Anh Khoa dịch
(VNTB) – Thoát khỏi đại dịch trước đây nhưng chỉ trong ba tháng qua, khu vực Đông Nam Á đã bị virus tàn phá khủng khiếp
Khi có tin tức về một loại virus mới lây lan ở Vũ Hán-Trung Quốc vào đầu năm 2020, các chuyên gia lo ngại rằng căn bệnh truyền nhiễm này sẽ lan nhanh đến Đông Nam Á và sẽ hạ gụ hệ thống y tế trong Khu vực. Thái Lan là một trong những điểm đến chính của du khách Trung Quốc; ca nhiễm Covid đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được báo cáo ở Thái Lan vào ngày 13 tháng 1 năm 2020. Ca tử vong đầu tiên do Covid-19 được biết đến bên ngoài Trung Quốc xảy ra ở Philippines. Một du khách Vũ Hán sau khi về nhà từ Indonesia đã cho kết quả dương tính cho thấy người này đã có sẵn vi rút trong người trong suốt kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, chính Iran và Ý đã trở thành những điểm nóng toàn cầu đầu tiên. Châu Mỹ, phần còn lại của Châu Âu và Brazil sớm bị chìm trong dịch bệnh. Ấn Độ bị vùi dập vì COVID. Trong suốt năm 2020 và đầu năm nay, Đông Nam Á vẫn tương đối bình yên. Tính đến đầu tháng 6, khu vực với 668 triệu người này có chưa tới 77.000 ca tử vong vì COVID. Nước Anh, với số dân bằng 1/10 Đông Nam Á có hơn 128.000 ca tử vong. Đông Nam Á dường như đã thoát đại dịch.
Điều này không còn đúng nữa. Tính đến cuối tháng 8, khu vực này đã ghi nhận khoảng 217.000 ca tử vong do Covid-19, nhiều gấp khoảng 2,6 lần tổng số ca nhiễm chỉ ba tháng trước đó. Tuy nhiên, con số thực có lẽ cao hơn nhiều: khoảng từ 520.000 đến 1,6 triệu, theo số liệu thống kê của Tờ The Economist. Chuyện gì đã xảy ra ? Và nếu những con số báo cáo chính thức này thấp hơn rất nhiều so với ca tử vong thật do Covid 19, thì Đông Nam Á có bao giờ thực sự là một ngoại lệ?
Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi đầu tiên là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao xuất hiện. Khi đến khu vực này vào năm nay, biển thể Delta gặp phải một quần thể thiếu khả năng miễn dịch, tự mãn sau một năm không bị ảnh hưởng bởi Covid và được bảo vệ bằng các biện pháp y tế công được thiết kế cho biến thể COVID ban đầu nhẹ hơn. Chỉ có hai người đã gây ra dịch bùng phát ở Campuchia nơi hầu như không biết virus cho đến tháng 4. Trước khi số ca nhiễm COVID hàng ngày tăng lên hơn 13.000 vào đầu tháng 9, Việt Nam hầu như không ghi nhận trường hợp nào trong gần như cả năm ngoái, và đến tháng 4 vẫn có chưa tới 10 ca nhiễm Covid.
Trâm (không phải tên thật) là bác sĩ tại một trong những cơ sở cách ly lớn nhất Việt Nam, với 1.000 giường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bà tin rằng khả năng lây lan cao hơn nhiều của biến thể Delta đã khiến nhà chức trách Việt Nam bị bất ngờ. Bà nói, mặc dù Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt bùng phát dịch bệnh, họ dựa vào việc truy tìm người tiếp xúc với các ca nhiễm, việc truy tìm này không có tác dụng khi số ca bệnh bắt đầu tăng nhanh. Nhà chức trách không thể ngăn được biến thể Delta di chuyển quá nhanh.
David Heymann thuộc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London cho biết, một lý do khác khiến số ca nhiễm và tử vong ở Đông Nam Á gia tăng trong vài tháng qua có thể là sự thay đổi chiến lược. Khi các chính phủ đối mặt với thực tế rằng vi rút sẽ trở thành một dịch bệnh và hiện đang lan tràn ở trong nước thì họ đang tìm cách sống chung với virus. Điều đó có nghĩa là chấp nhận một số lượng ca nhiễm và tử vong nhất định để mở cửa. Ví dụ, Thái Lan đã nới lỏng nhiều hạn chế di chuyển và thương mại; các nước khác cũng đang làm như vậy.
Đồng thời, chính phủ đã chuyển trọng tâm từ loại trừ sang tiêm chủng. Quá trình này diễn ra chậm, nhưng tốc độ đang gia tăng. Đến ngày 1 tháng 6, chỉ Singapore và Campuchia có trên 10% dân trên 11 tuổi tiêm một hoặc 2 liều: bây giờ tất cả các quốc gia trừ Myanmar đã vượt qua mức 20%. Campuchia, Malaysia và Singapore, có hơn 60% dân trên 11 tuổi được tiêm chủng đầy đủ.
Có phải vi-rút đã tấn công khu vực này mạnh hơn dữ liệu chính thức cho thấy ngay cả trước khi có biến thể Delta? Số người chết chính thức của Ấn Độ do Covid vào đầu tháng 11 là khoảng 124.000, nhưng The Economist tính toán thấy con số thực sự là 820.000. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu Đông Nam Á,là một khu vực lớn và đa dạng với tình trạng nghèo đói trầm trọng và hệ thống y tế yếu kém như Ấn Độ, cũng sẽ không tính được chính xác số người chết.
Câu trả lời, có lẽ đáng ngạc nhiên, là không phải vậy. Ngoại trừ Indonesia, số người chết trong khu vực thực sự rất thấp cho đến tháng Sáu. Ông Heymann, người dẫn đầu nhóm phản ứng với virus SARS vào năm 2003, cho biết khu vực này được hưởng lợi từ chính sách tốt. Ông cho rằng Đông Nam Á có phản ứng nhanh chóng với mối đe dọa dưới hình thức “truy tìm các trường hợp tiếp xúc và điều tra ổ dịch tốt”. Ông nói: Nhiều quốc gia trong khu vực đã phải hứng chịu những đợt dịch phát kinh hoàng và họ đã “chuẩn bị tinh thần”.
Các yếu tố khác cũng có thể giúp ích, chẳng hạn như có tương đối ít ca nhiễm nhập cảnh, một phần là nhờ nhanh chóng đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp cách ly, và mức độ đeo khẩu trang cao. Khu vực này cũng có tỷ lệ người già thấp hơn so với các nước giàu có ở phương Tây. Và tỷ lệ mắc các bệnh đi kèm như béo phì khiến nguy cơ tử vong do Covid tăng cũng thấp hơn.
Dù các nước Đông Nam Á có hỗ trợ tự nhiên nào đi chăng nữa, các chính sách ngăn chặn dịch bùng phát hiện đã thất bại hoặc bị bỏ rơi. Bác sĩ Trâm cho biết tại TP.HCM, hệ thống y tế đang quá tải. Bất cứ khi nào một trung tâm cách ly mới được mở ra thì rất nhanh hết chỗ. Bà đang tự nguyện ở lại nơi làm việc vì sợ bị lây bệnh và mang bệnh về cho gia đình. Bà chưa về nhà ba tháng rồi. Mô hình của chúng tôi ước tính rằng có từ 37.000 đến 58.000 người Việt Nam đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến Covid trong ba tháng qua. Số liệu báo cáo chính thức là 13.000.
Điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với Đông Nam Á, ít nhất là vào lúc này. Số ca bệnh đang giảm mạnh ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia. (Ở Philippines vẫn gia tăng và ở Việt Nam vẫn ổn định.) Tuy nhiên, không thể tránh khỏi các đợt dịch tiếp theo trừ khi tăng tốc tiêm chủng. Và các tác động kinh tế có thể sẽ kéo dài.
Ảnh hưởng lâu dài của biến thể Delta
Ngay cả trước khi làn sóng Covid mới nhất xảy ra, các doanh nghiệp và công nhân trên khắp khu vực đã phải đóng cửa vì các biện pháp phong tỏa. Những người phụ thuộc vào du lịch, góp vào 12% GDP của khu vực, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Một báo cáo của UN được công bố vào cuối tháng 6 ước tính rằng GDP trong khu vực có thể giảm tới 8,4% chỉ từ tổn thất của ngành du lịch. Simon Purwa hiện điều hành một công ty du lịch ở Bali, ông nói hoạt động kinh doanh đang giảm 90-95%. Nhưng: “Chúng tôi vẫn còn may mắn.” Nhiều công ty khác còn tệ hơn. Một số đã phải đóng cửa.
Ba trong số bốn hộ gia đình ở Indonesia đã có thu nhập giảm so với tháng 1 năm 2020, theo một báo cáo của UNICEF được công bố vào tháng 5. Hơn 12% hộ gia đình có trẻ em cho biết họ đang phải vất vả kiếm ăn và 27% cho biết họ đã phải cầm đồ để tồn tại. Ở Malaysia, tỷ lệ hộ gia đình dưới chuẩn nghèo quốc gia đã tăng từ 5,6% lên 8,4% vào năm 2020. Đó là trước khi có làn sóng hiện tại. Ngay cả khi bệnh dịch thuyên giảm, ảnh hưởng do dịch sẽ còn kéo dài như nạn đói, thất nghiệp và mất cơ hội.
Nguồn: The Economist