Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để giải quyết hạn mặn ở miền Tây Nam bộ

Lâm Viên

(VNTB) – Trên báo chí Việt Nam thường sử dụng cụm từ ‘cả hệ thống chính trị’ khi đề cập đến sự việc mang tầm vóc quốc gia, đòi hỏi việc phối hợp của các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay giải quyết.

Trong cách hiểu đó, cần thiết Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết dành riêng cho vấn đề xử trí hạn mặn ở miền Tây Nam bộ.

 

Vì sao lại cần đến “Hệ thống chính trị”?

Thuật ngữ “Hệ thống chính trị” trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, được hiểu như sau: “Hệ thống chính trị là một bộ phận kiến trúc thượng tầng xã hội, bao gồm các tổ chức, các thiết chế có quan hệ với nhau về mặt mục đích, chức năng trong việc thực hiện, tham gia thực hiện quyền lực chính trị hoặc đưa ra các quyết định chính trị” (1).

Ở Việt Nam, khái niệm hệ thống chính trị được đảng cộng sản chính thức sử dụng từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, từ đó khái niệm này được các văn kiện của Đảng và Nhà nước, các tài liệu khoa học, sách báo sử dụng rộng rãi thay cho khái niệm hệ thống chuyên chính vô sản trước đây.

Hệ thống đó bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Hệ thống chính trị ở Việt Nam vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó, Đảng vừa là bộ phận của hệ thống chính trị, vừa là hạt nhân lãnh đạo đạo hệ thống, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Từ cách hiểu ở trên, qua việc tra tìm trên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, lẫn của Đảng, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm thấy một nghị quyết nào của Bộ Chính trị về riêng vấn đề xử trí hạn mặn ở các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ.

Vì đâu mà Cửu Long cạn dòng?

Ngày 17-11-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết “Về phát triển bền vững đồng bằng sông cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một Nghị quyết có nội dung tương tự cũng được ban hành có tên “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, ký ngày 23-1-2014.

Cả hai Nghị quyết của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều chung một căn cứ là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03-6-2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành (2).

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) là một văn bản có nội dung mang tính chung chung, không đề cập trực diện đến hàng loạt cảnh báo từ rất lâu trước đó của các nhà khoa học về hiện tình “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng”.

Các cảnh báo của những nhà khoa học đến từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Theo một khảo cứu ghi ngày xuất bản là tháng 11-1999 của Ngô Thế Vinh trong bút ký: “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng”, thì các thế hệ tiền nhân đến lập nghiệp thường chọn các khu đất gò, tại đồng bằng sông Cửu Long, gọi là “đất giồng”, nên đến mùa nước lên, các cánh đồng bát ngát cò bay thẳng cánh biến thành biển nước mênh mông, thì đất giồng này vẫn là các khu an toàn cho người dân và cả cho các loài rắn.

Ngược lại, trong vài thập niên qua, các khu định cư mới thường chỉ nhằm vào các vùng đất có điều kiện cho đồng bào canh tác, nên khi đến mùa nước dâng lên, có nơi phải ngập sâu xuống cả 2, 3 thước nước, nên cái mà giới bình dân thường quen gọi là “thiên tai” hẳn nhiên phải nặng nề và tác hại nhiều hơn.

Ngoài ra, điều mà các nhà môi trường học đã lớn tiếng kêu gào nhiều nhất trong những năm gần đây là nạn chặt cây phá rừng bừa bãi; những rừng cây xanh um từ xưa mang chức năng giữ lại trong lòng đất một lượng nước quan trọng ở các đầu nguồn thì nay không còn nữa hoặc đã biến thành quá lưa thưa, nên nước mưa xuống thì cứ thẳng chảy ra, làm tăng khối lượng nước ngoài dòng sông và hẳn nhiên mực nước sông phải dâng cao khi mưa nhiều ở thượng nguồn…

Tác giả Ngô Thế Vinh định cư tại Hoa Kỳ. Nhiều công trình của các tác giả trong nước với hàm lượng học thuật nhiều hơn, đầy đặn hơn so “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng”, dường như cũng không nhận được sự quan tâm đúng mức của nhiều đời tổng bí thư đảng cộng sản ở Việt Nam. Dư luận ngờ vực rằng vì yếu tố Trung Quốc nên những người đứng đầu đảng cộng sản ở Việt Nam tránh đụng chạm.

Cần ‘chỉ tận tay, day tận trán’

Ông Nguyễn Ngọc Trân, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, người đã nhiều năm chủ trì Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, đã có những phản ứng quyết liệt tại hội thảo “Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông”, được Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GREENID) tổ chức vào cuối năm ngoái, về phần nội dung mà ông cùng nhóm các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ mổ xẻ Dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông (gọi tắt là MDS) do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thuê Viện Thủy lực Đan Mạch (DHI) thực hiện có tổng kinh phí khoảng 4,3 triệu USD (từ nguồn của Chính phủ Việt Nam và viện trợ ODA của một số nước tài trợ) thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 6-2013 đến 1-2016) và được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu.

Ông Trân nói rằng nhận thấy còn rất nhiều vấn đề trong báo cáo cần được trao đổi, làm rõ. Bởi, mức độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu thể hiện không cao. Cho dù việc lựa chọn nhà tư vấn, thực hiện nghiên cứu đã được đấu thầu quốc tế nhưng với chất lượng này, kết quả của Báo cáo là “một kết luận nguy hiểm”. Nguy hiểm bởi nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, đây là dự án giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam điều hành. Kết luận của dự án nếu được công bố ra quốc tế, gián tiếp có thể hiểu là Chính phủ Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Ông Lê Anh Tuấn, phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng: “MDS có nhiều bất cập và thiếu tin cậy”. Theo ông Tuấn, báo cáo của MDS chưa có dẫn liệu về các đập thủy điện phía thượng nguồn của Trung Quốc. Điều này dẫn đến khó dự đoán được việc xả nước về hạ lưu. Hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi nguồn nước. Song, các nhà tư vấn đã bỏ qua nhân tố này trong tính toán.

Về số liệu đầu vào của công trình, ông Tuấn cùng nhóm các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ nhìn nhận có nhiều số liệu cũ (từ năm 2008), không đúng với thực tế và những công trình nghiên cứu gần đây. Đặc biệt, dẫn liệu về bùn cát cho tính toán đầu vào chưa đồng nhất với báo cáo của các tác giả khác. Do số liệu cũ không chuẩn xác và có sự khác biệt dẫn đến kết quả đưa ra thiếu khách quan dễ dẫn đến sai lệch trong kết luận về đánh giá tác động.

“Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cầu thị với tất cả các phản hồi và góp ý để điều chỉnh báo cáo cho hợp lý với tình hình thực tế lưu vực sông Mê Kông”, ông Tuấn cùng nhóm các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ kiến nghị.

Tuy nhiên diễn biến trên thực tế thì ai cũng biết, cả phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến Thủ tướng chính phủ, và cả Tổng bí thư đều không bày tỏ thái độ pháp lý nào trước những khuyến cáo cảnh báo từ ‘người trong cuộc’. (3)

+ Chú thích:

(1) http://tuyengiaohungyen.vn/bai-viet/tim-hieu-thuat-ngu-he-thong-chinh-tri-trong-van-kien-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang.aspx

(2) http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-24-nqtw-ngay-0362013-hoi-nghi-lan-thu-7-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-chu-dong-ung-pho-voi-578

(3) Xem thêm https://vietnamthoibao.org/vntb-nuoc-ngot-man-nhu-nuoc-mat/

Tin bài liên quan:

VNTB – Thỏa thuận ‘giảm phát thải’ giúp Việt Nam có thêm nguồn ngoại tệ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính trị hóa việc chống dịch Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Miền Tây sợ hạn mặn hơn con virus Vũ Hán

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo