Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bầu cử Tổng thống 2024 – cuộc bầu cử kỳ lạ!

Thái Hóa Lộc

 

(VNTB) – Không khí sôi động mùa bầu cử đã kết thúc người dân Mỹ chỉ mong chờ đất nước sớm đoàn kết, cùng nhau giải quyết các khó khăn về kinh tế. 

 

Dù thay đổi ứng viên ‘giữa dòng’, thì ngay từ đầu cho đến lúc ứng viên tuyên bố đắc cử dù chưa chính thức nhưng cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm nay vẫn luôn là cuộc bầu cử kỳ lạ, xưa nay hiếm, thậm chí có thể nói là chưa từng có.

Về tài chính tranh cử mà chiến dịch của bà Kamala Harris và ông Donald Trump đưa vào vào giữa tháng 10, cho biết chiến dịch của mỗi ứng cử viên, cùng với các nhóm bên ngoài và các ủy ban của mỗi đảng đã huy động được tổng cộng 4,2 tỷ USD.Trong đó, bà Harris huy động được số tiền ủng hộ tranh cử nhiều hơn so với ông Trump. Các tổ chức gồm Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) và các công cụ huy động ngân sách thuộc đảng này – gồm các siêu ủy ban hành động chính trị (super PAC) có khả năng huy động số tiền không giới hạn từ các nhà tài trợ cá nhân – đã thu hút được hơn 2,3 tỷ USD tiền tài trợ và đã chi 1,9 tỷ USD để vận động cử tri bỏ phiếu cho vị Phó tổng thống. Các nhóm của ông Trump và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) huy động được hơn 1,8 tỷ USD và đã chi 1,6 tỷ USD.

Khoảng một nửa số tiền được chi cho cuộc chạy đua của hai ứng cử viên là tiền rót vào quảng cáo và các hoạt động truyền thông – theo phân tích của Financial Times dựa trên số liệu được cung cấp. Phần lớn trong con số một nửa đó được chi tại 7 bang dao động (swing state) có khả năng quyết định kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Riêng các nhóm của bà Harris đã chi hơn 1 tỷ USD cho các loại hình quảng cáo truyền thống và trên truyền thông xã hội tại các tiểu bang như vậy.

Tổng cộng, chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên và các nhóm bên ngoài đã chi gần 1,5 tỷ USD cho quảng cáo tại 7 ban quan trọng – theo dữ liệu của AdImpact. Trong đó, hơn 400 triệu USD được chi tại bang Pennsylvania, tiểu bang có 19 phiếu đại cử tri. Số tiền quảng cáo rót vào bang này còn nhiều hơn số tiền 358 triệu USD chi ở tất cả 43 tiểu bang không phải là bang dao động.

Các nhóm vận động tranh cử của ông Trump đã chi một tỷ lệ lớn ngân sách tranh cử cho các vụ kiện tụng gần đây và đang diễn ra liên quan tới vị cựu tổng thống. Số tiền hơn 100 triệu USD là chi phí pháp lý của ông Trump trong lần bầu cử này.

Bởi vậy, phần lớn các khoản chi khác cho chiến dịch của ông được trang trải bởi Đảng Cộng hòa, các ủy ban và siêu ủy ban hành động chính trị, trong đó có PAC mang tên America do tỷ phú Elon Musk tài trợ. Ông Musk đã đóng góp 118 triệu USD vào America PAC sau khi thành lập ủy ban này vào mùa hè năm nay, cùng thời điểm ông tuyên bố ủng hộ ông Trump.

America PAC đã đảm nhận phần lớn các hoạt động nhằm thuyết phục cử tri đi bỏ phiếu – công việc vốn thường được xử lý bởi chiến dịch tranh cử và đảng của ứng cử viên. Siêu ủy ban hành động chính trị này đã thuê người vận động tới gõ cửa từng nhà cử tri – một nhiệm vụ thường được thực hiện bởi tình nguyện viên trong chiến dịch tranh cử.

Trong khi đó, việc vận động cử tri đi bầu bên phía bà Harris được thực hiện một cách truyền thống hơn, bởi chiến dịch của bà và DNC. Siêu ủy ban hành động chính trị lớn nhất thân bà Harris, có tên Future Forward, dồn nguồn lực tài chính cho quảng cáo và đã rót gần 300 triệu USD vào các bang dao động…

Cả hai ứng viên đã vẽ ra những viễn cảnh trái ngược nhau cho tương lai nước Mỹ nếu họ thất bại. Cựu Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ “xuống địa ngục” và trở thành quốc gia “cộng sản ngay lập tức” nếu ông thua. Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris gọi đối thủ là “tên phát xít”, muốn nắm “quyền lực không bị kiểm soát”.

Cử tri ở các bang dao động quan trọng bị các quảng cáo chính trị “tấn công” dồn dập, mà phần lớn trong đó đánh vào nỗi sợ của họ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Mỹ được khảo sát cho biết họ cảm thấy lo lắng. “Tôi tin rằng họ đang khiến chúng tôi sống trong sợ hãi chỉ để giành được phiếu bầu,” cử tri Heather Soucek nói ở Wisconsin khi ngày bầu cử đang đến gần. Bà sống ở một quận dao động trong một tiểu bang dao động và dự định bỏ phiếu cho ông Trump vì theo lời bà, các kế hoạch kinh tế của bà Harris rất “đáng sợ”.

Nhưng cũng trong khu phố đó, cử tri độc lập Tracy Andropolis nói rằng bà sẽ bầu cho bà Harris. “Đây là một trong những kỳ bầu cử quan trọng nhất trong đời tôi. Có nhiều thứ đang bị đe dọa,” bà Andropolis nói và thừa nhận mình sợ nếu ông Trump thắng thì sẽ không chịu từ bỏ quyền lực. Cả hai đều bày tỏ nỗi sợ thực sự của bản thân đối với tương lai nếu ứng viên của họ thua cuộc. Điều này cũng phản ánh nỗi lo của nhiều cử tri ngay trước ngày bầu cử.

Bà Andropolis nói rằng bà không tin vào việc hai ứng viên đang ngang ngửa nhau trong các cuộc thăm dò. Không phải vì bà có bất kỳ lý do thật sự nào, mà vì bà không thể tưởng tượng nổi hàng triệu người lại bỏ phiếu cho ông Trump. Và bà không phải là người duy nhất khổ sở để chấp nhận sự “sít sao” này.

Dường như không chỉ các cử tri Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, mà có cảm giác như đây là hai quốc gia riêng biệt đang phải miễn cưỡng chung sống với nhau. Người Mỹ đang có xu hướng chuyển đến sống gần những hàng xóm có chung quan điểm chính trị. Không khó để nhận ra những khu vực như thế vào lúc này, với đầy các biển biểu ngữ, tờ quảng cáo thể hiện sự ủng hộ đối với ông Trump hoặc bà Harris.

Nhưng không thể sống mãi trong những thế giới tách biệt này. Hai thế giới này sắp va chạm với thực tế khắc nghiệt của một cuộc bầu cử. Dù có cạnh tranh gay cấn thế nào đi chăng nữa thì phải có một bên chiến thắng. Và khi một số người ở đây biết được kết quả sau cùng và nhận ra rằng hàng chục triệu đồng bào có cảm nhận rất khác với mình, thì đó sẽ là một cú sốc.

Cả ông Trump lẫn bà Harris đã vạch ra con đường mang tính lịch sử và đầy biến động của riêng mình hướng tới Tòa Bạch Ốc…Không còn nghi ngờ gì nữa, giọng điệu của các chiến dịch tranh cử này đã làm tăng mức độ căng thẳng, lo âu và hậu quả của cuộc bầu cử này có thể bùng nổ. Đây là một quốc gia chia rẽ giữa những tầm nhìn đối lập về những gì đang bị đe dọa. Nhưng chính tại các nơi bỏ phiếu, màu đỏ (Cộng hòa) và màu xanh (Dân chủ) của nước Mỹ sẽ đối đầu nhau.

Dù kết quả thế nào, thì gần như một nửa đất nước sắp phát hiện ra rằng nửa còn lại có một cảm nhận hoàn toàn khác về những gì nước Mỹ cần. Đối với những người thua cuộc thì đây sẽ là một sự nhận thức đau đớn.

Ứng cử viên Kamala Harris tuy là người phụ nữ thứ 2 đại diện 1 trong 2 đảng lớn nhất của Mỹ để tranh cử tổng thống, nhưng lại bất ngờ được chọn vào giờ chót khi Đảng Dân chủ buộc Tổng thống đương nhiệm Joe Biden bỏ cuộc. Bà là người phụ nữ đầu tiên thành công ngay trong lần đầu cạnh tranh để đại diện cho đảng của mình. Hơn thế nữa, bà trở thành nữ ứng viên da màu đầu tiên (có mẹ là người Ấn Độ) tranh cử tổng thống Mỹ.

Không những vậy, trước khi chính thức tranh cử, bà Harris cũng là người phụ nữ có vị trí chính trị cao nhất trong lịch sử nước Mỹ khi giữ chức Phó tổng thống Mỹ. Bà chính là nữ Phó tổng thống Mỹ đầu tiên. Trước đó, bà là nữ thượng nghị sĩ thứ 2 mang dòng máu châu Phi và là nữ thượng nghị sĩ đầu tiên có dòng máu Nam Á.

Thành tích của ứng viên Harris còn được ghi nhận khi là nữ biện lý đầu tiên của quận San Francisco (bang California), rồi nữ tổng chưởng lý đầu tiên của bang California. Nếu thắng cử, bà Kamala Harris sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Về phía đối nghịch với bà Harris, ông Donald Trump cũng trở thành ứng viên tổng thống Mỹ có nhiều đặc điểm hiếm có. Trong lịch sử nước Mỹ thì ông Trump là cựu tổng thống thứ 3 chạy đua để quay lại làm chủ nhân Tòa Bạch Ốc. Trong lịch sử nước Mỹ, ông Grover Cleveland (1837 – 1908, đảng Dân chủ) từng thắng cử tổng thống Mỹ tại kỳ bầu cử năm 1884 nhưng lại thất bại khi tái cử vào năm 1888. Để rồi sau đó 4 năm, ông tranh cử trở lại và chiến thắng để bắt đầu nhiệm kỳ 1893 – 1897. Vì thế, ông Cleveland cũng là người đầu tiên làm tổng thống Mỹ ở 2 nhiệm kỳ không liên tục. 

Không khí sôi động mùa bầu cử đã kết thúc người dân Mỹ chỉ mong chờ đất nước sớm đoàn kết, cùng nhau giải quyết các khó khăn về kinh tế.  Tranh cãi, bất đồng hoài thì đất nước tiếp tục khó khăn chia rẽ. Thông điệp “Make America great again” (Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) của Tổng thống tái đắc cử Donald Trump cần điều chỉnh thành “Make America joyful again” (tạm dịch: Hãy làm cho nước Mỹ hân hoan trở lại).

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đằng sau mỗi lá phiếu là một con người.

Phan Thanh Hung

VNTB – Nga trục xuất phó đại sứ Mỹ Bartle Gorman.

Phan Thanh Hung

VNTB- Hoa Kỳ, ngày bầu cử năm 2016

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo