Nguyễn Nam
(VNTB) – Lời chúc Tết đoàn viên bỗng dưng lạt thếch…
Một,
Từng tốp xe máy xuôi dòng về miền trung nhưng năm nay có vẻ ít hơn mọi năm. Ghé Hoà Đa (Tuy Hoà – Phú Yên) với món bánh hỏi lòng heo…
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn kể, “Tình cờ gặp được em bé gái chở trên xe đôi dép cũ và cũng kịp hỏi thăm: “Sao phải chở theo đôi dép treo lơ lửng thế này?”.
Em bảo: “Dép của mẹ em làm phụ bếp ở quận 8, đã chết vì Covid hồi tháng 8 năm ngói, lần này em về hẳn quê sẵn dọn nhà trọ nên mang về Quảng Nam, để bà ngoại giữ làm kỷ niệm…”
Mang dép về cho ngoại.
Nghe mà nhói lòng!”
Hai,
“Ồi, chống dịch làm đi mấy chục ngàn nhân mạng giờ bù lại!”.
Đó là ‘ý kiến’ bên lề về tin Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 30-1-2022 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia dân số và phát triển, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia dân số và phát triển gồm ông Nguyễn Thanh Long – bộ trưởng Bộ Y tế (phó trưởng Ban thường trực), bà Nguyễn Thị Hà – thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội, ông Đỗ Xuân Tuyên – thứ trưởng Bộ Y tế và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – thứ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư.
Ban Chỉ đạo quốc gia dân số và phát triển thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc các bộ, ngành trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành về dân số và phát triển; nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến dân số và phát triển.
Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ Y tế là cơ quan thường trực có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được cho là tác giả của yêu cầu “người cách ly người, nhà cách ly nhà” ở TP.HCM hồi giữa năm ngoái dẫn đến hệ lụy mấy chục ngàn nhân mạng phải ra đi tức tưởi của chính sách ‘zero Covid’. Lúc đó, ông Vũ Đức Đam là Trưởng ban chỉ đạo phỏng, chống Covid quốc gia.
Ba,
Nhớ lại chuyện “người cách ly người, nhà cách ly nhà”, nhà báo H.C.N., kể về một người bạn trong chuyến xe hoài hương cuối năm…
Dịch bệnh tràn về. Cách ly. Phong tỏa. Ai ở đâu ở yên đó. Bánh xe chở thuê của anh không quay được vòng nào. Thúng đậu phộng, trứng cút của chị nằm im trong góc xó. Cư dân khu nhà trọ thu mình ngồi trong những căn phòng chật chội, nóng bức, tối tăm đợi những bịch gạo, thùng mì, bó rau, quả trứng từ thiện lúc có lúc không… Bức bách quá, anh chị đã tính đường về quê. Nhưng vẫn không kịp.
“Con Covid đã đến”, chị nói. Nhà dì Bảy bán chổi dạo bị F0, rồi đến nhà anh Tuấn xe hủ tiếu đẩy, đến nhà bà Hạ cùng “ngành hàng” đậu phộng, trứng cút với chị. Và đến cả nhà chị. F0. F0. Cách ly. Bệnh viện thu dung. Bệnh viện dã chiến.
Nửa tháng sau, chị và cháu Mai có kết quả âm tính, được trở về khu nhà trọ. Còn anh Thế chồng chị vốn bị bệnh động kinh, nhiễm nặng, được đưa lên tầng trên, tầng trên nữa để rồi mấy tuần sau chị nhận được điện thoại của bệnh viện hồi sức: anh không còn chống chọi được nữa. Và rồi vào một buổi chiều trời vừa xâm xẩm tối, hũ tro cốt của anh được đưa về khu nhà trọ…
Bốn,
Trong căn nhà ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP.HCM), Nguyễn Thị Mai Khanh (sinh năm 2008) cùng cậu út tất bật dọn ba chén cơm, xắn trứng vịt luộc làm ba phần rồi cắm bông và trái cây lên bàn thờ mẹ của em. Từ tháng 8-2021 đến giờ, đây là việc mà cô bé 14 tuổi làm gần như mỗi ngày.
“Tết nhất con cúng cơm cho cha mẹ để tưởng nhớ” – Khanh nói khi vừa thắp xong nén nhang. Khanh mất cha, mẹ, ông bà ngoại vì dịch bệnh trong vòng chưa đầy một tháng. Trên bàn thờ hiện chỉ có di ảnh của mẹ em, còn cha được gửi ở chùa, đợi giáp năm mới đưa về nhà.
“Tết này chỉ còn mình con nên cúng đơn giản tưởng nhớ ông bà, cha mẹ”, Khanh nói em sẽ mua chút thịt về kho ăn trong 2 – 3 ngày Tết. Hôm 25 tháng Chạp, Khanh đã cùng cậu mợ đến chùa cúng ba và tảo mộ mẹ ở Long An.
Lời chúc Tết đoàn viên bỗng dưng lạt thếch, đầy sáo rỗng…