Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cách hiểu và cách hành xử đối với trách nhiệm chính trị

Cát Tường

 

(VNTB) – Người đáng để từ nhiệm với lý do “trách nhiệm chính trị” bậc nhất lúc này không ai khác là Tổng bí thư

 

Trong vụ từ nhiệm của hai phó thủ tướng và chủ tịch nước ở nửa đầu tháng 1-2023 này, tôi cho rằng người đáng để từ nhiệm với lý do “trách nhiệm chính trị” bậc nhất lúc này không ai khác là Tổng bí thư đảng đương nhiệm. (*)

Một giảng viên trường luật cho rằng điểm khác nhau giữa Việt Nam và thế giới trong vụ việc liên quan đến các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam là nằm ở cách hiểu và cách hành xử đối với trách nhiệm chính trị.

Thứ nhất, các chính khách, hoặc được nhân dân trực tiếp bầu ra, hoặc lựa chọn gián tiếp thông qua các cơ quan dân cử, họ là những người đại diện cho nhân dân, nhưng không bao giờ đồng nhất với nhân dân, vì người đại diện luôn có nguy cơ vượt quá thẩm quyền đại diện, thậm chí phản bội lại lợi ích của người được đại diện. Vì vậy, không thể đồng nhất Quốc hội cũng chính là dân.

Thứ hai, nhân dân – qua các thế hệ đóng góp xương máu lập quốc, chi tiền thuế nuôi dưỡng bộ máy nhà nước – có phần nào giống với cổ đông góp vốn thành lập công ty cổ phần, không phải để nuôi không hội đồng quản trị và ban giám đốc; những người này không chỉ có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, mà phải tạo ra lợi nhuận cho công ty, mang lại lợi ích cho cổ đông.

“Công bộc” của nhân dân cũng vậy, họ cần có liêm sỉ, nên từ chức hoặc bị bãi miễn khi không đạt được kỳ vọng của cử tri, không làm cử tri hài lòng, chứ không chỉ dừng lại ở việc kiềm chế không vi phạm pháp luật là đủ.

Vì vậy, khi họ “quyết sai” về chính sách, tuy không phải là vi phạm pháp luật, không dẫn tới trách nhiệm pháp lý, nhưng không thể chỉ “nhận khuyết điểm” là xong, mà các tổ chức nội bộ cần kỷ luật người đó và cử tri cần bãi miễn những cá nhân đã bấm nút thông qua những quyết sách sai lầm; khi trí tuệ của họ không còn đủ sáng suốt, đủ tư cách làm người đại biểu của nhân dân, làm “công bộc” của nhân dân nữa.

Thứ ba, trách nhiệm chính trị không chỉ dừng lại ở trách nhiệm cá nhân, không chỉ dừng lại ở việc bỏ phiếu bất tín nhiệm từng cá nhân, mà trách nhiệm chính trị liên quan và chủ yếu liên quan đến trách nhiệm của một tập thể.

Thực hiện một nhiệm vụ chính trị, thường không phải do một người mà do một nhóm người, do vậy việc tách bạch trách nhiệm chính trị cá nhân thường khó khăn, bởi vậy khi có lỗi xảy ra mà không quy kết về được trách nhiệm cá nhân thì nguyên tắc suy đoán lỗi được áp dụng: lỗi sẽ thuộc về người đứng đầu hoặc lỗi thuộc về cả tập thể.

Bởi vậy, ở các quốc gia dân chủ, khi có tranh cãi về trách nhiệm chính trị của chính phủ, thì hai khả năng xảy ra: nghị viện sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng; hoặc thủ tướng (khi thủ tướng cho rằng mình không có lỗi, mà lỗi thuộc về nghị viện) sẽ yêu cầu nguyên thủ quốc gia giải tán nghị viện và nhân dân sẽ bầu cử sớm để lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng hơn.

Hiện nay, Điều 71 Khoản 3 Hiến pháp năm 2013, chỉ đề cập đến việc Quốc hội tự mình xem xét kết thúc sớm nhiệm kỳ, mà không dành quyền đề nghị này cho cử tri hay một cơ quan bên ngoài.

Điều 95 Khoản 4 Hiến pháp năm 2013 đã đề cập đến trách nhiệm của tập thể Chính phủ trước Quốc hội, tuy nhiên vẫn chưa có quy trình cụ thể và thực tế cũng chưa có tiền lệ việc Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm tập thể Chính phủ.

Như vậy xem ra muốn có cơ sở áp dụng trách nhiệm chính trị đối với cá nhân một cách tạm gọi là “tâm phục khẩu phục” chứ không phải là việc “tạo sức ép” như lời huấn thị mới đây của Thường trực Ban bí thư, thì điều đầu tiên là phải phân định rõ chức năng, nhiệm vụ chính trị của từng cá nhân, tổ chức.

Tiếc thay điều trên với Việt Nam là bất khả thi vì cho đến nay vẫn chưa có luật về đảng chính trị; và thật tế thì người dân cũng không rõ tên gọi “Bộ Chính trị” là muốn nói đến một cấp bộ trong chính phủ, hay đó là một “siêu nhà nước” khi nhân danh Bộ Chính trị, người ta có quyền đứng trên cả Hiến pháp (?!) với cung cách lập ngôn cho rằng “Hiến pháp – đây là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng, là đạo luật gốc” (**).

___________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-trach-nhiem-chinh-phai-la-tong-bi-thu-dang-moi-dung/

(**) https://tuoitre.vn/hien-phap-con-bon-van-de-lon-co-y-kien-khac-nhau-571463.htm


Tin bài liên quan:

VNTB – Bi kịch đã diễn ra: bệnh nhân chết tức tưởi vì… thiếu thuốc

Do Van Tien

VNTB – Báo chí được ‘định hướng’ để phục vụ điều tra vụ tấn công 11-6

Do Van Tien

VNTB – Không có tử thi thì làm sao giám định pháp y?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo