủy viên Trung ương Đảng có quyền bầu ra các chức vụ cao cấp nhất, lãnh đạo Đảng và quốc gia.
Theo đó, lẽ ra vào tháng 01/2026 sẽ diễn ra kỳ đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ XIV để bầu ra một Tổng Bí thư. Thế nhưng, Tổng Bí thư đương nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng đột ngột qua đời vào tháng 07/2024 khi chưa hết nhiệm kỳ thứ ba của ông ấy, cũng đã khiến đặt ra vấn đề thay đổi người lãnh đạo quốc gia mới.
Rất nhanh, một ngày trước khi ông Nguyễn Phú Trọng mất, thì chế độ đã thông báo cho quốc dân về việc Bộ Chính Trị tạm giao quyền hạn Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản cho ông Tô Lâm, Chủ tịch nước.
Không chỉ vậy, việc kế vị của ông Tô Lâm hoàn toàn dựa trên cơ sở thế lực của ông ấy trong Đảng vào lúc này, chứ không theo cơ sở pháp luật nào cả.
Như vậy, kể cả Đại hội Đảng chính thức theo nhiệm kỳ hoặc thay đổi Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ, thì cũng chỉ có một nhóm nhỏ là đảng viên cao cấp quyết định mọi sự hệ trọng mà thôi. Sự quyết định của họ là một chu trình hoàn toàn dựa vào vị thế cá nhân và tương quan quyền lực của các thế lực trong Đảng. Trong đó, người dân hoàn toàn đứng ngoài chu trình đó, họ không có vai trò gì trong quá trình tấn phong một người lãnh đạo có thẩm quyền quyết định vận mệnh quốc gia của mình.
Người dân cũng không hề biết ứng cử viên là ai cho đến ngày bỏ phiếu, vì vậy, họ càng không thể biết xu hướng, quan điểm chính trị của người ấy, cũng như chương trình hành động là gì sau khi đắc cử.
Người trúng cử Tổng Bí thư trong cuộc bỏ phiếu, thực chất chỉ là hình thức để che đậy kết quả dàn xếp, thỏa hiệp giữa các thế lực tranh đoạt quyền lực trong Đảng Cộng Sản.
Đó là khuôn mặt thật của nền chính trị đương đại Việt Nam.
DC, ngày 03/08/2024
1 comment
Mỹ cũng chả dân chủ hơn ai đâu . Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao đã chỉ rõ Mỹ hổng cho Cộng Sản thắng ở thùng phiếu, thế là cũng chả dân chủ gì hơn đâu