Cát Tường
(VNTB) – Hậu trường vụ án này không chút đơn giản cho những nhân vật có thể đã rời chính trường theo một thỏa thuận nào đó của “trùm cuối”
Trả lời xét hỏi vụ án “chuyến bay giải cứu” ở phiên sơ thẩm tại tòa án Hà Nội, cựu Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Công an Hoàng Văn Hưng cho rằng có việc bỏ lọt tội phạm trong vụ “chuyến bay giải cứu”.
Trong vụ án này, bị cáo Hoàng Văn Hưng từng là điều tra viên chính trong giai đoạn đầu của vụ án, bị đưa ra xét xử vì lừa đảo chiếm đoạt số tiền 800.000 USD. Bị cáo Hưng bị cáo buộc đã hai lần nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn – cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, lần thứ nhất là 350.000 USD, lần thứ hai là 450.000 USD.
Về lần nhận tiền thứ hai trong chiếc cặp khóa số mà bị cáo Nguyễn Anh Tuấn nhờ người giao cho Hưng vào sáng ngày 5-12-2022, Hưng khai rằng “sau khi nhận cặp, bị cáo mang lên xe ở ghế sau. Bị cáo mở ra xem thì thấy có 4 chai rượu vang”.
Được luật sư hỏi trong giai đoạn khởi tố, điều tra có vấn đề gì gây bất lợi cho bị cáo, cựu Trưởng phòng 5 tiếp tục khẳng định “bị oan, bị buộc tội không có chứng cứ chỉ dựa trên lời khai một chiều”.
“Tất cả chỉ là lời khai một chiều, ngay cả anh Tuấn cũng không nói được đưa 350.000 USD cho bị cáo vào ngày nào” – Hoàng Văn Hưng nói, sau đó nhấn mạnh: “Những lời khai mâu thuẫn vô lý không đúng sự thật mà cơ quan tố tụng không kiểm chứng. Kết luận điều tra và cáo trạng bỏ lọt hành vi phạm tội của nhiều người. Mong hội đồng xét xử xem xét mối liên hệ buộc tội và bỏ lọt tội phạm gì không?”.
Cựu trưởng phòng an ninh điều tra khẳng định không chỉ buộc tội oan mà kết luận điều tra và cáo trạng còn “bỏ lọt hành vi phạm tội của nhiều người”. Bị cáo cho hay sẽ khai rõ hơn ở phần tranh luận sắp tới.
Nôm na, bị cáo Hưng dọa tung chứng cứ mới, khi từ ngày 17-7-2023, tòa bắt đầu phần tranh luận.
Vì sao bị cáo Hưng phản cung trong lúc 53/54 bị cáo khác nhận tội một cách dễ dàng đến đáng ngờ như là họ nhận “một” để không bị khui “mười”?
Thật dễ hiểu, thuật ngữ hình sự gọi là thỏa thuận nhận tội.
Là điều tra viên cao cấp, còn là người tham gia thụ lý từ đầu vụ án này bị cáo Hưng phải có cơ sở vững chắc mới dám đưa ra tuyên bố như ván cược tính mạng như vậy.
Có ít nhất 3 yếu tố kịch tính cho thấy hậu trường vụ án này không chút đơn giản cho những nhân vật có thể đã rời chính trường theo một thỏa thuận nào đó của “trùm cuối”: thứ nhất, bằng kinh nghiệm của một cựu trưởng phòng an ninh, tin rằng có cơ sở khi ông Hoàng Văn Hưng tự tin về chứng cứ chạy án ‘mỏng’.
Thứ hai, cũng từ kinh nghiệm của một điều tra viên, có thể linh cảm phán đoán về những nhân vật giấu mặt trong vụ án này của ông Hoàng Văn Hưng khi muốn có những ai là “ma chết thay”.
Thứ ba, đó là thời gian của “hòa đàm” cho những thỏa thuận trong thời gian tòa tạm nghỉ theo ngày hành chính, để sang tuần mới bắt đầu vào tranh tụng.
Giả dụ như ông Hoàng Văn Hưng tung chứng cứ mới và được cho là “có căn cứ”, vậy phiên xét xử sẽ ra sao?
Nếu theo trình tự quy định của pháp luật, khi giả dụ trên xảy ra, thì việc xử lý của Hội đồng xét xử trong trường hợp phát hiện bỏ lọt tội phạm được quy định tại Khoản 7 Điều 326 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, kết thúc việc nghị án, Hội đồng xét xử phải quyết định một trong các vấn đề:
Trường hợp phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì Hội đồng xét xử quyết định việc khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 18 và Điều 153 của Bộ luật này. Theo đó, tất cả các khâu từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra, truy tố, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, xét xử vụ án phải được bắt đầu tiến hành lại theo đúng quy trình giải quyết một vụ án hình sự theo quy định pháp luật.