Hàn Giang (VNTB) “Ngày 12/11/2013, điều tra viên Khuyên không hỏi cung hay lấy lời khai tôi ngày nào nhưng đưa tôi một tờ giấy có ghi thương tích ông Tuyên 43% và bảo tôi ký vào. Tôi không ký thì Khuyên bảo tôi viết giấy không khiếu nại tố cáo phần đất thì tôi thả ông bà ra còn tiếp tục khiếu kiện tố cáo thì phải ký vào tờ giấy có thương 43% này. Tôi không đồng ý viết, Khuyên lấy mấy cây dùi cui đánh vào người tôi, bắt tôi quỳ xuống giang hai tay lên, dí súng vào người tôi hăm dọa,” lời bà Nguyễn Thị Tâm thuật lại vụ việc bà bị điều tra viên tên Khuyên tra tấn, bức cung trong trại giam tỉnh Bình Phước.
Bà Tâm ôm bé Hiếu khóc ngay sau khi tòa kết thúc. Ảnh: Lê Ngọc Luân |
Ngày 16/03/2016, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước mở phiên xử phúc thẩm lần thứ hai xét xử vợ hồng dân oan là ông Ngô Văn Huynh (SN 1956, Bù Đăng, Bình Phước) và bà Nguyễn Thị Tâm (SN1960, Bù Đăng, Bình Phước) về tội “cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự ( BLHS) Việt Nam. Bản án tuyên ông Huynh 3 năm tù giam nhưng cho tại ngoại vì lý do sức khỏe, 2 năm 6 tháng 17 ngày tù dành cho bà Tâm vừa đủ cho bà Tâm chấp hành xong bản án tù, được thả ngay tại tòa. Bản án đã tuyên cũng đồng nghĩa với việc tạm thời kết thúc hành trình mấy năm trời đi tìm công lý cho cha mẹ của em Ngô Thị Cẩm Hiếu (SN 2003). Song, còn đó những lo khi mà gia cảnh bị cáo khó khăn, mất hết tài sản, bệnh tật… đặc biệt ông Huynh dù đang tại ngoại nhưng vẫn là người đang còn thụ án, bất cứ lúc nào ông Huynh cũng có thể bị bắt trở lại trại giam.
Nước mắt sau phiên tòa
Tòa vừa tuyên bà Nguyễn Thị Tâm đã chấp xong bản án, được trả về với gia đình thì cũng ngay giây phút ấy bà Tâm đã ôm lấy người thân khóc nức nở, xung quanh là những lời chia vui cùng gia đình từ những người tham dự phiên tòa.
Nói trong nước mắt, bà Tâm chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) là cảm xúc của bà bây giờ không thể nào diễn tả nổi bởi nó có chứa niềm vui mừng, có chứa nỗi khổ đau và sự uất ức vì những kẻ như Nguyễn Bá Tuyên, Nguyễn Bá Hưng… gây ra vụ án hàm oan cho gia đình vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Bà Tâm cho biết:
“Trong khi ông Nguyễn Bá Hưng phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chính là anh ruột ông Nguyễn Bá Tuyên đã lấy mộc đỏ đóng vào giấy vay tiền mà không có mặt tôi. Mọi người yêu cầu xử lý ông đó (ông Hưng) nhưng không được xử lý mà cơ quan đã bao che tội phạm lại bắt vợ chồng tôi, tra tấn, đánh đập tôi. Tôi rất đau khổ và bức xúc vì con tôi (bé Hiếu) còn nhỏ phải sống ngoài đời bơ vơ, không nơi nượng tựa may nhờ lối xóm tốt bụng đem về nuôi”.
Gia đình bà Tâm cùng các luật sư giúp đỡ gia đình. Ảnh: Lê Ngọc Luân |
Và cảnh trong trại giam bà Tâm bị điều tra viên Nguyễn Thành Khuyên ép cung, đánh đập, lấy súng dí vào người… hậu quả là bà Tâm bị điếc 1 lỗ tai, sức khỏe yếu trầm trọng.
“Ngày 12/11/2013, điều tra viên Khuyên không hỏi cung hay lấy lời khai tôi ngày nào nhưng đưa tôi một tờ giấy có ghi thương tích ông Tuyên 43% và bảo tôi ký vào. Tôi không ký thì Khuyên bảo tôi viết giấy không khiếu nại tố cáo phần đất thì tôi thả ông bà ra còn tiếp tục khiếu kiện tố cáo thì phải ký vào tờ giấy có thương 43% này. Tôi không đồng ý viết, Khuyên lấy mấy cây dùi cui đánh vào người tôi, bắt tôi quỳ xuống giang hai tay lên, dí súng vào người tôi hăm dọa.”
Những điều này được bà Tâm trình bày tất cả ở mỗi phiên tòa, có chứng cứ đàng hoàng nhưng Tòa bác bỏ hết. Cùng khóc với bà Tâm còn có bé Ngô Thị Cẩm Hiếu nhưng bé Hiếu khóc vui mừng vì mẹ đã về, gia đình đoàn tụ, tạm thời không phải khổ sở mỗi lần đi tìm công lý cho cha mẹ.
Tuy đã ra tù nhưng bà Tâm mang thương tích trên người lẫn tài sản gia đình thiệt hại nghiêm trọng.
“Nhà cửa và tài sản của gia đình tôi bị chúng cướp hết, mất trắng hết,” bà Tâm bày tỏ
Vụ án và những mong muốn, lo lắng đằng sau
Bà Tâm thay mặt gia đình kể tóm tắt vụ án: Ngày trước, gia đình bà Tâm gồm bà tâm, ông Huỳnh và bé Hiếu có vay nợ tiền của ba người trong đó có ông Nguyễn Bá Tuyên tổng thể 58 triệu đồng. Cam kết vay đến mùa điều (quả điều) mới đúng thời hạn trả nhưng chưa đến mùa điều thì ông Nguyễn Bá Tuyên, ông Nguyễn Bá Ngọ… là những chủ nợ có người thân là ông Nguyễn Bá Hưng làm phó chủ tịch mặt trận xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lạm dụng chức vụ lấy mộc đỏ dóng dấu vào tờ giấy vay tiền rồi vào nhà ông Huynh – bà Tâm cưỡng đoạt tài sản.
Năm 2010, ông Tuyên cùng đồng bọn hái hết cà phê nhà bà Tâm xong lại quay sang xịt thuốc cho tiêu chết hết. Đã vậy, bọn chủ nợ còn siết máy móc, siết đồ đạt và đuổi gia đình bà Tâm chạy tán loạn. Đỉnh điểm của vụ việc là khoảng đầu năm 2013, ông Tuyên vào nhà đánh bà Tâm, lấy dây trói bà Tâm rồi lấy cây đánh bà Tâm. Bà Tâm la lên thì bé Hiếu đang học bài trong buồng liền chạy ra kêu gọi ông Huynh ra cứu bà Tâm thì Tuyên đánh luôn bé Hiếu. Để giải vay cho vợ con, ông Huynh có chống trả Tuyên làm trầy sướt mí mắt nhưng đổi lại Tuyên cũng đánh ông Huynh thương tích đầy người.
Quyết định trả tự do cho bà Tâm. Ảnh: Nguyễn Quynh |
Đến ngày 4/7/2013, ông Huynh bị công an bắt giữ rồi đến ngày 29/8/2013, đến lượt bà Tâm bị công an bắt giữ vì có hành vi đánh ông Tuyên gây thương tích. Theo giám định thương tích, vết thương của ông Tuyên là 43%, phạm vào Điều 104 BLHS Việt Nam. Ông Huynh – bà Tâm cũng bị thương tích nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật ‘không yêu cầu đi giám định vết thương” nên Tòa không xem xét. Phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất diễn ra vào ngày 25/02/2014, kết án ông Huynh và bà Tâm mỗi người lãnh 5 năm 6 tháng tù giam với tội danh “cố ý gây thương tích” theo khoản 3, Điều 104 BLHS Việt Nam và bị buộc bồi thường cho nạn nhân là ông Nguyễn Bá Tuyên với số tiền 71 triệu đồng. Ông Huynh và bà Tâm kháng cáo.
Vụ án sau đó phải nhiều lần mở phiên xử với những lý do khác nhau cho đến ngày 16/03/2016, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xét xử phúc thẩm lần thứ 2. Tại phiên xử này, Toà án tuyên bố thả bà Tâm ngay tại phiên toà vì đã tuyên mức án bằng thời gian bà Tâm ở trong trại giam từ trước giờ là 2 năm 6 tháng, 17 ngày. Ông Ngô Văn Huynh với mức án là 3 năm tù nhưng vì lý do sức khỏe nên cho tại ngoại tính từ tháng 2/2015. Được biết ông Huynh đã ngồi tù 20 tháng nếu sức khỏe bảo đảm thì ông Huynh sẽ phải ngồi thêm cho đủ án.
Việc ông Huynh vẫn còn phải chấp hành án là điều bà Tâm lo lắng nhất bởi theo bà Tâm giờ phía công an Bình Phước đang muốn bắt giam ông Huynh trở lại. Bà Tâm lo lắng với sức khỏe của ông Huynh hiện tại do tuổi già mà còn bị đánh đập nên rất yếu, không thể tiếp tục đi tù. Bà Tâm mong muốn các cá nhân, đoàn thể giúp đỡ gia đình tôi, gia đình bà vì bị oan sai.
Kể từ khi gia đình xảy ra chuyện, cha mẹ bị bắt tù, hình ảnh cô bé Hiếu với 10 tuổi đầu phải sống bơ vơ ngoài xã hội, phải không quản ngại khó khăn trong hành trình tìm công lý cho cha mẹ đã làm lay động lòng người, thu hút sự quan tâm của dư luận. Chưa biết hành trình tìm công lý cho cha mẹ của bé Hiếu đến đây đã kết thúc hay chưa nhưng suy rộng ra toàn xã hội Việt Nam thì hình ảnh bé Hiếu không phải là trường hợp duy nhất. Những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới đã bị buộc phải vào đời sớm, phải đi khiếu kiện đất đai, bảo vệ tài sản gia đình, phải đi tìm công lý cho gia đình là không ít để rồi khi nhìn lại tự đặt câu câu hỏi vì đâu nên nỗi?