VNTB – Giao thông hào thời chống dịch như chống giặc

VNTB – Giao thông hào thời chống dịch như chống giặc

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Dựng bê tông chặn đường là để phòng dịch Covid lây lan cộng đồng ở tỉnh Bình Dương.

 

Tiếp nối hành động gọi là “tạm thời” của quận Long Biên, Hà Nội, Thường trực Tỉnh ủy Tỉnh Bình Dương thay vì lập chốt, dựng trạm, lại sử dụng các khối bê tông để chặn đường, gọi là thực hiện chỉ thị 16 tăng cường.

Hành động này của tỉnh ủy đã làm cho dư luận phải bàn ra tán vào. Một số người dân ở Bình Dương thắc mắc, chắn như vậy thì khi có xe cứu thương, cứu hỏa, làm sao di chuyển?

Trả lời cho câu hỏi này, theo ghi nhận, các trục đường chính như quốc lộ 13, Phạm Ngọc Thạch…, xe cấp cứu, xe làm nhiệm vụ… vẫn di chuyển thuận lợi.

Một cán bộ ở Bình Dương cho biết việc dùng đến bêtông để chặn nhiều tuyến đường là giải pháp mạnh để thực hiện chỉ thị 16 tăng cường tại Bình Dương. Theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, người dân tuyệt đối không ra đường 24/24h mỗi ngày nếu không có việc thực sự cần thiết.

Ngay cả việc di chuyển trong nội tỉnh, nếu từ vùng dịch có nguy cơ cao tới vùng nguy cơ thấp hơn thì cũng phải thực hiện cách ly. Người dân được khuyến cáo “ai ở đâu ở yên đấy”, nếu có khó khăn về thực phẩm, chữa bệnh thì phản ánh qua đường dây nóng 1022 hoặc tổ dân phố để được hỗ trợ.

“Câu trả lời phải nói là khó thuyết phục người nghe, đâu phải người dân nào cũng ở quốc lộ hay đường lớn mà gọi là di chuyển thuận lợi. Con vi-rút Vũ Hán nó có né mấy người ở nhà trọ, ở trong hẻm không? Nếu chẳng may người nào phát bệnh, dù không phải là do Covid-19 gây ra, thì như thế nào? Thí dụ như đột quỵ, khó thở thì sao? Thời gian vàng trôi qua, nếu người đó tử vong, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương có đứng ra nhận trách nhiệm không? Có đền bù bao nhiêu cũng không đủ” – bà Út, một cư dân sinh sống ở Thủ Dầu Một bức xúc.

Điều 23 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”.

Tương tự, chỉ thị dùng để truyền đạt các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, chấn chỉnh công tác, giao nhiệm vụ và đôn đốc các cơ quan cấp dưới, có khi là các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhà nước.

Trong hệ thống thứ bậc văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp, chỉ thị là hình thức văn bản quy phạm pháp luật, một văn bản dưới luật do Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành.

“Đồng ý là điều 14 Hiến pháp năm 2013 ghi “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Tuy nhiên, hạn chế ở đây không đồng nghĩa với việc anh dùng biện pháp mạnh để không cho dân ra đường. Với những khối bê tông như vậy, sẽ tạo cho một số người cảm giác không an toàn khi có những rủi ro như bệnh tật, cháy nổ xảy ra” – một dân ngụ cư, quê gốc An Giang lập nghiệp ở Dĩ An nhận xét.

Người dân đồng lòng, hy sinh quyền và lợi ích cá nhân để cùng chính phủ chống dịch, cũng mong rằng, Thường trực Tỉnh ủy Tỉnh Bình Dương sẽ tỉnh táo, không để dân phải lo lắng nếu có bất kỳ rủi ro nào xảy ra.

Và cũng nên nhớ một điều rằng, chính quyền chưa ban bố Tình trạng khẩn cấp hay còn được gọi là tình trạng đặc biệt nên không thể tự cho mình cái quyền ‘thích là làm’.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)