Hiền Vương
(VNTB) – Một lượng lớn bệnh nhân của Medic Hòa Hảo, trong vài tuần tới, bỗng chốc trở nên bơ vơ.
“Bác sĩ hẹn tới giờ vô lấy kết quả, 2 mẹ con đi ăn có xíu quay lại thì không được vô luôn. Bây giờ sao lấy được đây trời? Từ đó lên đây cũng xa, mà tôi bị bao tử cũng nặng giờ không biết sao”, vừa nói, bà L. vừa nhìn về phía cổng Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo.
Tương tự, khoảng 10 giờ 15 phút, bà N.T.M (34 tuổi, ngụ quận 5, Sài Gòn) cầm theo giấy hẹn gọi bảo vệ nhờ mở cổng nhưng được hẹn khi khác quay lại. “Nhưng mà bác sĩ hẹn hôm nay, tôi cần lấy kết quả để biết tình trạng sức khỏe mình”. Bảo vệ đáp: “Giờ muốn bảo vệ sức khỏe thì chị đi về, khi khác quay lại bệnh viện”.
Sau đó, nhiều người xung quanh đến nói về ca nhiễm Covid-19, bà M. đành đi về.
Medic Hòa Hảo mà bị phong tỏa, thì những bệnh nhân như bà L., bà M. và rất nhiều bệnh nhân ngoại trú khác ở nơi đây sẽ biết phải đi đâu, khi bệnh án vẫn còn nằm trong Medic Hòa Hảo? Một lượng lớn bệnh nhân của Medic Hòa Hảo, trong vài tuần tới, bỗng chốc trở nên bơ vơ.
Chắc chắn sẽ có một số người không chịu cảnh bơ vơ như vậy, vì bệnh tật là không thể chờ đợi. Liệu trong số những bệnh nhân đi các nơi khác khám, có ai thực sự là F1 mà không biết, hay biết mà cố tình giấu diếm hay không?
Phòng khám tư nhân nổi tiếng như Medic Hòa Hảo, đến tận lúc này vẫn chưa biết các nhân viên y tế nơi đây đã được chích ngừa mũi nào Covid-19 hay chưa, chứ tất cả các phòng khám tư nhân khác, dẫu họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua chích cho nhân viên của họ, song cũng không tìm ra nơi chịu bán.
Một giám đốc phòng khám tư nhân buồn bã nói rằng rất nhiều người ý kiến hễ là nhân viên y tế, thấy cúm Tàu thì cũng cứ phải xông vào, không khám là vô lương tâm, là vô đạo đức. Họ muốn rằng, nhân viên y tế dù biết sẽ chết cũng vẫn phải liều khám.
“Chợt nhớ đến 64 chiến sĩ Trường Sa năm xưa, trong tay không có vũ khí, chỉ ôm cờ chống chọi với súng to, súng nhỏ, dao lê…” – ông nói bỏ ngỏ…
Không bi kịch hóa, song quả thật với những ai đang phải điều trị theo những phác đồ ngoại trú ở các bệnh viện và trung tâm y khoa tư nhân như Medic Hòa Hảo, trong trường hợp những địa chỉ chữa trị này bất ngờ bị phong tỏa vì các ca nhiễm hay nghi nhiễm, coi như các ‘khổ chủ’ bệnh nhân đó khi buộc phải chữa trị nơi khác, sẽ phải ‘đi lại từ đầu’ trong một số xét nghiệm mang tính tầm soát, cả định tính lẫn định lượng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo người dân Sài Gòn luôn cảnh giác cao độ vì trong cộng đồng “ai cũng có thể là F0”. Tuy nhiên cái cần thiết lúc này là phương án nào ít nhiều khả thi từ những nhà quản lý y tế trong việc giải quyết các bệnh nhân ngoại trú sẽ đi đâu khi nơi chữa trị bị đóng cửa vì Covid-19?
Từ khi dịch bắt đầu vào năm 2020 đến nay, cơ quan y tế của thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 273 ca Covid-19, bao gồm các ca nhập cảnh cách ly ngay và ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 257 trường hợp đã điều trị khỏi, 16 đang điều trị.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức khai báo y tế cho người về từ các địa phương, khu vực có ca bệnh, bị giãn cách, theo dõi y tế.
Tin tức cho biết ngành y tế Sài Gòn đã hoàn tất kịch bản ứng phó tình huống dịch bùng phát 5.000 ca nhiễm Covid-19, thế nhưng với việc giải quyết các bệnh nhân ngoại trú sẽ đi đâu khi nơi chữa trị bị đóng cửa vì Covid-19, thì chưa thấy loan báo.