Út Sài Gòn
(VNTB) – Mấy anh dân phòng ‘bắt trộm’ là hai đứa trẻ, đẩy bọn chúng vào căn phòng của trường Nguyễn Văn Tố, rồi… đánh đấm tụi nhỏ như công an đánh tù!
Nói về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, tại Điều 4 Luật báo chí 2016 quy định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.
Có thể nói, bên cạnh những tin tức mang tính chất không gì mấy hấp dẫn, cũng như những tin khó có thể xuất hiện trên trang báo (báo giấy, báo điện tử, báo hình), thì báo chí ở Việt Nam cùng với các trang thông tin điện tử, theo Út tui nhận thấy, đưa tin cũng nhanh, nhạy, kịp thời, mang tính chất phản biện cũng tốt.
Có những vấn đề báo chí rất bền bỉ, chịu khó trong việc khai thác như vụ gọi hàng rong Sài Gòn là sống ký sinh của đài VTV; vụ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh diều; vụ pate Minh Chay gây ngộ độc cho nhiều người; vụ thuế và ngân hàng.… Tuy nhiên, dường như, do tình hình xã hội Việt Nam mỗi ngày có quá nhiều tin tức, rồi có lẽ vì lý do khách quan nào đó, nên có một số vụ việc dần dần chìm vào quên lãng.
Cảm giác một điều, vụ lùm xùm ở trường Nguyễn Văn Tố quận 10 lại nằm trong số đó khi báo chí đang dần… im hơi lặng tiếng.
– Làm gì mà có vẻ không được vui vậy anh Tám? Không thấy anh đọc báo giống mọi lần nữa hen…
– Tui đang cảm thấy chán anh Út ạ.
– Bộ nay bị “mất sổ gạo” hay sao mà chán vậy anh?
– Anh này đùa hoài. Tui đang cảm thấy buồn vì có những vụ việc, rõ ràng là sai vậy đó, mà kết quả lại không tương xứng.
– Là sao? Anh nói gì tui không rõ?
– Như anh thấy đó, báo chí ở nước mình, ngày nào cũng đầy rẫy những tin tức, thượng vàng hạ cám, có cả. Có những tin nóng, gây rúng động cho biết bao nhiêu người, dư luận trái chiều tùm lum. Nhưng rồi kết quả thì sao? Cũng im im rồi rơi vào lãng quên. Nếu có ấm ức thì cũng chỉ là ở “nạn nhân” mà thôi.
Cứ như vụ hàng rong sống ký sinh đó, cũng làm lùm xùm lên, rồi phát thanh viên – biên tập viên cũng làm “Lê Lai cứu chúa”, ông Trần Bình Minh cũng xuống ghế rồi, mà lời xin lỗi từ phía trưởng đài, chịu trách nhiệm cao nhất vẫn không thấy.
Hay như vụ pate Minh Chay, cũng không rõ có bồi thường hay không? Vụ sách giáo khoa có tiếp tục dạy hay không?
Rồi mới đây nhất, vụ dân phòng quận 10 đánh trẻ em, báo chí cũng tích cực vào cuộc. Giờ thì giãn ra, cũng chẳng thấy có gì mới luôn. Không biết như thế nào?
– Anh cũng nên thông cảm, một ngày có biết bao nhiêu là vấn đề. Nhất là với những vấn đề nhạy cảm, nó có nhiều cái khó nói trong việc khai thác thì sao?
– Thì cũng biết là vậy. Nhưng chí ít cũng phải cho người ta biết là cái chuyện làm trái với pháp luật đó đang như thế nào? Và sẽ ra sao?
Mà tui nói thiệt với anh Út nhen, ví dụ như đứa trẻ đó có hư đi chăng nữa, đã bắt được nó rồi, xung quanh có một đống người như vậy, thì sợ gì nó phản kháng mà phải “động tay động chân” như thế? Nên nhớ một điều, khi lời nói bất lực mới phải dùng hành động. Với những người giỏi về nghiệp vụ, chẳng cần phải động thủ vẫn khai thác được. Khoác màu áo dân phòng, động thủ như thế, chẳng khác nào đang bôi xấu hình ảnh dân phòng.
– Anh nói đúng, theo tui, cần phải nghiêm trị, không thể để “một con sâu làm rầu nồi canh” được.
– Mà tui hỏi thiệt nhe, theo anh, liệu rằng, vụ hành động của anh dân phòng quận 10 cũng như hành vi để im cho ảnh “động tay động chân” với trẻ em của ông hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Tố sẽ… đi về đâu?
Có thể nói, với câu hỏi của anh Tám trong xóm nhiều chuyện này, Út tui cũng không thể nào đưa ra câu trả lời cho chính xác được. Cũng đúng thôi, mình đâu có quyền hạn gì trong vấn đề này.
Đáp án vẫn còn là một ẩn số. Và cái ẩn số đó sẽ như thế nào, có lẽ, phụ thuộc nhiều vào quyết định có khởi tố hành vi của cái anh dân phòng quận 10 đó hay không?
Liệu rằng, câu trả lời cuối cho vấn đề này, sẽ là “vuốt mặt nể mũi” hay “luật pháp bất vị thân”?