VNTB – Cái ác và dân chủ

VNTB  – Cái ác và dân chủ

Kim Trước

 

(VNTB) – Nếu nhà báo không được quyền tự do dân chủ trong viết – lách, vậy thì tờ báo ấy sẽ dành cho những độc giả nào đây?

 

Ngày cuối tuần ở Sài Gòn, làng báo xứ Việt khá ‘rúng động’ khi nhận tin nhà báo Nguyễn Hoài Nam bị bắt về  “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ” được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, trước đây tội này được quy định tại Điều 258, nhưng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì tội này được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

(Năm 2008, hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến – báo Thanh Niên, và Nguyễn Văn Hải – báo Tuổi Trẻ,  bị truy tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự.

‘Rúng động’ còn là vì chưa rõ là Nguyễn Hoài Nam bị bắt cụ thể hôm nào, bắt trong tình trạng ra sao?

(Một nguồn tin khả tín nói rằng lúc 22g ngày 2-4-2021 Công an TP.HCM đã bắt tạm giam nhà báo Hoài Nam thời hạn 3 tháng. Theo thông tin từ gia đình nhà báo Hoài Nam, Cơ quan điều tra đã giải thích ông Nam bị một cán bộ công an tố cáo về hành vi vu khống. Và sau đó thì các báo đưa thì tin ông Hoài Nam bị bắt về một tội khá quen thuộc Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…)

Trước khi làm phóng viên của báo Thanh Niên, Nguyễn Hoài Nam từng là lính của binh chủng Phòng không – Không quân. Trong quá trình công tác 10 năm ở Thanh Niên, Hoài Nam đã có nhiều bài viết điều tra, phóng sự như: Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái, Người ghi hình lâm tặc phá rừng, Giấy kiểm dịch bán như rau, Kinh hoàng heo siêu nạc, Tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa, Nông dân vượt biên đánh bạc, Bí mật hành phi, Hãi hùng công nghệ trồng rau muống, Cảnh sát trật tự cơ động làm luật

Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, kể có một dạo, những bài viết của Hoài Nam liên quan đến đời sống số đông, nhất là mảng vệ sinh an toàn thực phẩm như hành phi, dầu ăn được làm từ dầu cặn múc từ cống rãnh nhà hàng, cà phê trộn chất tạo bọt đã gây xôn xao dư luận.

“Ở vị trí quản lý phóng viên, mình mong báo mình cũng có nhiều cây bút lăn xả như vậy; khả năng nhập vai điều tra của Nam rất đáng khâm phục. Trong hội thảo quốc tế về Báo chí điều tra năm 2014 tại Hà Nội và TP.HCM, chia sẻ của Nam về kinh nghiệm, thủ pháp điều tra nhập vai gây chú ý cho nhiều đại biểu tham dự. Chuyện hôm nay nhiều đồng nghiệp không bất ngờ. Mình biết Nam cũng không bất ngờ…” – nhà báo Nguyễn Đức Hiển, nhớ lại.

Cựu phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, luật sư Trần Hồng Phong, nhìn nhận nhà báo Hoài Nam là người rất ‘say’ nghề và thường chọn những vụ việc rất động trời, đụng chạm…

“Kiểu tác nghiệp của anh thường là đơn độc và có phần nguy hiểm cho bản thân. Anh thường lên kế hoạch rất bài bản, điều tra trong nhiều tháng… Tuy nhiên, tôi biết nhiều vụ việc của anh dù có bài vở, chứng cứ rõ ràng nhưng báo… không đăng. Có lẽ vì ngại đụng chạm?

Năm 2016, Hoài Nam từng bị một tờ báo chấm dứt hợp đồng, mà nguyên nhân sâu xa cũng liên quan đến các bài báo viết về tiêu cực, tham nhũng. Hoài Nam nhờ tôi trong vụ án lao động mà anh khởi kiện vì bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tôi đã nhiều lần nói với Hoài Nam là không nên quá căng, vì dù là sự thật, thì cũng rất đụng chạm, nguy hiểm cho bản thân.

Nghề báo rất nguy hiểm” – luật sư Trần Hồng Phong nhận định từ trải nghiệm thời gian ông làm việc tại báo Pháp Luật TP.HCM.

Một nhà báo khác đề nghị ẩn danh, nói thêm rằng cả nhà báo Đặng Việt Hoa và Nguyễn Hoài Nam trong vụ án liên quan Bộ luật Lao động, mà luật sư Trần Hồng nhắc đến ở trên, về sau đến lượt mình, Đặng Việt Hoa phải vào vai “con ma chết thay” cho một sếp lớn hơn ở báo Thanh Niên.

“Nghề báo buộc phải song hành với quyền dân chủ cần phải bị lợi dụng bằng cách này hay cách khác để mang thông tin cần thiết đến độc giả, mà dân trong nghề nói là viết phải biết lách. Nghề báo rất nguy hiểm là vậy!” – nhà báo yêu cầu ẩn danh, nhận xét đầy chua chát.

Tạm gác qua chuyện luật hình sự.

Có thắc mắc: “Tự do dân chủ” ở Việt Nam là gì mà người ta phải tìm mọi cách để ‘lợi dụng’? Nếu một nhà báo chỉ được phép thể hiện quyền “tự do dân chủ” trong một giới hạn được gọi là “định hướng tuyên truyền”, vậy thì các sản phẩm của tờ báo đó sẽ nhằm phục vụ đối tượng độc giả nào đây?

Nói về quyền tự do dân chủ, liệu có phải vì những hình ảnh được kể tiếp theo đây, đã khiến người ta buộc phải ‘xé rào’ gọi là “lợi dụng quyền tự do dân chủ”? Nhà báo Lưu Trọng Văn, cựu phóng viên báo Lao Động, đặt câu hỏi: “Không biết các nhà lãnh đạo đất nước có bao giờ ra đường nhìn những người nông dân đi biểu tình không?.

 Nhưng tôi cứ nhìn những bà già trùm khăn ngồi bên vệ đường trong đoàn biểu tình, càng nhìn càng không tin nổi họ đang làm gì xấu hay đang cố giành về cho mình những thứ không phải của mình.

Nếu bản chất họ thế thì sẽ không có việc họ đi theo cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến. Họ sẽ không hiến cả nhà cửa của mình, gia sản của mình, con cái của mình cho cách mạng. Vậy mà chúng ta đã làm gì để khiến họ thành ra như thế? Tại sao những cái đã tạo ra sức mạnh phi thường cho chúng ta trong quá khứ thì giờ đây chúng ta lại đang phá vỡ nó?

Khi góp ý cho Đại hội Đảng, tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình. Và khi chưa thể làm được điều đó, ta khó lòng tạo ra sự dân chủ cho cả xã hội. Và sự mất dân chủ này sẽ làm biến dạng ghê gớm, biến dạng sâu sắc Đảng.

Sự biến dạng này nó sẽ gây ra những sự biến dạng trong các vấn đề khác: vấn đề về kinh tế, về xây dựng, về giáo dục, về con người… Mà sự biến dạng đó sẽ vô cùng nguy hiểm!” – nhà báo Lưu Trọng Văn, khuyến cáo.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)