VNTB – Các nhà khoa học Việt Nam cần dũng cảm để liên tục lên tiếng…

VNTB – Các nhà khoa học Việt Nam cần dũng cảm để liên tục lên tiếng…

Triệu Tử Long

(VNTB) – Sở dĩ gọi là cần đến sự dũng cảm, vì ở Việt Nam nếu như ai đó cứ miệt mài ‘phản biện’, dễ bị chụp chiếc mũ ‘chính trị hóa’.

Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là một trong những người kiên trì lên tiếng về yêu cầu truy cứu trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trong các dự án về thủy điện.

Ở bài báo “Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn, Nghệ An, bị khởi tố” đăng trên trang web của Ban Việt ngữ đài VOA (Hoa Kỳ), tác giả Phạm Chí Dũng có đoạn viết:

“Được cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương “bảo kê” hồ sơ tội ác của EVN đã dày quá khổ, không chỉ vì quá nhiều lần tăng giá điện vô lối đánh úp túi tiền cùng kiệt của dân nghèo, mà hành vi cực kỳ nhẫn tâm còn xảy đến vào mùa mưa bão cuối năm 2013: tháng Mười Một năm đó, tập đoàn này hoàn toàn vô trách nhiệm khi để 15 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ lên đầu người dân vùng rốn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc… khiến gây ra cái chết tang thương của hơn 50 mạng người.

(…) Phú Yên với liên tiếp những cú xả lũ của thủy điện sông Hinh và thủy điện sông Ba Hạ những năm trước là một điển hình về sự vô lương tâm chưa hề có đáy. “Vô cảm” xem ra vẫn là từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự mà báo giới và dư luận dành để mô tả về quan chức thời nay.

Tất cả đều biết cấp trên trực tiếp của các nhà máy thủy điện là EVN, còn thủ trưởng trực tiếp của EVN là Bộ Công Thương. Tuy nhiên, sau vụ “giết sống” trên, nhiều phóng viên báo chí quốc doanh đành nuốt nhục vì bị cơ quan tuyên giáo “chặn họng.”

Tội ác đã được che chắn đến mức tối đa sau khi xuất hiện thông tin EVN và cơ quan chủ quản quá nhiều lần “bảo kê” cho tập đoàn này là Bộ Công Thương đã có “quan hệ” đủ dày và đủ sâu để Ban Tuyên giáo trung ương, theo thói quen “nắm đầu” báo chí và công khai cấm cản tất cả những tin tức không có lợi cho “đảng ta” và cả bất lợi cho “chúng ta”, đã chặn đứng kế hoạch đưa vụ EVN ra công luận của những tờ báo ít sợ nhất.

(…) Thậm chí sau đó EVN còn được Bộ Công Thương đề nghị nhà nước phong tặng các loại huân chương cao quý!

Ở trên cao và trùm lên tất cả, trách nhiệm thuộc về Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng – người đứng đầu một bộ có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề quy hoạch thủy điện, phê duyệt các dự án thủy điện.

Bất chấp những lời dẫn dụ đầy ngụy biện của giới quan chức chính phủ và bộ ngành, tất cả đều đã quá chậm. Bất chấp vài trăm dự án thủy điện cuối cùng cũng buộc phải gạt ra khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án thủy điện còn lại đã quét đi hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, mất nghề và khốn đốn trong sinh hoạt.

(…) Ba năm sau vụ 15 nhà máy thủy điện của EVN đồng loạt xả lũ giết chết hơn năm chục mạng dân nghèo ở rốn lũ miền Trung, lịch sử lại tái diễn trên mảnh đất xơ xác này vào mùa bão lũ cuối năm 2016. Những tờ báo nhà nước phẫn nộ nhất cũng chỉ dám úp mở đánh tiếng vụ Thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh là “xả lũ sai quy trình”, nhưng không dám nói gì về hơn 20 người Hương Khê bị những kẻ vận hành xả lũ làm thiệt mạng. Sau đó, như một hiệu lệnh bất thành văn đầy dấu hiệu tuyên giáo, giới truyền thông quốc doanh im bặt” (*).

Tác giả Phạm Chí Dũng nhìn vụ việc qua lăng kính của pháp luật, và ông đã liên tục lên tiếng bằng các bài báo kêu gọi những quan chức chóp bu cần chí ít là tôn trọng pháp luật trong vấn đề xả lũ, về quy hoạch thủy điện.

Còn tiếng nói của nhà khoa học đối với các quy hoạch thủy điện, tuy có, nhưng lại không đủ sức bền đeo đuổi với sự nhẫn nại như nhà báo Phạm Chí Dũng.

Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu, Viện Cơ học và Kỹ thuật môi trường, từng lên tiếng trong vụ thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh.

Theo tiến sĩ Lan Châu, từ năm 2014, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã ký Quyết định số 138/QĐ-PCTT về việc phê duyệt Phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du Nhà máy thủy điện Hố Hô, và cùng trong năm này đã tiến hành thẩm tra Phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du Nhà máy thuỷ điện Hố Hô.

Trước đó, Quyết định số 2072/QĐ-CT do UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ban hành ngày 05-09-2012 cũng nêu rõ: với tần suất xả lũ từ 1% – 10% và lưu lượng xả từ 1637 đến 2758m3/s thì chỉ gây ngập một số diện tích canh tác vùng thấp. Tuy nhiên, trong trận lũ này 14 đến 16-10-2016, lưu lượng xả lớn nhất mới dừng ở mức 1800 m3/s thì hạ du đã bị lụt nặng.

“Thực tế này cho thấy cần xem xét, tính toán lại và điều chỉnh các phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du Nhà máy thủy điện Hố Hô mà tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt” – tiến sĩ Nguyễn Lan Châu đề nghị.

Thế nhưng ngần ấy năm đi qua, dường như mọi chuyện chỉ bừng thức dậy khi hôm 19-10-2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình và xử lý hỗ trợ, khắc phục mưa lũ tại miền Trung, cho hay “đã điều các chuyên gia thuỷ lợi vào các tỉnh miền Trung hỗ trợ công tác điều tiết các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi, vì nhiều hồ đã đầy nước, nếu bị vỡ sẽ là thảm hoạ”.

“Nếu lúc này nhà báo Phạm Chí Dũng được trở lại tự do viết lách, có lẽ ông sẽ vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền lợi của người dân sống trong vùng nhìn đâu cũng thấy đập thủy điện như miền Trung mùa mưa bão!” – một người bạn cùng thời làm việc ở Thành ủy với ông Dũng, chia sẻ ước ao.

________________

Chú thích:

(*) https://www.voatiengviet.com/a/nha-may-thuy-dien-nam-non-nghe-an-bi-khoi-to/5006237.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)