Chánh Thành
(VNTB) – “Cán bộ Đoàn phải là hình mẫu, tấm gương cho các bạn trẻ cả nước học hỏi, noi theo.”
Cuối tháng 3, ông Bùi Quang Huy bí thư Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM (TNCS) nhắn nhủ với đoàn viên: “Người nào đang được lãnh đạo, đơn vị giao cho nhiều việc, nghĩa là người đó có năng lực và được tin tưởng. Vì vậy, các bạn hãy đón nhận công việc một cách hồ hởi nhất. Cán bộ Đoàn phải là hình mẫu, tấm gương cho các bạn trẻ cả nước học hỏi, noi theo”. (1)
Lời nhắn của ông Huy cho thấy bốn vấn đề. Đối với cấp trên, đây là câu nịnh ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đối với cấp dưới, đây là chuyện ép phải làm việc nhiều nhưng buộc phải chấp nhận lương ít. Đối với chính ông Huy thì ông không hiểu gì về nhân quyền và quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, ông Huy cũng không thể làm hình mẫu cho các bạn trẻ vì chính ông đã vi phạm điều lệ đoàn.
“Tôn nịnh đại suy”: đạo đức cách mạng là vậy sao?
Nói người nào làm nhiều việc là có năng lực và được tin tưởng, tức là nói các lãnh đạo có năng lực mới có thể một mình ngồi nhiều ghế. Ở vai trò người đứng đầu đoàn TNCS, ông Huy đang có ý nịnh bợ người đứng đầu đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Khi ông Trọng ngồi 5 ghế là Tổng bí thư Đảng Cộng sản, bí thư Quân uỷ Trung ương, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng tiêu cực, Đại biểu Quốc hội. Ngoài ra thời gian 2018-2021, ông Trọng còn kiêm luôn chức Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp.
Không nịnh sao được khi mà ông Huy cũng đang ngồi tới 5 ghế: Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TƯ Đoàn TNCS, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản, Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Bí thư Đảng uỷ TƯ Đoàn THCS.
Một điểm giống nhau nữa của Bùi Quang Huy với Nguyễn Phú Trọng là cả hai đều vi phạm điều lệ tổ chức do mình đứng đầu. Nguyễn Phú Trọng tham quyền ngồi ghế Tổng bí thư tới 3 nhiệm kỳ liên tiếp, vi phạm điều lệ số 17 của Đảng Cộng sản quy định không ai được giữ chức Tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Còn ông Bùi Quang Huy thì đã 47 tuổi nhưng vẫn giữ chức Bí thư Đoàn THCS, trong khi theo điều lệ đoàn thì độ tuổi của đoàn viên không được quá 30. Nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt thì được xem xét gia hạn nhưng cũng không được quá 35 tuổi.
Người xưa từng đúc kết một kinh nghiệm rằng “tôn nịnh đại suy”, một chế độ mà con người dùng chuyện nịnh bợ để tiến thân thì chắc chắn sẽ dẫn tới suy sụp. Trẻ nịnh già, dưới nịnh trên, rồi vòng lặp tương lai, chính những kẻ nịnh bợ đó tiến thân lên những vị trí cao, thì lại cũng thích nghe lời xu nịnh của cấp dưới. Hậu quả là cả một cơ chế chỉ toàn nịnh nọt, luồn lách, không hề có sự trung thực và minh bạch, vậy thì cơ chế đó chỉ toàn mối mọt, ung nhọt chứ làm sao tài năng có thể phát triển được?
Hơn nữa, ông Bùi Quang Huy là người đứng đầu Đoàn TNCS mà vẫn xu nịnh như vậy, thì những đoàn viên dưới quyền ông sẽ như thế nào? Đoàn TNCS từ trước đến nay luôn tự hào là nơi tập hợp thanh niên trẻ có lý tưởng cách mạng, có đạo đức, có lý luận; nhưng lý tưởng, đạo đức và lý luận là nịnh bợ như vậy sao?
Bí thư Đoàn coi thường người lao động
Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đang khuyến khích thanh niên kết hôn và sinh con sớm để đối phó với tình trạng già hoá dân số trong tương lai. Nhưng họ lại bỏ qua một nguyên nhân khiến người trẻ không dám lập gia đình là thu nhập không đủ sống. Mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam là khoảng 8 triệu mỗi tháng. Nếu một cặp vợ chồng cưới nhau thì tổng thu nhập sẽ khoảng 16 triệu. Sinh 2 con, nuôi cha mẹ già hai bên nội ngoại thì sẽ luôn trong tình trạng bị áp lực tâm lý, giật gấu vá vai.
Đó là chỉ nói tới chuyện thu nhập trung bình, chưa nói tới chuyện chênh lệch khoảng cách giàu nghèo… Vì có những ngành nghề mà người trẻ chỉ nhận được mức lương chưa được phân nửa mức trung bình như: giáo viên, nhân viên phục vụ… Vậy mà Bí thư trung ương Đoàn lại còn nhắn nhủ người trẻ phải hồ hởi đón nhận nhiều việc do lãnh đạo giao, nhưng không nhắc tới chuyện tăng lương.
Không phải tự nhiên mà thế giới lại có quy tắc mỗi ngày làm việc 8 giờ, mỗi tuần được nghỉ 2 ngày. Đó là khoảng thời gian con người có thể làm hết năng suất và cũng cần tái tạo năng lượng để đạt hiệu suất làm việc tốt nhất. Tăng ca, tăng việc, mà không tăng lương chẳng những tăng áp lực tâm lý, giảm sức khoẻ của người lao động mà còn ảnh hưởng nòi giống dân tộc.
Người dân không dám đẻ vì nghèo, mà đẻ con với áp lực tâm lý, sức khoẻ thì đứa trẻ sinh ra sẽ thế nào? Rồi cha mẹ phải lao lực kiếm tiền, không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ, không đủ tiền đảm bảo dinh dưỡng cho con thì các thế hệ sau này của đất nước sẽ ra sao? Cho nên câu nói của ông Huy thể hiện sự coi thường sức lao động của người dân, không tôn trọng quyền lợi người lao động mà chỉ quan tâm tới lợi ích của người lãnh đạo.
Là người đứng đầu cơ quan quản ký thanh niên, ông Huy phải nắm rõ tình trạng lương thấp, việc nhiều mà giới trẻ Việt Nam đang gặp phải hiện nay. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống và đời sống của người lao động mà còn đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Lương thấp thì người trẻ phải tìm cách ra nước ngoài làm việc, đi xuất khẩu lao động hợp pháp hoặc phải sống tha hương bất hợp pháp để mưu sinh.
Đoàn TNCS là bàn đạp chính trị của nhiều cán bộ cao cấp trong đảng như ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai, hay ông Phan Văn Mãi. Cho nên tương lai của Bùi Quang Huy cũng có thể sẽ bay cao, bay xa như các tiền bối. Tuy nhiên, ở tuổi 47 mà vẫn còn trơ mặt làm lãnh đạo đoàn thanh niên, bất chấp luật lệ, coi thường sức lao động người dân, nịnh bợ, thượng đội hạ đạp như vậy thì cái tương lai chính trị xán lạn của ông Huy lại là một thảm cảnh u ám của người dân Việt Nam!
_______________
Tham khảo:
(1) https://thanhnien.vn/bi-thu-thu-nhat-tu-doan-ai-duoc-giao-nhieu-viec-la-nguoi-do-co-nang-luc-185240328171710564.htm