Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cách ly điều trị có nghĩa là gì?

Nguyễn Thị Huyền

(VNTB) – ‘Cách ly điều trị’ có nghĩa là bệnh nhân đó được điều trị trong môi trường cách ly với môi trường chung của các phòng bệnh trong bệnh viện. Như vậy, nếu chỉ là ‘nghi mắc bệnh’ thì chắc chắn không ai áp dụng biện pháp ‘cách ly điều trị’.

 

Vắn tắt như trên là nhằm để thắc mắc về thông tin đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Trong bài “Tỉnh biên giới Lào Cai phòng chống nCoV ra sao?”, đăng ngày 09/02/2020 – https://www.moh.gov.vn/web/guest/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/tinh-bien-gioi-lao-cai-phong-chong-ncov-ra-sao-?, có đoạn: “Được biết, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai hiện có 27 trường hợp đang được cách ly điều trị”.

Con số 27 trường hợp đang được cách ly điều trị đó cần được hiểu đúng là như thế nào?

Vấn đề khác liên quan đến chuyện một ông phó giám đốc sở giáo dục ở thành phố Hồ Chí Minh, đã ‘đánh tiếng’ với báo chí việc mở lại trường học từ ngày 17/02.

Tin tức đăng trên tờ Tiền Phong hôm 11/02 tường thuật buổi ra mắt Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh TP.HCM. Đây là trung tâm điều hành giáo dục thông minh đầu tiên của cả nước. Trong bản tin có những chi tiết đáng lưu ý. (https://www.tienphong.vn/giao-duc/nganh-giao-duc-tphcm-co-hon-300-nguoi-tro-ve-tu-vung-dich-corona-1518457.tpo?)

Thứ nhất, ông Nguyễn Thiện Nhân thông báo TP.HCM hiện đang 322 người là cán bộ, giáo viên, học sinh… trở về từ vùng dịch Vũ Hán, Trung Quốc. “Dân số TPHCM chiếm 10% cả nước nhưng người trong ngành giáo dục từ vùng dịch trở về chỉ chiếm 3%”, ông Nhân cho hay.

Thứ hai, báo Tiền Phong ghi nhận bên lề buổi ra mắt, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết, “với tình hình hiện nay của TP.HCM, đầu tuần tới, học sinh đi học lại là phù hợp. Bởi, các trường đã chuẩn bị kỹ, bản thân học sinh cũng đã tiếp cận nhiều thông tin về phòng chống dịch”.

Chưa ghi nhận ý kiến của ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM về chuyện đề xuất ‘đi học lại’ đó.

Băn khoăn đặt ra, trong tổng số “322 người là cán bộ, giáo viên, học sinh… trở về từ vùng dịch Vũ Hán, Trung Quốc”, có bao nhiêu là cán bộ, bao nhiêu là giáo viên, và những học sinh trường nào ở TP.HCM đã từ vùng dịch Vũ Hán trở về? 322 người đó đã qua đủ thời gian tối thiểu 14 ngày cách ly hay chưa? Liệu họ có tiếp xúc với cộng đồng trước khi cách ly?

Tôi cho rằng một lần nữa chính quyền TP.HCM vẫn ngần ngại vào khả năng phòng, chống dịch virus đến từ Trung Quốc. Cả hai lần ra quyết định cho học sinh nghỉ học đều được ký văn bản bởi giám đốc Lê Hồng Sơn, và phó giám đốc Nguyễn Văn Hiếu đóng vai trò thế thân thăm dò dư luận, qua các tuyên bố kiểu như ‘cần chung sống với dịch’, ‘học sinh đi học lại là phù hợp’.

Ông Nguyễn Văn Hiếu đã dùng từ ‘dự kiến’, tức là nếu không có gì thay đổi thì ngành giáo dục thành phố lại đưa 2 triệu học sinh TP.HCM vào nơi nguy hiểm. Nói nguy hiểm vì trường học dù có khử trùng cỡ nào cũng không an toàn.

Học sinh ý thức giữ gìn kém, môi trường sinh hoạt tập trung, lăn lộn vui chơi, ăn uống cùng nhau suốt ngày. Nào ai kiểm được từng đứa trẻ thời gian vừa rồi có xê dịch ở những nơi có người Trung Quốc hay người từng nhiễm dịch lui tới hay không?. Ngay cả bậc phụ huynh và cả giáo viên cũng không biết thời gian qua có từng tiếp xúc với “322 người là cán bộ, giáo viên, học sinh… trở về từ vùng dịch Vũ Hán, Trung Quốc” hay không?

Tôi nhớ lúc dịch virus Vũ Hán mới tràn sang Việt Nam, có ông quan chức ngành y từng trả lời báo giới về việc có nên cho trẻ đi học lại. Ông khẳng định: “Chúng ta có những dấu hiệu rất lạc quan, đó là tỷ lệ trẻ em mắc bệnh rất thấp. Bệnh nhân nhiễm bệnh ở độ tuổi nhỏ gần như không có, mà chỉ tập trung ở những người lớn đã có bệnh nặng, bệnh nền sẵn”.

Ông quan chức lạc quan tếu quá. Em bé ba tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhiễm bệnh hôm rồi là “thế hệ thứ ba” lây virus Corona đấy. Tức, bà của em bị nhiễm qua người khác, rồi em nhiễm qua bà. Nếu so với tổng 15 ca nhiễm tại Việt Nam tính tới lúc này thì tỷ lệ ấy không hề thấp.

Cho tới lúc này thì tôi hoàn toàn chia sẻ với cách đặt vấn đề trên trang Việt Nam Thời Báo là khi EVFTA ký kết, thì nhân quyền không phải chuyện xa xôi của chính trị đa nguyên, mà nhân quyền đơn giản là quyền phải được biết của người dân trong bảo vệ tính mạng của chính cá nhân mình.

Trung Quốc vừa qua bùng phát dịch giết chết đã trên cả ngàn người cũng vì quyền được biết, quyền được nói của người dân đã bị giới hạn theo ý chí của đảng cộng sản.

Việt Nam cần phải trông gương đó mà sửa mình.

Tin bài liên quan:

VNTB – Cập nhật về cúm Corona ngày 30/1/2020

Phan Thanh Hung

VNTB – Tạm đóng cửa phi trường Tân Sơn Nhất

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngành y tế của Việt Nam hiện đang thiếu ‘test kit’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo