Trường Sơn
(VNTB) – Chùa Bái Đính là công trình bảo tồn, hay xây mới?
Nhắc đến các dự án du lịch tâm linh, nổi tiếng nhất phải kể đến khu tâm linh núi chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) và khu du lịch tâm linh Tam Chúc (Hà Nam).
Tuy nhiên theo quan sát của ông Quách Đặng Hữu Tú, một giáo viên địa lý kiêm hướng dẫn viên du lịch, thì đúng là thế giới cũng có du lịch tôn giáo (religious tourism), nhưng nó bắt nguồn từ những chuyến hành hương từ hàng ngàn năm qua của các tín đồ đến những điểm tôn giáo linh thiêng cổ xưa để cầu nguyện, hành lễ, … chứ không ai đến một cơ sở mới tinh để du lịch như Việt Nam.
Trả lời báo chí, đại diện doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường xác nhận doanh nghiệp được quyền khai thác du lịch với khu du lịch sinh thái Tràng An, bao gồm cả chùa Bái Đính trong 70 năm.
Tuy nhiên thế nào là kiến trúc của một ngôi chùa dành để làm các công việc hoằng pháp thì dường như ngay cả Hiến chương hiện hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chưa thấy đề cập, mà hiện tại thì trong vài ngày tới đây, bản Hiến chương này sẽ được tu chỉnh phần liên quan giá trị đất đai tôn giáo và tài sản riêng – chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Quan sát cho thấy, không giống các ngôi chùa truyền thống, ngay tại tầng hầm của tòa Tam Thế chùa Bái Đính và cả chùa Tam Chúc là một nhà hàng lớn cả ngàn mét vuông, có thể phục vụ ăn uống cho cả nghìn người và còn có nhiều phòng làm việc, phòng hội nghị. Và giống như một địa điểm du lịch thông thường khác, chùa Bái Đính có cả một khu lớn bán đồ lưu niệm và dịch vụ ăn uống ngay gần cổng; bãi trông xe với giá khá đắt đỏ và dịch vụ xe điện, dịch vụ vệ sinh…
Vấn đề sau đây mới là đáng bàn luận: vì sao ở các chùa như Bái Đính, Tam Chúc lại hầu như hiếm hoi thấy bóng dáng nhà tu hành và thưa vắng hoạt động tu tập, hoằng pháp – vốn là những mục đích tồn tại chính yếu của một ngôi chùa.
Một đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực tiếp chăm sóc cho hai ngôi chùa Bái Đính, Tam Chúc, cho biết chùa Bái Đính thường xuyên có 300-400 người làm việc tại chùa, nhưng không phải là người tu hành.
Tuy nhiên với những việc như trên, thật khó hiểu khi tại diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa” diễn ra hôm 23-11 vừa qua tại Hà Nội, người ta bất ngờ trước tôn vinh của giáo sư sử học Lê Văn Lan, rằng, “Có một công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh do doanh nghiệp tự bỏ tiền đứng ra làm, xây ngôi chùa cực kỳ to lớn từ một nhà thờ họ cũ ở Ninh Bình thờ ngài Nguyễn Minh Không – nhân vật rất lớn thời Lý, vừa là tổ nghề luyện kim đúc đồng, vừa là dược sư làm thuốc…
Từ một nơi thờ phụng Nguyễn Minh Không như thế, một đại gia, cuối cùng giúp gìn giữ bảo tồn văn hóa là xây đại công trình kiến trúc mới trị giá vài ngàn tỉ”, ông Lan nói và không nêu tên cụ thể doanh nghiệp và chùa Bái Đính, nhưng câu chuyện ông kể thì đã là gián tiếp nói về xây chùa Bái Đính ở Ninh Bình, vì đây có nơi thờ tự ngài Nguyễn Minh Không.
Là một người có học hàm, học vị về sử học, nhưng có lẽ ông Lê Văn Lan ‘hơi kém’ về môn địa lý nên ông quên mất rằng nơi thờ tự ngài Nguyễn Minh Không vẫn ở nguyên chốn cũ; và như “đính chính” ngay sau đó tại diễn đàn của ông Trần Đình Thành – phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, thì “Chùa cũ nằm cách đó 1 cây số, vẫn được bảo tồn yếu tố gốc. Không thể gọi ngôi chùa mới do doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng là bảo tồn di sản”.
Tại buổi họp báo hôm 23-11 về công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 sắp diễn ra trong vài ngày tới đây, hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết Đại hội Phật giáo lần này sẽ tu chỉnh Hiến chương giáo hội để đáp ứng theo những thay đổi của pháp luật hiện hành, và tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của tăng ni, phật tử.
Hòa thượng Thích Huệ Thông chia sẻ kế hoạch tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hiến chương được tu chỉnh sẽ làm rõ các vấn đề về tổ chức tôn giáo trực thuộc, ban quản trị chùa, pháp nhân phi thương mại, quyền sở hữu tài sản…
Kế hoạch tu chỉnh hiến chương được đưa ra trong bối cảnh hiến chương hiện hành tồn tại từ trước khi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực, đồng thời Luật Đất đai mới cũng sắp được ban hành.
Hy vọng với tu chỉnh bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần này, các vấn nạn “buôn thần bán thánh” từ những “dự án bất động sản tâm linh” sẽ được chấn chỉnh để chốn thiền môn là nơi tu tập, hoằng pháp chứ không phải “cổ máy hốt bạc” cho nhà đầu tư như Bái Đính, Tam Chúc…