Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ mặt thật của GHPGVN đã lộ rõ

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Việc nhà nước “hành chính hoá” tôn giáo đích thực là một hình thức kiểm soát niềm tin tâm linh của phật tử để trục lợi

 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có tuyên bố sẽ tinh gọn bộ máy hành chính. Trong đó nhấn mạnh việc dừng tổ chức giáo hội Phật giáo cấp huyện, đã khiến không ít người dân bất ngờ. Bất ngờ không phải vì quyết định cắt giảm này quá đột ngột, mà vì lâu nay, ít ai nghĩ rằng GHPGVN lại có một cơ cấu tổ chức rập khuôn theo mô hình hành chính nhà nước đến vậy.

Và cũng từ đây, nhiều câu hỏi nhức nhối được đặt ra: Liệu có phải GHPGVN chính là một cánh tay nối dài của chính quyền? Ở đâu có cán bộ thì ở đó có tham nhũng – vậy chùa chiền có thực sự trong sạch?

Tôn giáo, xét về bản chất, là một không gian tâm linh, một nơi nương tựa tinh thần cho những ai có niềm tin vào đạo pháp. Nhưng với việc vận hành theo mô hình hành chính hóa, có phân cấp tổ chức chặt chẽ từ Trung ương xuống địa phương, thì GHPGVN đã không còn mang đúng tinh thần của một tổ chức tôn giáo thuần tuý. Mà thực tế đã biến thành một cơ quan hành chính trong bộ máy cầm quyền.

Cũng cần nhắc lại rằng GHPGVN là thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – một tổ chức vốn dĩ là “cánh tay nối dài” của đảng Cộng sản Việt Nam. Nói một cách dễ hiểu, khi Mặt trận Tổ quốc quyết định bỏ cấp nào, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ bỏ cấp y như vậy. Điều này càng cho thấy sự phụ thuộc hoàn toàn của Giáo hội vào hệ thống chính trị. Vậy, trong trường hợp này, ai đang thực sự điều hành tôn giáo? Là các vị chân tu hay những người cán bộ có quyền lực?

Việc xóa bỏ giáo hội phật giáo cấp huyện được giải thích là để tinh gọn bộ máy, giảm bớt sự cồng kềnh. Nhưng dư luận đặt câu hỏi: Tinh giản như vậy thì số chức sắc bị “cắt giảm” sẽ đi đâu? Liệu họ có “cởi áo tu” về quê làm người tử tế hay không? Hay họ sẽ được nhận những khoản tiền bồi thường hậu hĩnh từ việc tinh giản biên chế giống như các cán bộ nhà nước? Nếu có, thì tiền bồi thường này lấy từ đâu? Phải chăng lại là tiền công đức, tiền cúng dường của bá tánh thập phương?

Chuyện tinh gọn bộ máy giáo hội này cho thấy hàng chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, tiền công đức, tiền cúng dường đã chảy vào túi các quan chức, chứ không thể nào tất cả đều được sử dụng cho việc tu hành, xây chùa, hoặc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Các đại lễ Phật giáo, những ngôi chùa lớn, những tu sĩ sống trong xa hoa nhung lụa… tất cả những điều này liệu có thể tồn tại nếu không có dòng tiền khổng lồ chảy vào?

Một khi đã vận hành như một hệ thống hành chính, thì GHPGVN không thể đòi hỏi được miễn trừ khỏi những yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nếu đã có “tinh giản”, có cắt giảm nhân sự, thì cần có báo cáo cụ thể về tài chính như: Số tiền cúng dường của bá tánh mỗi năm là bao nhiêu? Số tiền đó được sử dụng ra sao? Các vị tu sĩ khi bị tinh giản sẽ đi đâu, nhận chế độ như thế nào? Tiền bồi thường cho việc tinh giản cán bộ chùa lấy từ đâu?

Việc bỏ cấp huyện của GHPGVN không chỉ đơn thuần là một quyết định nội bộ, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi lớn về bản chất của tổ chức này. Liệu Phật giáo Việt Nam có còn thực sự là một tôn giáo độc lập, hay chỉ là một bộ phận trong bộ máy cầm quyền? Việc hành chính hóa tôn giáo có phải là một hình thức kiểm soát niềm tin tâm linh của người dân?

Công chúng không thể cứ mù quáng tin tưởng và tiếp tục đóng góp tiền bạc mà không biết rằng, rốt cuộc, số tiền đó đi về đâu. Cũng giống như việc các cơ quan nhà nước bị yêu cầu phải minh bạch trong việc sử dụng ngân sách, Giáo hội Phật giáo Việt Nam – khi đã có một hệ thống tổ chức hành chính hoàn chỉnh – cũng phải chịu trách nhiệm tương tự trước các Phật tử và người dân.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhận diện rõ nguy cơ phái sinh để Đảng thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới

Phan Thanh Hung

VNTB- Luật về đảng cộng sản Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Người lao động đã thất nghiệp mà sao còn ép họ?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo