Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ Y tế: bộ bảo thủ?!

Hồng Dân

 

(VNTB) – Bộ  Y  Tế cho đến nay vẫn “phớt lờ” Nghị định 09/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2017

 

Sau 5 năm, mặc kệ ngành thực phẩm quyết liệt đòi Bộ Y tế bỏ quy định bổ sung muối i-ốt, sắt và kẽm khi chế biến – sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục lao đao với yêu cầu bổ sung vi chất này, bất chấp yêu cầu sửa đổi của Chính phủ.

Bộ Y tế lần này sẽ cầu thị sửa chữa?

Dù Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu Bộ Y tế bỏ hẳn quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”, và “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” trong Nghị định 09/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2017, nhưng Bộ này vẫn “phớt lờ”, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp cho đến tận hôm nay.

Tại hội thảo “Thực trạng và đánh giá kết quả tác động trong 5 năm thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm” được tổ chức ngày 12-11-2021 tại TP.HCM, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, cách đây 5 năm, Nghị định 09/2016 của Chính phủ quy định “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”.

Tuy nhiên, thực tế các quy định này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhưng lại thiếu hiệu quả và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cụ thể, khi thêm muối i-ốt, các sản phẩm thủy sản, rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, các sản phẩm từ ngũ cốc sấy; các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt và dùng trong chế biến các loại thực phẩm; các sản phẩm ăn ngay, ăn liền… dễ dàng có phản ứng, do tính chất oxy hóa mạnh, làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, màu sắc, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Riêng sản xuất nước mắm truyền thống, nguyên liệu chính vốn đã là cá biển, đã rất “giàu” i-ốt, quy định bổ sung i-ốt chỉ gây thêm tốn kém và làm biến đổi màu, vị tự nhiên của nước mắm.

Chưa kể, một số thị trường xuất khẩu chính không chấp nhận thực phẩm có bổ sung i-ốt, khiến doanh nghiệp phải có chứng nhận không sử dụng muối i-ốt mới xuất đi được, điển hình như Nhật Bản, khiến doanh nghiệp rất tốn kém khi phải điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các ý kiến tại hội thảo hầu hết là không mới mẻ vì những nội dung này đã được kiến nghị rất nhiều lần.

Kiên trì ‘năn nỉ’ Bộ Y tế

Ngày 16-7-2018, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký văn bản đề nghị Bộ Y tế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến quy định “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”. Đây là quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm đã kiến nghị lên UBND TP.HCM về khó khăn vướng mắc khi thực hiện quy định này. Lý do là trong thực tế một số loại thực phẩm không thể sử dụng muối i-ốt làm nguồn nguyên liệu để chế biến do tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị không bằng so với việc sử dụng muối thường và việc sử dụng muối i-ốt cũng làm tăng giá thành sản phẩm.

Ngày 15-5-2018, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016 theo hướng bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”, bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.

UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ Y tế sớm triển khai thực hiện chỉ đạo nêu trên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng phát hành văn bản số 2992/ PTM – VP, ngày 27-12-2018, cho biết cộng đồng doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm là Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội thực phẩm minh bạch, Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, cùng kiến nghị “Bỏ quy định bổ sung i ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và bỏ tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm”.

Văn bản viết:

“Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, đã được Thủ tướng thay mặt Chính phủ ký vào ngày 15-5-2018 chỉ đạo: “Bộ Y tế : nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016 NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng: (1) bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” tại điểm a Khoản 1 Điều 6; (2) bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại điểm b khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”.

Cộng đồng các doanh nghiệp thực phẩm được biết Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch số 618/KH-BYT ngày 26-6-2018 về xây dựng và trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, trong đó dự kiến tháng 7-2018, Bộ Y tế sẽ đăng dự thảo lên website để lấy ý kiến, và tháng 9-2018 sẽ trình Chính phủ để ban hành.

Tuy vậy, cho đến hết tháng 10-2018 vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về Nghị định mới, và điều đó đang gây ra các quan ngại lớn rằng quyết định đúng đắn trên đây của Chính phủ đang bị trì hoãn thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh, cũng như ảnh hưởng xấu đến mục tiêu cảu thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, và chậm trễ so với chính kế hoạch của Bộ Y tế.

Trong cuộc họp ngày 17-10-2018 giữa tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với 05 Bộ ngành và một số hiệp hội, chủ trì bởi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, vấn đề sửa Nghị định 09/2016 đã tiếp tục được nêu ra với nhiều ý kiến báo cáo, tham luận, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp trong suốt 2 năm qua đối với quy định bất cập “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”.

Có thể thấy rõ Nghị quyết 19/2018 hoàn toàn không yêu cầu bỏ việc bổ sung i-ốt cho muối dùng để ăn trực tiếp, mà chỉ yêu cầu bỏ quy định này đối với muối dùng trong chế biến thực phẩm, chuyển sang dạng khuyến khích.

Cộng đồng các doanh nghiệp thực phẩm tiếp tục kiến nghị bỏ quy định bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và bỏ tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm vì chúng không có hiệu quả đối với sức khỏe cộng đồng, ngược lại gây tốn kém cho xã hội, không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường, nhiều nước trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… đã không cho phép nhập các sản phẩm có bổ sung các vi chất trên”.

Liên bộ Công thương và bộ Khoa học công nghệ cũng ‘chào thua’ bộ Y tế

Tại Công văn số 791A/ BCT–KH, ký ngày 31-01-2019 của Bộ Công thương cho biết:

“Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại Điểm b, Khoản 15, Mục 3 Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, theo đó Bộ Y tế được giao là cơ quan chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28-01-2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng: (i) bãi bỏ quỵ định ‘ muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ôt tại điểm a Khoản 1 Điều 6; (ii) bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm ” tại điểm b Khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”.

Để chủ động phối hợp trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm giữa Bộ Công thương với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bột mì thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 64 của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã gửi Công văn đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.bột mì trong cả nước (Công văn số 6710/BCT-KHCN ngày 21-8-2018), trong đó yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo thực trạng triển khai, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP và có ý kiến đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP.

Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, ngày 12-9-2018, Bộ Công Thương có Công văn số 7366/BCT-KHCN gửi Bộ Y tế để góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP.

Trong thời tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp và đề nghị Bộ Y tê khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP”.

Công văn số 435/BKHCN-TĐC, phát hành ngày 31-01-2019 của Bộ Khoa học công nghệ, viết ngắn gọn: “Thống nhất với kiến nghị của các doanh nghiệp về việc bỏ quy định bổ sung iốt vào muối dùng trong chế biến thực phẩm và bỏ quy định tăng cường sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm, lý do: Các hợp chất bổ sung i-ốt”.

Hôm 12-11-2021, các hiệp hội ngành hàng đồng kiến nghị Chính phủ Phạm Minh Chính “cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, thay thế nghị định 09 theo đúng tinh thần nghị quyết 19-2018 Chính phủ đã ban hành”


Tin bài liên quan:

VNTB – 48 năm rồi, an cư để lạc nghiệp vẫn là giấc mơ cổ tích

Do Van Tien

VNTB – Bộ Y tế cảnh báo khẩn về người nhập cảnh từ vùng dịch Covid

Do Van Tien

VNTB – Vì sao nông dân miền Tây đang nghèo đi?

Phan Thanh Hung

1 comment

Cao Minh Anh 15.11.2021 8:25 at 08:25

Bộ Y tế đã ra quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”, và “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” từ năm nào? Đã dưa vào những nghiên cứu khoa học nào? Vì hữu ích dinh dưỡng cho người VN hay vì lợi ích nào khác?
Quy định nêu trên của Bộ Y tế cần phải hủy bỏ theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ đầu năm 2017), bộ Công thương và bộ Khoa học công nghệ cũng đã có ý kiến, doanh nghiệp cũng đã lên tiếng nhiều lần. Tại sao Bộ Y tế vẫn “phớt lờ”, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp cho đến tận hôm nay?
Chắc rằng Bộ trưởng Bộ Y tế trong giai đoạn đó tự xem mình là một sứ quân, tự quyết mọi việc theo ý riêng, xem thường chính phủ cùng các Bộ khác và ngay cả hàng loạt doanh nghiệp sản xuất liên quan! Điều này chứng tỏ nội bộ của Đảng và Chính phủ csVN đã rệu rã lắm rồi.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo