Việt Nam Thời Báo

VNTB- Cái cò mày đi ăn đêm

Phạm Tuân
(VNTB) – Mùa hè tuổi 20 – những bản nhạc Jazz đổ lênh lên buổi trưa bỏng rát. Bây giờ thì tôi đã biết màu sắc và hình ảnh của mùa hè, cái thứ ánh sáng quá rõ ràng làm mọi vật trở nên đậm nét vô cùng. Đôi khi tôi nghĩ giá mà cứ ở lửng lơ thì cũng hay hay, không cần phải tốt, chẳng cần phải dở. Nhưng thật ra mọi sự lửng lơ sẽ mãi chẳng đi đến đâu cả.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh Cái cò mày đi ăn đêm

Ánh sáng. Bất chợt tôi nhận ra mọi thứ đều chỉ là do ánh sáng. Thứ ánh sáng chuyển động theo từng khoảnh khắc đã tô điểm cuộc đời này. Như tôi cuộc đời quá nhỏ nhoi, quá vị kỷ. Người ta cứ trách người ta rằng vì sao không có ai sống vì những điều đẹp đẽ và cao cả của một thời xưa cũ? Tôi không rõ những cuộc đời mà bụi thời gian phủ nặng đến mức những con người ấy cũng phải tan ra làm bụi đã sống đẹp đẽ ra sao, cao cả ra sao. Cho dù muôn ngàn lần miêu tả lại thì mãi mãi những điều đã chết sẽ chẳng thể nào sống dậy được.
Có người hỏi tôi có yêu thương đất nước này không? Nơi tôi sinh ra và tập nói thứ tiếng nhiều âm sắc này. Tôi biết nói sao đây? Khi con người càng sống cá nhân hơn, càng vụn vặt và vị kỷ hơn – như tôi – thì đừng rao rảng với tôi về những điều to tát, hy sinh hay hào hùng đến thế. Cũng có để làm gì đâu, làm sao tôi yêu được những lý lẽ xa xôi tựa như ánh sao nhìn thấy đó nhưng không bao giờ đặt chân đến!

Có câu truyện ngụ ngôn rằng một nhà sư ngày ngày truyền dạy kinh và điều lẽ phải cho trẻ nhỏ. Người dân quanh vùng đó vì cảm thương tấm lòng nhà sư sống vì đạo nghĩa, dạy dỗ con trẻ mà đem tặng ông con bò sữa, mong rằng chút tấm lòng đó báo đáp được ông để ông có chút lương thực dự trữ. Nhưng có bò rồi nhà sư lại phải lo chăn bò nên không có thời gian dạy dỗ những đứa trẻ. Người ta lại mang tặng ông một người đàn bà để chăm lo cho sức khỏe cũng như con bò của ông. Khi có người đàn bà rồi, ông ta đã quen hưởng lạc mà quên đi sứ mệnh ban đầu của mình.

Tôi nghĩ có khi tôi cũng giống nhà sư nọ thôi. Sự ràng buộc về vật chất, sự cám dỗ của nhiều thú vui khiến cho tôi sẽ mãi mãi sống cùng những toan tính vụn vặt mà quên mất những điều cao cả. Khi bản thân có càng nhiều thứ để mất (về vật chất và tình cảm) thì những điều to tát càng trở nên sáo rỗng vô bờ.

Nhưng nói thế nào nhỉ? Tôi có yêu cái nơi tôi sinh ra không? Khi buổi chợ sớm họp từ 4h sáng, tôi thương mấy người đứng cò kè dăm ba xu, cọng hành, mớ rau vô cùng. Thương thật, chứ không phải thương bằng lời. Những mùa hè khi tôi ở cùng bà tôi, tối nào cũng cọng rơm buộc mớ rau cùi cụi hết một thúng đi chợ đêm đổi lấy năm nghìn bạc. Con người kia xa lạ với tôi – mà cùng chung một thân phận như tôi. Nhưng phải kể thế nào nhỉ? Khi chiều tối, mùi hương từ cánh đồng màu đưa lên sực nức và ngai ngái đến lợm cổ. Mùi cỏ chát và cảm giác xước xát dưới chân. Tôi nghe ca dao từ chiếc Radio cũ kỹ của ông tôi, những con đom đóm đột ngột bay vụt lên sau đống củi. Và ghi lại bằng lời như thế nào đây? Một buổi tối lạc lõng giữa phố phường thủ đô, tôi trở về nhà – ánh đèn vàng của thị xã nhỏ ướt rượt mưa, nằm im phả hơi thở nóng bừng từ mặt đường còn dính lá khô như thể hơi thở của một đứa bé lên cơn sốt nhẹ, đôi mắt long lanh, hai má đỏ bừng, còn đôi môi lại khô khốc. Tôi cảm thấy những điều bé nhỏ ấy thôi cứ níu giữ tôi lại nơi này. Những câu chuyện cổ tích – mái tóc bà tôi thưa dần như ai đang cạo bớt từng mảng đầu. Mái tóc tuổi 20 đỏ hoe, khô xác vì nắng của tôi mà mỗi lần cầm kéo lại tiếc đứt ruột – nhớ có ngày bà tôi dặn đến khi già rồi sẽ tiếc một mái tóc dài, trẻ đừng có để tóc ngắn. Có lẽ, tôi thuộc lớp người lửng lơ. Lửng lơ giữa những cái cổ hủ và lửng lơ giữa những cái đương thời.

Tôi không ưa các lý luận chính trị mà các vị nào đó đưa ra rằng phải theo phe này hay phái nọ thì đời sống dân ta đã tốt lên nhiều. Tốt lên ư? Tôi không tin rằng có phe phái nào thực sự thương cảm cho những số phận của tiểu nông như chúng tôi. Những cái người mà bản chất thì tủn mủn, tổ chức kỷ luật thì yếu kém, chỉ trào lên khi phẫn uất lâu ngày tựa như con giun bị xéo dữ dội quằn quại, rồi lại thôi. Chỉ cần xoa dịu một chút bằng mẩu bánh thừa ném bên vệ đường là cái tính gian gian, tham tham của cá nhân nổi lên và chấm dứt. Sẽ chẳng bao giờ có sự thay đổi nào thuộc về các phe phái cả. Tôi chỉ tin vào chủ nghĩa dân tộc. Dân tộc nào lo cho dân tộc ấy. Người Mĩ sống theo cách Mĩ, lo cho người Mĩ. Người Việt đang loay hoay không biết tìm lại nguồn cội chỗ nào và dựa dẫm vào ai. Nhưng chỉ có chúng ta với nhau thôi. Chỉ có 100 cái trứng của cùng một mẹ thì mới thương nhau như máu mủ và xót nhau như xót chính mình. Nhưng làm thế nào để những người nông dân như chúng tôi vượt lên chính mình và hình thành cái gọi là “đất nước của nhân dân, đất nước từ huyền thoại”?

Cá nhân thì phải sống vì tập thể. Tập thể thì bảo vệ cho cá nhân, cũng như đòi hỏi sự hy sinh của cá nhân ấy. Thế nhưng, tập thể nào cũng chỉ có thể đi lên nhờ vào một vài cá nhân xuất chúng đứng đầu. Mọi sự tiến bộ vượt bậc đều do các cá nhân có đôi phần “dị thường” đưa lại. Ý tôi là cái dị thường của họ là cái nhận thức trên tầm của những kẻ tiểu nông chúng tôi. Nhưng sẽ có ai là người bảo trợ cho chúng tôi đây?

1kg lá trà dược liệu được cấp tiêu chuẩn VietGap có giá khoảng 260k, nếu không có cái chữ VietGap ấy trên bao bì thì chỉ bán được với giá 20k/1kg. Nhưng làm sao người nông dân tự mình nâng giá sản phẩm lên ngần ấy lần được đây? Ai là người bỏ 100 ngàn USD ra mua cái quy trình công nghệ ấy? Ai là người hướng dẫn nông dân thực hiện cái mà 1 từ VietGap ấy yêu cầu? Sẽ là ai đây khi nông dân thì không biết VietGap là gì và chẳng người nào có 100 ngàn USD làm nông dân cả? Tôi là dân quê, mơ ước của tôi cũng chỉ vỏn vẹn rằng sẽ có vài chục triệu VND để về quê làm một cái gì đó trên đất quê. Nhưng tôi thậm chí còn thảm hại hơn cả những người trồng rau, trồng cỏ. Tôi là dân quê mà không có đất cày. Thế là dở dở ương ương mất rồi, muốn làm nông dân lại không có đất. Vả chăng tôi cũng chẳng có gì để thế chấp, để bảo đảm cho những dự tính của tôi. Vả chăng, cũng chẳng có mối quan hệ nào đủ mật thiết, đủ giàu có để giúp đỡ cho ước mơ vụn vặt của tôi.

Mẹ tôi bảo nếu con muốn điều gì thì hãy tự cố gắng mà đạt được nó. Cuộc đời là vậy, chúng tôi cứ cố gắng chắt bóp mãi những năm xu ba hào mà không thể nào tự lớn lên được. Tôi và những người như tôi nữa, cũng yêu mến lắm thay cái đất nước giàu đủ thứ và nghèo vạn vật này. Bởi cái sự yêu mến đó lỡ nằm trong một phần rau rốn được để lại thành đất mất rồi. Nhưng càng nhiều sự hấp dẫn tí hin, càng làm chúng tôi sợ đánh mất sự bình ổn nhạt toẹt của cuộc đời bé tí hin. Chúng tôi cũng phải sống như thế, quay cuồng vì những điều tẻo teo và không hiểu nổi những điều cao đẹp nữa.”

Tin bài liên quan:

VNTB- Quan chức muốn bán hàng rong hay đi trộm chó?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cái đầu thẳng và chính sách nghiêng hay ngược lại?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thảm sát Yên Bái: Hả hê công khai thì khốn nạn hay sự giả nhân thì bớt khốn nạn hơn?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo