Anh Khoa dịch
(VNTB) – Các cuộc biểu tình ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập bị giam giữ Alexei Navalny thách thức Putin trước cuộc bầu cử
Tác giả: Georgi Kantchev
MOSCOW – Nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại Nga vào cuối tuần qua ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập bị bỏ tù Alexei Navalny cho thấy thách thức mà Tổng thống Vladimir Putin phải đối mặt trong việc quản lý tình trạng bất bình của xã hội trước cuộc bầu cử quốc hội năm nay.
Các cuộc biểu tình không được phép hôm thứ Bảy là một số trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong những năm gần đây và có hàng chục nghìn người bất chấp cái lạnh băng giá, mối đe dọa của đại dịch và khả năng bị giam giữ. Lực lượng an ninh đã bắt giữ hơn 3.500 người – con số lớn nhất trong ít nhất chín năm qua, theo các nhà quan sát độc lập.
Các cuộc biểu tình đã khiến Điện Kremlin đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Hoặc lùi bước trước áp lực từ đường phố và làm suy yếu quyền lực của chính mình bằng cách thả ông Navalny hoặc có nguy cơ kích động thêm phản ứng dữ dội và thống nhất phe đối lập nếu giữ ông ta lại sau song sắt.
Abbas Gallyamov, một nhà tư vấn chính trị tại Moscow và từng là người viết bài phát biểu cho Putin, cho biết: “Có rất ít lựa chọn tốt cho Putin. “Có vẻ như Navalny đang tấn công và Điện Kremlin đang phòng thủ.”
Mức độ được công chúng ủng hộ của ông Putin đã rớt thê thảm trong những năm gần đây trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ và hoạt động biểu tình phản đối tăng cao. Các nhà quan sát cho rằng các cuộc biểu tình ủng hộ ông Navalny, nếu được duy trì, có thể gây ra mối đe dọa đối với sự thống trị của ông Putin bất chấp những thay đổi hiến pháp được thông qua vào năm ngoái có thể cho phép ông nắm quyền đến năm 2036.
Tatiana Stanovaya, người sáng lập R.Politik, một công ty phân tích chính trị độc lập, cho biết các cuộc biểu tình có thể “trở thành thách thức lớn nhất đối với chính quyền trong suốt 20 năm cầm quyền của Putin”.
Nhưng trong khi các nhà phân tích nói rằng quy mô của các cuộc biểu tình, diễn ra tại hơn 100 thành phố từ Moscow đến Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga, đã tạo ra động lực cho ông Navalny, câu hỏi quan trọng là liệu phong trào của ông có thể giữ được đà phát triển này hay không.
Các đồng minh của ông Navalny ca ngợi những người biểu tình và kêu gọi mọi người tiếp tục vào cuối tuần tới.
“Chúng tôi có thể nói rằng một trang mới trong lịch sử các cuộc biểu tình của Nga đã được mở ra vào ngày hôm qua”, Ivan Zhdanov, người đứng đầu Quỹ Chống tham nhũng của ông Navalny, viết trên Facebook hôm Chủ nhật. “Và còn rất nhiều việc phải làm.”
Điện Kremlin cho rằng các cuộc biểu tình là vô ích và bất hợp pháp.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với kênh truyền hình nhà nước hôm Chủ nhật: “Có ít người xuống đường; nhiều người bỏ phiếu cho Putin”. “Và nhiều người đã bỏ phiếu cho các sửa đổi hiến pháp. Nếu bạn so sánh các con số, bạn sẽ hiểu rằng có ít người như thế nào” vào thứ Bảy.
Người ta không rõ quy mô chính xác của các cuộc biểu tình này. Các nhà tổ chức ở Moscow cho biết có ít nhất 40.000 người đã xuống đường, trong khi các nhà chức trách báo cáo chỉ có 4.000 người.
OVD-Info, một nhóm theo dõi các vụ bắt giữ của cảnh sát, cho biết có 3.592 người đã bị giam giữ trên toàn quốc – một kỷ lục kể từ khi nhóm được thành lập vào năm 2011. Tại Moscow, 29 người đã được đưa đến bệnh viện nhưng sau đó đã được thả, các cơ quan y tế cho biết hôm Chủ nhật.
Theo OVD-Info, những người bị giam giữ có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 300.000 rúp, tương đương 3.986 USD và tối đa 30 ngày bị giam giữ. Người đứng đầu hội đồng nhân quyền của Điện Kremlin, Valery Fadeyev, nói rằng hầu hết những người bị giam giữ sẽ được trả tự do kèm theo một khoản tiền phạt. Nhưng vào cuối ngày thứ Bảy, Ủy ban Điều tra của Nga, cơ quan điều tra các tội phạm nghiêm trọng, cho biết họ đã tiến hành điều tra tội phạm ở Moscow về việc sử dụng bạo lực chống lại cảnh sát, hành vi côn đồ và phá hoại tài sản.
Thách thức đối với ông Putin diễn ra sau một năm ông thực hiện các động thái củng cố quyền lực của mình thông qua các thay đổi hiến pháp, hạn chế nhiều hơn đối với internet và các dự luật nhằm hạn chế các tiếng nói bất đồng. Các cuộc biểu tình diễn ra sau những màn thể hiện bất bình hàng loạt khác gần đây, trong đó các vấn đề hàng ngày đã leo thang thành cơ hội để thể hiện những bất bình lớn hơn.
Tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã giảm xuống 65% vào tháng 11 từ mức gần 90% vào năm 2015, theo Trung tâm thăm dò độc lập Levada.
Cuộc bầu cử lập pháp sắp diễn ra vào tháng 9 làm phức tạp thêm cho việc Điện Kremlin xử lý ông Navalny. Lãnh đạo phe đối lập đã thúc đẩy một chiến lược được gọi là bỏ phiếu thông minh, trong đó xác định các ứng cử viên phù hợp nhất để giành chiến thắng trước một ứng cử viên nhất định từ đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền và tập trung các nguồn lực cho họ. Trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố ở Moscow vào năm 2019, chiến lược này đã làm giảm một phần ba số ghế của Đảng Nước Nga Thống nhất, mặc dù không phải kết quả những nơi nào cũng được như vậy.
Ông Gallyamov nói: “Việc để thả ông ấy sẽ tạo động lực cho các chiến thuật bỏ phiếu thông minh và đó là rủi ro lớn đối với Điện Kremlin.
Các cuộc biểu tình, cùng với sự phản đối kịch liệt của quốc tế sau khi ông bị đầu độc vào tháng 8, cũng làm xáo trộn chiến thuật lâu năm của Điện Kremlin là bất chấp ông Navalny và phong trào của ông. Ông Putin và các quan chức khác thường không gọi ông bằng tên, thay vào đó gọi ông là một blogger hoặc gần đây là “bệnh nhân Berlin”, ám chỉ việc ông ở lại Đức sau vụ đầu độc.
Những dấu hiệu ban đầu cho thấy các đồng minh của ông Navalny có thể tiếp tục duy trì sức mạnh của các cuộc biểu tình phản đối. Hai cuộc khảo sát nhanh những người biểu tình ở Moscow hôm thứ Bảy cho thấy khoảng 40% đi biểu tình lần đầu tiên và hầu hết những người tham gia đều ở độ tuổi 20 hoặc 30.
“Điều này có nghĩa là thông điệp phản đối của Alexei Navalny đã đến rất rất nhiều người”, Alexandra Arkhipova, nhà nhân chủng học tại Đại học Nhân văn Nhà nước Nga, người đã thực hiện một trong các cuộc khảo sát trên, viết trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, phe đối lập của Nga trước đây đã có dấu hiệu rạn nứt và đấu đá nội bộ giữa các nhóm khác nhau, trong khi Điện Kremlin từ lâu cố loại các đối thủ của mình và tạo ra các nhóm đối lập giả và các đảng chính trị được chính phủ dung túng.
Ông Gallyamov nói rằng sự thành công của cuộc biểu tình hôm thứ Bảy tạo ra nguy cơ đối với phong trào của ông Navalny vì nó đặt mục tiêu rất cao. Ông nói: “Họ không thể giảm bớt biểu tình và cần phải đoàn kết cho đến cuộc bầu cử tháng 9”.
“Đây là một chiến thắng của phe đối lập, nhưng là một chiến thắng trong một trận duy nhất,” ông Gallyamov nói. “Họ còn một cuộc chiến dài phía trước.”
Nguồn: The Economist