VNTB – Bị hại vắng mặt ở phiên xét xử hình sự vì sợ có ‘huông’?

VNTB – Bị hại vắng mặt ở phiên xét xử hình sự vì sợ có ‘huông’?

Hà Nguyên

(VNTB) – Tất cả các ông, bà bị hại đều vắng mặt với lý do ốm hoặc bận công tác

Trong phiên xét xử sơ thẩm hình sự vụ ‘nói xấu’ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, hầu hết bị hại đều vắng mặt, và phiên tòa vẫn diễn ra bình thường…

Ngày 30-3, tại thành phố Đông Hà, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân” quy định tại khoản 1, Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với các bị cáo Lê Anh Dũng, Phan Bùi Bảo Thi và Nguyễn Huy.

Trước đó, vào cuối tháng 10-2021, 3 bị cáo trên cũng bị đưa ra xét xử sơ thẩm, với tội danh trên. Đáng chú ý, tại phiên xử sơ thẩm lần 1, một văn bản của Tỉnh ủy Quảng Trị gửi cho luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa khẳng định: “Hành vi của bị cáo và đối tượng liên quan đến vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” không ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo, điều hành công việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị…”.

Vậy là ở phiên tòa xét xử lần này, tội danh của 3 bị cáo không còn xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức nữa, mà chỉ còn là “xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân”.

Theo cáo trạng, xuất phát từ “bức xúc cá nhân và nhận thức sai lệch về chống tiêu cực”, từ ngày 28-4-2020 đến 1-2-2021, 3 bị cáo Dũng, Thi, Huy đã tập hợp thông tin, đăng tải trên các trang Facebook, fanpage nhiều bài viết được cho là “nói xấu, bôi nhọ” một số vị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, xuyên tạc tình hình nội bộ Công an tỉnh Quảng Trị.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được cho thấy, bị cáo Thi biên tập 53 bài; bị cáo Huy biên tập 26 bài và các bài viết được gửi cho bị cáo Dũng để đăng trên các tài khoản Facebook. Cáo trạng cho rằng hành vi của 3 bị cáo gây hậu quả đối với tổ chức: làm giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh và Công an tỉnh với cán bộ và nhân dân, làm giảm niềm tin của nhân dân với với các tổ chức; ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của các lãnh đạo.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào cuối tháng 10-.2021, người bị hại gồm ông Nguyễn Văn Hùng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, nay là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; ông Đỗ Văn Bình – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, nay là Bí thư Huyện ủy Cam Lộ; bà Trần Thị Thu – Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Trị và ông Trần Đức Việt – nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị.

Tất cả các ông, bà kể trên đều vắng mặt với lý do ốm hoặc bận công tác.

Phiên xét xử hôm cuối tháng 3-2022, ngoài ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ủy quyền cho luật sư tham dự phiên tòa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, thì các bị hại còn lại trong vụ án tiếp tục vắng mặt.

Liên quan vấn đề trên, theo Điều 292 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, có quy định như sau:

“Điều 292. Sự có mặt của bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ

1. Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

2. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, pháp luật hiện hành không yêu cầu một cách tuyệt đối là bị hại vắng mặt thì phiên tòa được mở hay không, mà việc có tiến hành xét xử hay không sẽ phụ thuộc vào ý chí, sự xem xét, cân nhắc của hội đồng xét xử.

Quy định này cho phép bị hại được phép vắng mặt tại tòa và trường hợp vẫn muốn tòa án tiến hành xét xử bình thường, thì người bị hại phải làm đơn xin vắng mặt kèm theo yêu cầu, nguyện vọng của mình gửi cho tòa án trước thời điểm mở phiên tòa.

Thực tiễn xét xử cho thấy người bị hại đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt có lý do chính đáng như do ốm đau, do bị tai nạn hay gặp rủi ro khác mà không thể có mặt tại phiên toà được, toà án có thể xử vắng mặt người bị hại, nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho họ.

Trong trường hợp toà án thấy có thể ra bản án, quyết định theo hướng không có lợi cho người bị hại vắng mặt, thì phải hoãn phiên toà. Nếu người bị hại đã được triệu tập hợp lệ, không gặp khó khăn, trở ngại đến mức không thế có mặt theo giấy triệu tập được, mà cố tình vắng mặt, thì toà án có quyền xét xử vắng mặt người bị hại, kể cả việc ra bản án, quyết định không có lợi cho họ.

Xem ra nếu các bị hại đang là quan chức có ngại ngần xuất hiện trước chốn pháp đình vì sợ có ‘huông’, thì để thể hiện văn hóa công vụ, cần thiết ‘bắt chước’ như ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã ủy quyền cho luật sư tham dự phiên tòa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)