Alexander Gostev
Phạm Nguyên Trường dịch
(VNTB) – Nhân sự kiện Fidel Castro từ trần, Tatiana Vorozheykina, nhà chính trị học, sử học và xã hội học, một người am tường về Mĩ Latin nói về chính quyền và di sản của ông ta trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Radio Liberty.
Fidel Castro, người cộng sản chống chủ nghĩa đế quốc không khoan nhượng, nguyên chủ tịch hội đồng nhà nước và cựu bí thư thứ nhất cầm đảng quyền – đảng hợp pháp duy nhất ở nước của Đảng Cộng sản Cuba – đã chết. Raul, em ông ta và cũng là người giữ chức vụ cao nhất trong nước thông báo trên TV cho toàn dân biết như thế.
Mặc dù chính thức, từ năm 2008 đến năm 20111, Fidel đã thôi giữ tất cả các chức vụ trong chính phủ và trong đảng và đã chuyển giao quyền lực một cách “dân chủ” vào tay Raul, hiện đã 85 tuổi, nhưng, cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, ông ta vẫn là nhà lãnh đạo tinh thần của cái gọi là “cuộc cách mạng Cuba”, khởi sự từ những năm 1950 của thế kỷ XX, và vẫn chưa ngơi nghỉ. Fidel Castro hiện vẫn có hàng triệu người ủng hộ và ngưỡng mộ, cả ở Cuba lẫn trên thế giới – đấy là những người cộng sản, những người xã hội chủ nghĩa, những người dân chủ xã hội, những người chống đế quốc và chống Mĩ.
Còn đối với hàng triệu người khác, Fidel Castro lại là một nhà độc tài tàn bạo, một kẻ cướp quyền, một kẻ giáo điều, nắm quyền nhiều thập kỉ, nhưng không thể nào thiết lập được một nền kinh tế hiệu quả và bền vững, cũng không thể đưa hầu hết người dân Cuba ra khỏi tình trạng đói nghèo, cũng không thích ứng được với những thay đổi của thời gian; một nhà lãnh đạo quốc gia, không chấp nhận bất đồng chính kiến, đã đưa đến trường bắn và nhà tù hàng chục ngàn đối thủ; một lãnh tụ cộng sản, với chính sách đã buộc hơn một triệu đồng bào của mình chạy khỏi Cuba, bất chấp những nguy hiểm với chính mạng sống của mình.
Nhân sự kiện Fidel Castro từ trần, Tatiana Vorozheykina, nhà chính trị học, sử học và xã hội học, một người am tường về Mĩ Latin nói về chính quyền và di sản của ông ta trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Radio Liberty:
____________________________________________________________________________
Hỏi: Fidel Castro vừa là một nhà độc tài, đồng thời cũng là nhân vật được hàng triệu người yêu mến. Nếu xem danh sách tất cả các nhà lãnh đạo nổi tiếng và tai tiếng thế kỷ XX-XXI, thì có lẽ ông ta sẽ là nhân vật “quyến rũ” nhất trong số những tên côn đồ.
Trả lời: Lí do chủ yếu là do lịch sử. Fidel Castro là người lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng, một cuộc cách mạng không giống bất cứ cuộc cách mạng nào khác, không lấy cảm hứng từ đâu khác, không liên kết với Liên Xô hay Trung Quốc; cuộc cách mạng từng là niềm hi vọng, đặc biệt là ở châu Mĩ Latin, của hàng triệu người, của một nửa dân cư, và ở một số nước, có thể còn nhiều hơn nữa, đấy là những người sống bên ngoài thị trường, bên ngoài xã hội, bên ngoài nhà nước. Nhân vật này đại diện cho ước mơ và hi vọng về công bằng xã hội. Đối với nhiều người ở Mĩ Latin, điều này hiện vẫn còn có giá trị.
Hỏi: Fidel Castro cùng với Che Guevara, mà tôi coi là “kẻ cướp-cách mạng”, ở phương Tây, ở châu Âu, và Nga, hiện chỉ còn trên những chiếc áo may ô của thanh niên, trong tên của một số quán rượu chứ không còn sống trong đầu đầu óc người ta nữa. Có thể nói rằng Fidel và những chiến hữu thân cận nhất của ông ta – Che Guevara, Camilo Cienfuegos, người em trai Raul – đã biền thành huyền thoại, thành những người anh hùng khôi hài của văn hóa đại chúng hay không?
Trả lời: Ở đây, tôi xin tách “những người cầm quyền”, ví dụ như Fidel và Raul, khỏi những người mà ở Mĩ Latin được gọi là “thánh tử đạo”, tức là khỏi Che Guevara và Camilo Cienfuegos. Tôi kịch liệt phản đối gọi Che Guevara là kẻ cướp. Ông không phải là kẻ cướp! Ông đã hiến dâng cuộc đời mình trong cuộc chiến đấu vì những điều ông cho là đúng và công bằng, dù bây giờ người ta có thái độ như thế nào đối với quan điểm và hoạt động của ông thì cũng thế. Hơn hẳn Fidel, Che đã trở thành nhân vật đình đám, thành biểu tượng của cuộc đấu tranh của thanh niên Tây Âu, trong năm 1968 đáng nhớ, sau khi ông bị giết năm 1967 ở Bolivia. Đó là, nói một cách tương đối, phong trào giải phóng nhằm chống lại những hình thức thống trị truyền thống về chính trị và xã hội ở Tây Âu, phong trào này liên quan với chương trình nghị sự năm 1968, người ta đã chấp nhận nhân vật này.
Nhưng ngay từ đầu, ở đây đã xuất hiện mâu thuẫn to lớn. Bởi vì Guevara là nhà lãnh đạo độc tài. Chỉ cần đọc các tác phẩm của ông ta, đặc biệt là cuốn Con người và chủ nghĩa xã hội ở Cuba, trong đó ông nói về Fidel như là người đại diện duy nhất và chân chính nhất những khát vọng của nhân dân. Không có tí múi dân chủ nào hết, đó là cách đặt vấn đề hoàn toàn phản dân chủ và độc tài. Thế đấy, một người có khuynh hướng độc tài lại trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh cho nền dân chủ mới ở Tây Âu! Điều này là rất quan trọng. Và hình ảnh này được giữ lại là do quán tính. Và bây giờ, trên thực tế, cả Che lẫn Fidel (với mức độ thấp hơn hẳn) đã trở thành nhân vật của văn hóa đại chúng và quảng cáo thương mại. Mà chính chính quyền Cuba khuyến khích việc thương mại hóa này, họ sản xuất các sản phẩm với biểu tượng như thế để bán cho du khách. “Luật của Che”, được thành lập ở Cuba trong những năm 70 (cụ thể là thiếu nhi Cuba sáng nào cũng hứa rằng “sẽ trở thành Che”), dần dần đã chuyển sang lĩnh vực kinh doanh.
Hỏi: Người dân Cuba đã và đang sống như thế nhiều thập kỉ – đây hoàn toàn không phải là cái mà người đứng đầu bất cứ nước nào có thể tự hào. Nhưng, chính anh em nhà Castro và nhiều người dân Cuba cảm thấy rõ ràng rằng họ đã thắng và đang thắng trong “cuộc cách mạng” bất tận này, cuộc cách mạng kéo dài 60 năm rồi. Làm sao giải thích được điều này? Có thể, sự thiếu thông tin về hiện thực, cả bên trên lẫn bên dưới, chăng?
Trả lời: Thứ nhất, đây là cuộc cách mạng thực sự. Trí nhớ và huyền thoại về nó còn giữ được ảnh hưởng trong một số người Cuba, tất nhiên, là ở những người lớn tuổi hơn. Thứ hai, không thể bỏ qua việc kiểm soát tư tưởng và đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Cuba. Phê phán những việc đang xảy ra ở Cuba là nguy hiểm: có thể mất việc làm, đi tù. Mặc dù hòn đảo này ở gần Mĩ, khả năng nhận thông tin là có, tuy nhiên, chính quyền Cuba vẫn tìm cách hạn chế, đặc biệt Internet. Bây giờ đã thay đổi, tuy nhiên trước đây vẫn có. Người ta theo dõi các blogger nổi tiếng..v.v.. nói cách khác, người dân sợ hãi.
Thứ ba, tất nhiên, và đây là vấn đề rất quan trọng và rất khó – người di dân Cuba ở Mĩ, và nói chung, thái độ không khoan nhượng, thiếu linh hoạt của các nhà lãnh đạo hàng đầu của người di cư và của hầu hết các tổ chức bảo thủ, ước muốn trả lại tất cả “như trước năm 1959”. Trong thập kỉ vừa qua, tình hình đã thay đổi, thế hệ mới của những lưu vong Cuba đã có quan điểm linh hoạt hơn hẳn. Họ đến từ nước Cuba cách mạng, chứ không phải từ nước Cuba trước cách mạng. Họ hiểu rằng không thể quay ngược được lịch sử. Tuy nhiên, đối với người Cuba sống trên đảo, di cư là vấn đề rất quan trọng. Vấn đề là những người sớm muộn gì cũng trở lại sẽ cư xử như thế nào? Những người chủ mới sẽ áp đặt ý chí của mình như thế nào? Bởi vì, dĩ nhiên, họ là những người giàu có hơn hẳn những người Cuba bản địa. Hay còn gì khác nữa? Cả những nỗi lo sợ của những người có thể được gọi là những người bình thường nữa.
Một yếu tố khác – hơn năm mươi năm cấm vận của Mĩ. Nó đã cho các nhà lãnh đạo Cuba lí do tuyệt vời để giải thích tất cả những khó khăn kinh tế là do âm mưu của đế quốc Mĩ. Tất nhiên, việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba, tháng 12 năm 2015 và đặc biệt là chuyến thăm của Obama tháng 3 năm nay đã làm cho tình hình dịu đi. Thế là các nhà lãnh đạo Cuba bị tước mất lời giải thích mang tính thích phổ quát này. Chúng ta biết, thái độ chống Mĩ có hiệu quả đến mức nào, tôi muốn nói đến nước Nga, khi chính quyền chẳng có gì khác để đưa ra cho dân chúng, về mặt kinh tế. Nhưng, tất nhiên, Đạo luật Helms-Burton, một trong những đạo luật chống Cuba cuối cùng, được quốc hội Mỹ thông qua năm 1996, vẫn còn hiệu lực. Obama né đạo luật này, bởi vì ông ta biết rõ là hủy bỏ nó là không thực tế. Kết hợp những yếu tố đó là một trong những lí do giải thích vì sao tình hình vẫn như thế.
Hỏi: Khi chính tôi ở Cuba, trong giai đoạn còn tương đối “cứng rắn”, năm 2008, tôi đã nói chuyện với một người quen vô tình, một người khá trẻ, quá nửa đêm, ở thành phố Santiago de Cuba, anh ta phàn nàn khá lâu về đói nghèo, về cuộc sống, về cảnh sinh hoạt, về sự thiếu thốn. Và tôi hỏi một cách khiêu khích: “Với kinh nghiệm của cuộc đấu tranh cách mạng của mình, bạn còn chờ gì nữa?”. Tôi xin trích dẫn nguyên văn câu trả lời của anh ta: “Chúng tôi đang chờ tất cả những người đáng chết từ lâu chết hết đi”. Trước sau gì thì anh em nhà Castro cũng sẽ không còn. Cuba và người dân của nó sẽ chọn hướng đi nào? Sẽ như Liên Xô hồi cuối những năm 80 – đầu những năm 90? Hay họ sẽ đi theo con đường của Việt Nam hay con đường mà Trung Quốc đã đi trước đó? Hay là từ đó đến nay, thế giới đã khác đến mức không thể xảy ra những chuyện tương tự như thế?
Trả lời: Thứ nhất, mô hình kinh tế Cuba không có sức sống. Nó được giữ cho không bị chìm, ban đầu là do dầu mỏ của Liên Xô, sau đó, trong những năm 2000, là dầu của Venezuela. Nguồn này giờ đây cũng cạn kiệt rồi: Quí I năm nay lượng dầu mà Venezuela cung cấp cho Cuba đã giảm 40%. Chắc chắn là đất nước này phải tự do hóa hoàn toàn nền kinh tế quốc doanh. Và người ta đã làm được một vài việc: năm 2008, sau khi lên nắm quyền, Raul Castro đã cho phép thành lập các doanh nghiệp nhỏ, tiệm cắt tóc, nhà trọ, nhà hàng, quán cà phê. Giảm được nửa triệu người, tức là 11% số người việc làm trong khu vực công. Những người này cũng phải sống bằng cái gì đó chứ. Người ta đã xây dựng khu vực thương mại tự do ở Mariel. Nhưng cải cách diễn ra chậm chạp, quanh co. Cụ thể là đầu tháng 7 năm nay, Raul Castro bãi chức bộ trưởng kinh tế, Marino Murillo, ông này được coi là nhà cải cách chính.
Cải cách kinh tế và mở cửa với thế giới bên ngoài không tương thích với việc giữ gìn hình thức chính quyền đã hình thành ở Cuba. Đây là quyền chính quyền dựa trên sự thống nhất của quyền lực và tài sản. Trên thực tế, chính quyền cộng sản đã chuyển thành quyền lực của quân đội, kiểm soát tất cả các lĩnh vực có lời nhất trong hoạt động kinh tế. Xin nhắc lại rằng, từ năm 1959 đến năm 2008, Raul Castro là bộ trưởng các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba. Nhân tiện, nói thêm rằng ở Nga cũng vậy, người ta đã thành lập được chế độ chính trị độc tài, dựa vào các cơ quan an ninh và cũng kiểm soát tất cả các lĩnh vực có lợi nhất của nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng, đối với Cuba, câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ. Thời gian sẽ trả lời, liệu chế độ có giữ được, nói một cách tượng trưng, hình thức “Việt Nam-Trung Quốc” hay “Nga’. Bởi vì họ có cùng một cái chung – sự thống nhất của quyền lực và quyền sở hữu và quyền lực chính trị kiểm soát những nguồn thu nhập chính của đất nước.
Hỏi: Như một con người, Fidel Castro đã phát triển sự cai trị của mình suốt gần 58 năm qua như thế nào? Trên những bức ảnh cũ, trông ông ta như một thủ lĩnh trẻ bình thường, đầy tự mãn, một loại Pistolero (cướp biển) cổ điển. Sau đó, nhất là trong những năm cuối cùng, trước khi từ chức, ta trông giống như ông vua cha truyền con nối thực sự. Cách nhìn của ông ta đã hoàn toàn khác. Đấy là do tuổi tác hay do quen với quyền lực quá lâu?
Trả lời: Đó là bản chất của chế độ! Nó được phản ánh trên vẻ mặt của những kẻ cai trị. Bản chất của nó là quyền lực chỉ vì quyền lực. Và mục đích chính của chính quyền này là tự bảo tồn. Già lắm rồi, nhưng những người này không buông bỏ được quyền lực. Và trước khi Fidel từ chức, tôi đã nghĩ rằng những người thuộc loại này, và cụ thể là ông ta, tự coi mình là người bất tử. Tôi nghĩ rằng nét mặt phản ánh bản chất của con người. Fidel coi mình là người không thể sai lầm, ông giữ lại cho mình vị trí thẩm phán tối cao không chính thức về tất cả những chuyện đang xảy ra ở Cuba. Cụ thể là, sau khi khôi phục quan hệ ngoại giao với Mĩ, ông ta nói: “Chúng ta không cần của bố thí từ chủ nghĩa đế quốc Mĩ”. Đây là vấn đề! Bao nhiêu năm đã trôi qua, kể từ năm 1959, 57 năm? Thế mà vẫn chỉ có một gia đình cầm quyền!
Hỏi: Trong những năm gần đây, ở hầu hết các nước Mĩ Latin đã có những thay đổi mang tính kiến tạo về chính trị và xã hội. Đã xuất hiện những đảng phái chính trị “với khuôn mặt con người”. Bởi vì trước đây, vấn đề của toàn bộ lục địa là ở đó, nói chung, chỉ có các đảng cực tả hay cực hữu – chỉ có thế thôi! Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo, cả quá khứ lẫn hiện tại, ở nhiều nước Mĩ Latin, với những quan điểm khác nhau, vẫn tiếp tục coi Fidel là người thầy tinh thần của mình, vẫn tới thăm ông ta, vẫn cung kính nhắc tới những bài diễn văn của ông ta. Đấy là do thời trai trẻ tất cả bọn họ đều là những nhà cách mạng? Và đấy là bản chất của chế độ Cuba, như chị vừa nói? Và nó hiện vẫn đang cung cấp năng lượng cho Cuba và chế độ ở nước này? Hay ngược lại: Cuba và chế độ của nước này đang cung cấp năng lượng cho chủ nghĩa xã hội Mĩ Latin?
Trả lời: Đối với các nhà lãnh đạo các đảng cánh tả Mĩ Latin, những người đã từng nắm quyền, ví dụ cựu tổng thống Uruguay, Jose Mujica hay Dilma Rousseff, tức là những người từng có thời là du kích, có lẽ có yếu tố hoài cổ trong con người Fidel, nhưng yếu tố này vô cùng nhỏ. Tôi nghĩ rằng vấn đề ở chỗ khác. Vẫn còn đó nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng Cuba và làm cho nó thành biểu tượng của cuộc đấu tranh vì công lí! Chính sự bất bình đẳng sâu sắc về xã hội và bất bình đẳng về cơ hội, mà hàng chục triệu người đang gặp, dù đã có những thay đổi đáng kể trong tình hình xã hội ở Mĩ Latin trong những năm gần đây. Nhân tiện, tôi muốn chỉnh lại một chút. Sau năm 2.000, châu lục này đã ngả sang cánh tả. Hiện nay, rõ ràng là đang có làn sóng ngược lại – ở Argentina, Brazil, và không xa là những thay đổi nào đó, ngay cả ở Venezuela. Ở Peru, nhà lãnh đạo tả khuynh theo đường lối dân túy không giành được quyền lực..v.v.. Sự ủng hộ mang tính tượng trưng của cánh tả dĩ nhiên là quan trọng đối với Cuba. Nhưng những đảng cánh tả mới này, trước hết là những đảng như Đảng Lao động ở Brazil, tất nhiên, là hoàn toàn độc lập với Cuba, cả về kinh tế lẫn chính trị. Và khó có thể cho rằng Cuba cung cấp năng lượng cho chủ nghĩa xã hội Mĩ Latin. Ngược lại, hình ảnh một đất nước nghèo nàn và trì trệ – có nhiều khả năng là có ảnh hưởng tiêu cực chứ không phải tích cực đối với cánh tả Mĩ Latin. Ở đây vẫn còn là một điểm quan trọng, mà gần đây Barack Obama đã nói. Ông tuyên bố đại khái như sau: ‘Chúng tôi đã cải thiện quan hệ với Cuba – và chúng tôi đã cải thiện cực kì nhanh chóng các mối quan hệ với tất cả các nước Mĩ Latin”.
Hỏi: Tại sao ở nước Nga đương đại và nhiều chính trị gia, và những người nổi tiếng khác nhau, không phải tất cả, nhưng nhiều, và nhiều người dân thường vẫn có thái độ tích cực đối với nhân vật Fidel Castro và nước Cuba nói chung? Trong khi đấy là những chế độ trái nghịch nhau – chủ nghĩa xã hội trại lính ở Cuba và chủ nghĩa tư bản đầu sỏ-nhà nước ở Nga? Trên thực tế, ở Nga, nói theo nghĩa bóng, “500 gia đình” đang nắm quyền, tương tự như ở một số nước Mĩ Latin hồi thế kỷ XX và trước đó, nghĩa là loại người mà Fidel ghét nhất. Tại sao ở Nga lại như thế – do ít kiến thức về hiện thực mà chúng ta vừa nói? Hay là do thế giới quan “Xô Viết” không bao giờ phai nhạt, lại được tưới bón bằng tư tưởng bài Mĩ đang ngày càng được củng cố?
Tôi thấy một số nguyên nhân. Trước hết, dù khá kì quặc: nếu quay trở lại những năm 1960 thì cuộc cách mạng Cuba, nói chung, là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của việc đổi mới chủ nghĩa xã hội, trùng với giai đoạn “tan băng” của Khrushchev. Những kỉ niệm đầy lãng mạn – nó quan trọng đối với một số người lớn tuổi, mà cụ thể là tất cả điều này đều cũng được mô tả một cách tuyệt với trong tác phẩm của Vail và Genis “Năm 60. Thế giới của con người Xô Viết”. Nhưng, tất nhiên, chuyện này đã trở thành quá khứ rồi. Vâng, tất nhiên, cái chính là từ thời Xô Viết, Cuba là “biểu tượng của sự kiên cường” trong cuộc đấu tranh chống lại “chủ nghĩa đế quốc Mĩ”. Và tôi nghĩ rằng công tác tuyên truyền hiện nay, từ truyền hình, hoàn toàn phi lý, ngôn từ của chính phủ – tất cả, không nghi ngờ gì, đã hâm nóng thêm những tình cảm đó. Tất cả những người chống Mĩ, nói theo nghĩa bóng, “là những người phe ta và tốt”. Đối với hai chế độ này, như tôi đã nói, họ không thực sự trái nghịch nhau. Cả hai chế độ – cả chế hiện nay ở Cuba lẫn chế độ hiện nay ở Nga – đều dựa trên sự thống nhất của quyền lực và tài sản và buộc xã hội phải phục vụ quyền lợi của “chiếc xe song mã” này. Và dù họ có thực thi chính sách kinh tế nào đi chăng nữa thì đấy cũng chỉ là thứ yếu, bởi vì có thể thấy chính sách này có thể thay đổi như thế nào. Chính sách chỉ phục vụ cho sự tồn tại của chế độ mà thôi. Ở đây có thể thấy rõ sự gần gũi về bản chất giữa Havana và Moskva.
Dịch theo nguyên bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/history/20161126/238289269.html