Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ Công an trì hoãn trình Luật biểu tình: Hành vi tắc trách công vụ?

Minh Tâm


(VNTB) – Có đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài thời gian soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc trách công vụ, vi phạm vào Điều 4 của Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 do Chủ tịch Quốc hội ký ban hành tại kỳ họp thứ 7, tháng 6-2014.

Bằng quyền hạn của mình, Thủ tướng Chính phủ có thể chuyển “đơn hàng” này cho một tổ chức hội chuyên ngành. Đơn cử, dự Luật Trưng cầu ý dân được Chính phủ giao cho Hội Luật gia Việt Nam là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Bộ Công an đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạm lùi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật biểu tình đến… tháng 10-2016.

Thông tin báo chí cho biết, Bộ Công an đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạm lùi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật biểu tình đến… tháng 10-2016.

Lý do: “Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình”, “quyền tự do biểu tình”, “nơi công cộng”, “tụ tập đông người”…; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mittinh, biểu tình do Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”

Viện dẫn những lý do như nói trên, Bộ Công an đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII (tháng 5-2015), sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV (dự kiến tháng 10-2016).

Đề nghị này là… khó hiểu, vì cho đến nay trên trang http://duthaoonline.quochoi.vn/ của Quốc hội vẫn chưa thấy đăng tải về nội dung soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an.

Trên trang web chuyên về dự thảo luật nói trên, lâu nay đăng tải những nội dung đang biên soạn, cầu thị ý kiến đóng góp của cộng đồng về 3 loại văn bản luật đang trong giai đoạn dự thảo: Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết.

Ban cải cách thể chế của Hội Nhà báo độc lập VN xin được trao đổi về một số vấn đề mà Bộ Công an cho rằng đang… lăn tăn.

Cam kết điều ước quốc tế

Các khái niệm “biểu tình”, “quyền tự do biểu tình”, “nơi công cộng”, “tụ tập đông người” mà phía Bộ Công an đang cho rằng cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xét về mặt kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, có thể căn cứ vào các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để soạn thảo.

Điều ước quốc tế là văn bản pháp lý quốc tế thể hiện sự thoả thuận của các chủ thể pháp luật quốc tế (trước hết là các quốc gia) trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện nhằm quy định, thay đổi, chấm dứt các quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết trong quan hệ quốc tế, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.

Điều ước quốc tế được Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết với danh nghĩa Nhà nước, Chính phủ hoặc cấp ngành. Do vậy, khi một điều ước quốc tế được phía Việt Nam ký kết hoặc gia nhập thì có nghĩa là Nhà nước, Chính phủ hoặc ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế đó bằng cách nội luật hóa, hoặc quy chiếu trực tiếp, có nghĩa là nó sẽ nằm trong hệ thống pháp luật quốc gia. Khi đó mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ xã hội được nó điều chỉnh phải tuân theo.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập quy định những vấn đề mà pháp luật trong nước chưa điều chỉnh, thì nó có thể trở thành căn cứ pháp lý để ban hành những văn bản quy phạm pháp luật trong nước, đặc biệt là các văn bản của bộ, ngành.

Trường hợp điều ước quốc tế và luật nội địa cùng quy định về một vấn đề, thì về nguyên tắc, luật nội địa phải phù hợp với điều ước quốc tế bằng cách phải sửa đổi, bổ sung hoặc dẫn chiếu áp dụng điều ước quốc tế. Như vậy, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là căn cứ cho việc ban hành văn bản.

Trong hầu hết các văn bản luật, pháp lệnh hiện hành của Việt Nam đều có điều khoản áp dụng điều ước quốc tế đại ý: “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật/ pháp lệnh/ nghị định này và các quy định của điều ước quốc tế về cùng một vấn đề, thì áp dụng các quy định của điều ước quốc tế đó”.

Bãi công, bãi thị, bãi khóa, khiếu kiện đông người… có phải là biểu tình?

Câu hỏi này của Bộ Công an khi bắt tay soạn thảo dự luật biểu tình, xem ra khá… ngớ ngẩn.

Đình công, bãi công của người lao động được quy định tại “Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động”, Bộ Luật lao động 2012, hiệu lực thi hành từ 01-05-2013.

Liên quan đến Điều 5 là các vấn đề được nêu chi tiết tại “Mục 4. Đình công và giải quyết đình công”, từ Điều 209 đến Điều 234.

“Khiếu kiện đông người” thuộc phạm vi điều chỉnh của hàng loạt văn bản: Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2011, Nghị định 75/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật khiếu nại, Nghị định 76/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật tố cáo.

“Bãi thị, bãi khóa”, đúng là hiện chưa xác định rõ về điều chỉnh của quy phạm pháp luật. Nếu hiểu “Biểu tình: là hành vi biểu thị sự đồng tình, hoặc không đồng tình, hoặc phản đối về một sự kiện, một vấn đề cụ thể nào đó”, thì việc “bãi thị – bãi khóa” có thể chịu sự điều chỉnh của Luật biểu tình.

Với “biểu tình do Đảng, Nhà nước” tổ chức, Bộ Công an chỉ cần căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp 2013: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, để điều chỉnh hành vi biểu tình.

Bảo vệ hay trấn áp?

Câu trả lời: Vẫn cứ theo luật mà ứng xử.

Theo dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, người nào dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở hay ép buộc công dân thực hiện quyền biểu tình là phạm “tội xâm phạm quyền biểu tình của công dân.”

Theo dự luật, người phạm tội nói trên sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Nếu phạm tội có tổ chức; hoặc có lợi dụng chức vụ, quyền hạn; hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.

Tương tự, “tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân” – một tội danh mới – sẽ có chế tài xử phạt. Theo đó, những ai có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí hoặc ép buộc công dân phát ngôn, viết bài, đăng tải thông tin báo chí trái với quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt. Khung hình phạt tội này tương đương tội xâm phạm quyền biểu tình.

Ngoài ra, dự luật còn quy định về “Tội xâm phạm quyền tự do tiếp cận thông tin của công dân”. Đây cũng là một tội danh mới. Theo đó, “người nào từ chối cung cấp thông tin, cung cấp thông tin giả mạo, cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc hành vi khác cản trở công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

Cũng theo dự luật, hành vi xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân tới đây sẽ bị coi là phạm tội (tội mới). Cụ thể, dự thảo quy định, người nào có hành vi cản trở, ép buộc công dân thực hiện quyền hội họp, lập hội sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Từ căn cứ của nội dung dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, việc “bảo vệ – trấn áp” biểu tình là điều rất dễ chấp bút soạn thảo.

Chủ tịch Quốc hội có đồng ý “chuyển nhượng nợ”?

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã đặt bút ký Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Theo đó tại kỳ họp thứ 9, của Quốc hội khóa XIII (tháng 5-2015), Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo luật biểu tình, và kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (cuối năm 2015) sẽ thông qua dự luật biểu tình.

Như vậy, nếu Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với đề nghị “hoãn trình” dự thảo luật biểu tình, có nghĩa ông thừa nhận tính lỏng lẻo của Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.