Anh Khoa dịch
(VNTB) – Một chiến dịch kỹ thuật số đã góp phần tạo ra một lượng nhỏ nhưng ổn định những người lính đào ngũ
Tác giả: Feliz Solomon
Cập nhật ngày 1 tháng 11 năm 2021
Một buổi chiều cuối tháng 8, khi đang điều khiển một trạm kiểm soát quân sự ở một thành phố miền trung Myanmar, Trung sĩ Htet Aung nhận thấy một bài đăng bất thường trên đầu trang Facebook của anh ấy: một đoạn ghi âm cuộc phỏng vấn một quân nhân đào ngũ trong quân đội kêu gọi những người khác rời bỏ đơn vị. Anh ta bấm vào.
Đoạn clip này là một phần của chiến dịch thuyết phục binh lính đào ngũ khỏi các lực lượng vũ trang Myanmar. Các nhóm hỗ trợ người đào tẩu đã có một số thành công khi thuyết phục được những thanh niên vỡ mộng như anh Htet Aung, 23 tuổi, cho biết anh đã bỏ trốn khỏi căn cứ của mình ba tuần sau đó và tham gia một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền quân sự.
“Tôi đã nghe đoạn clip và nhận ra niềm tin của chúng tôi giống hệt nhau,” anh nói.
Kể từ khi quân đội nắm chính quyền trong cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2, các nhóm đối lập cho biết hơn 2.500 cảnh sát và binh sĩ đã đào tẩu. Họ tuyên bố con số đã tăng đôi chút kể từ đầu tháng 9, khi một chính quyền đối lập bí mật là Chính phủ Thống nhất Quốc gia, do các lãnh đạo dân sự bị lật đổ thành lập, tuyên bố ủng hộ một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ.
Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng các cuộc đào tẩu dường như chưa đe dọa sự gắn kết của quân đội, nhưng chúng báo hiệu tinh thần yếu kém có thể làm nản lòng một phần chiến lược của quân đội nhằm giành toàn quyền kiểm soát đất nước này. Quân đội đang thực hiện một cuộc tấn công trên khắp vùng tây bắc. Đây là một thành trì chống chế độ quân phiệt. Ở đó quân đội đang cố gắng tuyệt trừ các phần tử bị nghi ngờ nổi dậy và sẽ phải bảo vệ thành quả của mình trong thời gian dài bằng các binh sĩ đóng tại đó.
Cho đến nay, các cuộc đào tẩu cá nhân xảy ra chậm chạp nhưng ổn định với nhiều động cơ khác nhau. Họ bao gồm một số sĩ quan có cấp bậc cao như thiếu tá quân đội, nhưng hầu hết là hạ sĩ quan, binh sĩ và cảnh sát. Một số bày tỏ rằng họ phản đối cuộc đảo chính và bạo lực quân sự đối với dân thường, những người khác có những bất bình cá nhân như không được phép thăm người thân ốm yếu giữa đại dịch Covid-19.
Chính phủ thống nhất quốc gia đối lập đang tích cực kêu gọi binh lính đào tẩu và vận hành một chương trình có tên là Vòng tay của Nhân dân để ghi lại những chuyến đào ngũ và cung cấp nơi ẩn náu. Một nhóm độc lập khác do các nhà hoạt động từng là những người đào tẩu điều hành, được gọi là Binh đoàn Nhân dân, điều hành một chiến dịch tiếp cận kỹ thuật số và một mạng lưới tình nguyện viên cung cấp lối đi an toàn, nơi ở và thực phẩm.
Họ nói rằng họ muốn khai thác tình trạng tinh thần xuống thấp khi xung đột diễn ra và đang khuyến khích đào ngũ tập thể.
Anthony Davis, nhà phân tích của nhà xuất bản quốc phòng Janes cho biết: “Việc đào ngũ chỉ thực sự có ý nghĩa rộng hơn khi các đơn vị đào tẩu, điều mà chúng tôi chưa thấy là bước chuyển quan trọng từ bất mãn cá nhân sang bất mãn toàn bộ đơn vị. Điều đó cho thấy rằng cho đến nay, sự gắn kết đơn vị vẫn rất mạnh mẽ.”
Binh đoàn Nhân dân cho biết họ có khoảng 50 tình nguyện viên làm việc toàn thời gian và hàng trăm người hỗ trợ, trong đó có một đội khoảng 20 người chuyên làm công việc tuyển dụng. Họ chủ yếu tiếp cận binh sĩ thông qua trang Facebook cá nhân, mặc dù một số nhóm hoạt động độc lập đã triển khai các hoạt động mạng giúp mở rộng phạm vi tiếp cận.
Các nhóm này đã tự tạo hàng trăm tài khoản Facebook giả mạo với nội dung ủng hộ quân đội để kết bạn với binh sĩ và xâm nhập mạng xã hội. Sau khi các tài khoản tích lũy đủ người theo dõi và có quyền truy cập vào các nhóm mà binh lính thường xem, họ chia sẻ nội dung làm suy yếu tinh thần của binh sĩ như các đường dẫn đến thông tin về cách đào tẩu.
Các nhóm này không công khai tập trung vào chia sẻ thông tin về việc đào tẩu, nhưng là một đường dẫn quan trọng để liên kết các binh sĩ với các nhóm như Binh đoàn Nhân dân.
Những người quan tâm sẽ được tham gia một khóa học về bảo mật kỹ thuật số, được khuyên nên cài đặt ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram và liên hệ với người đồng sáng lập của nhóm, cựu đại úy Nyi Thuta đã đào tẩu vào cuối tháng Hai.
Anh Htet Aung là một trong số hơn 160 binh sĩ đã chạy trốn với sự giúp đỡ của nhóm này. Anh ta nói rằng sau lần đầu tiên nhận thấy một bài đăng về việc đào tẩu, anh ta đã thức trắng hàng tuần trong nhiều tuần, bí mật xem qua lời chứng trực tuyến của những binh sĩ đã đào ngũ trên điện thoại di động và xóa lịch sử trình duyệt của mình trước khi đi ngủ. Đến đầu tháng 9, anh đã quyết định đào tẩu.
Binh đoàn Nhân dân cho biết lòng trung thành của những người lính trẻ nhập ngũ trong thập kỷ qua, trong khi đất nước đang nằm dưới chế độ dân chủ, với quân đội rất mong manh. Một số người, như Htet Aung, thậm chí còn ủng hộ bà Aung San Suu Kyi hiện đang bị giam giữ kể từ cuộcđảo chính hồi tháng Hai. Htet Aung cho biết anh rất sốc và thất vọng với cuộc đảo chính.
Htet Aung theo học ngành kỹ thuật cơ điện tử tại một học viện công nghệ quân sự năm 17 tuổi để cho biết: “Tôi là người lính duy nhất trong cả gia đình. “Tôi ngưỡng mộ những người lính vì lòng vị tha của họ, tôi muốn được tôn trọng và phục vụ đất nước tôi.”
Sau khi tốt nghiệp, anh được bổ nhiệm vào một đơn vị nghiên cứu để tham gia phát triển cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc cho quân đội. Nhưng không lâu sau cuộc đảo chính, anh được bổ nhiệm làm nhân viên bảo vệ bên ngoài các tòa nhà chính phủ do các sĩ quan chiếm đóng. Anh được trang bị vũ khí và ra lệnh sử dụng vũ khí sát thương chống lại những kẻ xâm nhập. Anh nói rằng anh chưa bao giờ phải làm vậy, nhưng đã từng bắn hai phát súng cảnh cáo để xua đuổi những người biểu tình.
“Tôi không muốn làm những gì họ bắt tôi phải làm,” anh nói.
Sau khi liên lạc với Binh đoàn Nhân dân, họ đã giúp anh lập kế hoạch trốn thoát khỏi doanh trại và lén đưa anh vào lãnh thổ do phiến quân kiểm soát. Trong một cuộc hành trình ba ngày đầy lo lắng, anh cải trang thành một nông dân và thay đổi phương tiện đi lại nhiều lần với sự giúp đỡ của những người trung gian ẩn danh đứng chờ tại các điểm hẹn ở các thị trấn dọc đường.
Hiện anh sống chung trong một căn lều tre với những người đào ngũ khác ở nơi mà họ gọi là “vùng giải phóng”, một địa điểm bí mật ở vùng biên giới xa xôi. Một số bỏ trốn cùng cả gia đình, những người khác lẻn đi mà không nói với người thân và không biết bao giờ mới có thể nói chuyện hoặc gặp lại họ. Một số người đã đảm nhận vai trò mới là làm cố vấn cho liên minh các nhóm nổi dậy được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân thông qua các cuộc gọi cầu truyền hình, chia sẻ thông tin tình báo về chiến lược quân sự và huấn luyện vũ khí cơ bản.
Ông Nyi Thuta, cựu đại úy quân đội, người đã giúp thành lập Binh đoàn Nhân dân, cho biết: “Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của quân đội chính là người dân và binh lính sẽ đoàn kết chống lại họ.
Nhưng nguy cơ của việc đào ngũ rất cao như án tù dài hạn và có thể cả cái chết. Binh sĩ bị giám sát và các thiết bị kỹ thuật số bị kiểm tra. Chính quyền cũng đã ra lệnh cắt internet ở những khu vực có xung đột gia tăng nhằm mục đích cản trở liên lạc giữa các phần tử nổi dậy, điều này cũng khiến các nhóm đào tẩu khó tiếp cận những người có nhiều khả năng đào ngũ.
Quân đội Myanmar vẫn là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất khu vực, với lợi thế vũ khí đáng kể so với đối thủ và việc đào tẩu không có khả năng làm thay đổi cán cân. Nhưng họ ngày càng được phe đối lập dân chủ coi là trụ cột quan trọng trong nỗ lực đa chiều nhằm loại bỏ sự thống trị của quân đội và ngăn chặn một thất bại nặng nề.
“Chúng tôi đang mở cho họ một cánh cửa và gửi cho họ tín hiệu rằng họ có thể tham gia với chúng tôi,” Zin Mar Aung, nhà ngoại giao chính đại diện cho chính phủ đối lập, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Chúng tôi đang nói với những người không muốn phục vụ quân đội, ‘Các anh không cần phải làm thế’. “