VNTB – Bi kịch đã diễn ra: bệnh nhân chết tức tưởi vì… thiếu thuốc

VNTB – Bi kịch đã diễn ra: bệnh nhân chết tức tưởi vì… thiếu thuốc

Cát Tường

(VNTB) – 6 chai  thuốc giải độc botulinum giờ nằm chờ những ca ngộ độc tiếp theo 

 

6 chai thuốc giải độc botulinum (BAT, Botulism Antitoxin Heptavalent) vừa được chuyển từ Thụy Sĩ về bệnh viện Chợ Rẫy chỉ còn tác dụng dự phòng cho các trường hợp ngộ độc tiếp theo (nếu có).

Riêng hai bệnh nhân đang điều trị tại đây đều qua “thời gian vàng” sử dụng thuốc giải độc. Một bệnh nhân khác là người đàn ông 45 tuổi (thành phố Thủ Đức) bị ngộ độc botulinum đang được điều trị tại bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong. Đây là một trong ba ca bị ngộ độc botulinum cùng với hai anh em ruột đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy.

20g ngày 24-5, bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận lọ thuốc giải độc botulinum cho người bệnh từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp theo yêu cầu. Nhưng trước đó, bệnh nhân đã suy hô hấp phải thở máy, mạch nhanh, huyết áp tụt do độc tố ảnh hưởng hệ thần kinh tự chủ. Bệnh nhân được hồi sức tích cực chuyên sâu, nhưng không đáp ứng điều trị và tử vong trước khi kịp truyền thuốc.

Trước đó, người đàn ông 45 tuổi này được chẩn đoán ngộ độc botulinum do ăn phải một loại mắm. Ngay sau đó, ông được chuyển đến bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị trong tình trạng liệt cơ, phải thở máy, điều trị kháng sinh.

Hai trường hợp đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy là anh em ruột làm nghề vá xe lưu động (tuổi 18 – 26, quê Hậu Giang). Hai người này được xác định ăn bánh mì kẹp chả lụa vào ngày 13-5 và đến ngày 14-5 có các dấu hiệu ngộ độc khi rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy…

Các bệnh nhân được chuyển vào bệnh viện cấp cứu ngày 15-5 với tình trạng yếu cơ, khó nuốt, nhìn đôi… Xét nghiệm và hội chẩn liên viện sau đó xác định các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum. Như vậy kể từ lúc các bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc botulinum đến khi 6 lọ giải độc botulinum về đến bệnh viện Chợ Rẫy là 10 ngày, quá muộn so với “thời gian vàng” sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu.

Từ ngày 13-5 đến nay, lần lượt 6 người ở thành phố Thủ Đức ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo và một người nghi do ăn mắm. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được dùng thuốc giải độc, điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện diễn tiến cải thiện. Ba ca còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì cả nước cạn thuốc giải độc.

Bệnh viện Chợ Rẫy sau đó đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM đề nghị khẩn cấp nhập thuốc giải độc BAT cho bệnh nhân cũng như dự phòng tình huống phát sinh ca mới. Bởi vì theo các chuyên gia, khi được giải độc sớm trong 48 đến 72 tiếng, bệnh nhân có thể thoát tình trạng liệt, không phải thở máy. Hoặc, bệnh nhân bắt đầu thở máy 1-2 ngày (sau khi ngộ độc) mà được dùng thuốc thì trung bình 5-7 ngày có thể hồi phục và cai máy thở.

“Nếu có thuốc hỗ trợ thì có thể trung hòa các chất độc nhưng cũng không có nghĩa có thuốc là sẽ không có biến chứng nặng xảy ra, vì chúng còn tùy thuộc vào lượng độc chất ăn phải và việc sử dụng thuốc có đúng thời điểm hay không” – các bác sĩ điều trị cho biết như thế.

Điều này đã giải thích vì sao hai bệnh nhân bị ngộ độc botulinum đang điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy hiện tại không được chỉ định dùng thuốc, vì tình trạng sức khỏe thực tế không còn cho phép. Các bệnh nhân đã liệt cơ hoàn toàn, đang được nuôi dưỡng, thở máy, chăm sóc tích cực.

Toàn cảnh sự việc đau lòng ở trên không nằm ngoài kịch bản tiên liệu, khi mà hồi tháng 3 vừa qua, việc các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy kịp thời mang 5 lọ thuốc BAT ra Quảng Nam để điều trị các ca ngộ độc chất Botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua đã giúp người bệnh qua cơn nguy hiểm. Qua đó đã gióng hồi cảnh báo về việc cơ chế pháp lý hiện nay đã đẩy các bệnh viện chưa thể mua sắm, dự trữ các loại thuốc hiếm, thuốc đặc trị, thuốc giải độc chuyên biệt…

Và có lẽ cũng cần nói thêm cho “chuông nguyện hồn ai”, đó là theo Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết hiện nay, TP.HCM đang thiếu một số thuốc như: thuốc nhỏ mắt Atropin (bệnh viện Mắt); thuốc uống Acitretin (bệnh viện Da liễu); thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat (bệnh viện Da liễu); thuốc tiêm Mitoxantrone (bệnh viện Truyền máu – Huyết học)…

Các thuốc này bị thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện đã sử dụng phác đồ thay thế. “Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán. Ngoài ra, thành phố hiện cũng không có sẵn thuốc cấp cứu như các trường hợp ngộ độc botulinum vừa xảy ra”, bà Như nói.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)