VNTB – Cam An Ngãi Tân Kỳ Nghệ An, quà tết cho mọi người

VNTB – Cam An Ngãi Tân Kỳ Nghệ An, quà tết cho mọi người

Phạm Viết Đào

 

(VNTB) – Vị NGỌT của đất trời vùng đất này chỉ khi các vị nếm CAM AN NGÃI mới nhận ra…

 

Tôi quen một nhà văn, cố đại tá Dương Duy Ngữ, ông có một cái tài, đúng hơn ông là một cuốn “từ điển sống”, một cuốn “bách khoa thư mở” về các loại “kỳ hoa, dị thảo“. Tôi đã nhiều lần khoanh tay ngồi nghe ông nói về một loài hoa, một loài cây suốt gần hết buổi sáng. Đầu tiên là nghe ông mô tả về vẻ “kỳ hoa, dị thảo“ của loại cây hoa đó; nó sinh sống nhiều nhất ở vùng miền nào, sau đó ông kể về đặc tính sinh học, cách chăm sóc, chăm bón nó và cuối cùng ông kể về các huyền tích liên quan tới “kì hoa, dị thảo” đó…

Ông xuất thân là lính cao xạ, ông say sưa kể trận địa pháo của ông thời chiến tranh đóng chốt trên một ngọn đồi ở miền tây bắc ở đó rất nhiều hoa mẫu đơn mọc và vùng đất rất thích hợp cho loại hoa mẫu đơn; Phải sau này vào Huế tôi mới cảm nhận được vẻ đẹp của loài hoa này như lời kể của nhà văn Dương Duy Ngữ. Nhà tôi gần chợ Bưởi, đủ các loại cây hoa nhưng nếu muốn thấy vẻ đẹp rực rỡ linh thiêng của loài hoa này thì phải lên vùng Tây Bắc, nơi nhà văn Dương Duy Ngữ từng đem trồng và chăm sóc xung quanh các công sự pháo, hoặc vào Huế khi thăm các đền đài lăng tẩm ở đây trồng nhiều hoa mẫu đơn…

Chẳng hạn như hoa phượng vĩ mọc khắp từ Cao Bằng, Lạng Sơn tới Huế, nhưng vẻ đẹp đỏ, thắm, tươi, rực nắng của loài hoa này thì phải đến thành phố Hải Phòng; Tôi đã nghiệm ra điều này trong một lần xuống Hải Phòng công tác gần một tháng và lúc quay về tới Hải Dương thì phượng vĩ ở Hải Dương đã phai nhạt đi rất nhiều màu sắc ấn tượng của phượng vĩ Hải Phòng…

Chuyện nàng Ban, một chuyện tình éo le gắn với hoa ban miền Tây Bắc nghe rất mùi mẫn qua lời kể của Dương Duy Ngữ. Hay như loài hoa mộc miên (hoa gạo) của vùng Hà Giang. Đất trời đã trao cho miền biên viễn này 2 loại hoa mà không vùng nào dù có nhưng không thể gây ấn tượng bằng Hà Giang đó là hoa mộc miên, hoa tam giác mạch.

Trước chiến tranh với Tàu, dọc quốc lộ 2 từ Vĩnh Tuy lên tới Thanh Thủy hai bên đường độ trên 100 km cứ một vài ba trăm mét được trồng một cây hoa mộc miên (hoa gạo), đến nay đã gần trăm năm; những cây hoa gạo này gắn với tuổi đời của quốc lộ 2 được xây dựng từ năm 1920; sau cách mạng tháng Mười Nga…

Sở dĩ con đường quốc lộ 1 chạy dọc theo chiều dài đất nước được Pháp mở đầu tiên, Quốc lộ 2 được đặt tên cho con đường chạy lên Hà Giang là do thực dân Pháp lo sợ ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, sẽ thôi thúc tinh thần phản kháng trong dân nghèo, do đó người Pháp phải tính chuyện mở đường phát triển kinh tế xã hội để tránh nổ ra cách mạng vô sản, bị Lê Nin xúi giục.

Khi xây dựng con đường này có 2, huyền tích liên quan tới viên kiến trúc sư trưởng trông coi về kỹ thuật con đường này, hình như ông ta là người Ý…Khi làm con đường này qua đoạn Km 19, kể từ chiều Hà Giang – Hà Nội, đường phải xây dựng một cái cầu qua con sông Má có chiều rộng hơn 100 m. Các kỹ sư Pháp đã tìm mọi cách để xây cầu qua đoạn sông này nhưng xây sắp xong thì sập; cứ thế mãi không giải quyết được về mặt kỹ thuật…

Trong một đêm vợ chồng vị kiến trúc sư này cùng mơ thấy 2 cô gái về báo mộng: muốn xây được cầu bắc qua sông Má thì phải xây dựng cho 2 cô một điện thờ…Tỉnh giấc, hai vợ chồng kể cho nhau về giấc mơ trùng lặp, cuối cùng họ quyết định lấy kinh phí xây cầu đường lên xây dựng nên ngôi Đền Đôi Cô, nằm cạnh cầu Má, ở km 19…Xây xong đền mới bắc được chiếc cầu này…

Sở dĩ 2 cô gái này trở nên linh thiêng vì họ đã nhảy xuống sông Má tự vẫn vì một mối oan tình, do quan phủ tỉnh Hà Dương buộc 2 cô gái xinh đẹp của một gia đình người dân tộc làm vợ lẽ, nếu không chấp nhận sẽ giết cả nhà. Hai cô gái đành chấp nhận rồi sau đó nhảy xuống sông Má quyên sinh và xác trôi về chỗ cửa sông nối với sông Lô, đoạn Km 19. Hàng năm nhất là những năm nhuận, nước sông Má thường lên cao và thường có những vụ chết đuối của cư dân sống dọc theo bên bờ sông Má. Những năm nhuận đoạn đường ở Km 19 Hà Giang-Hà Nội thường hay xảy ra tại nạn xe cộ. Cuối những năm 90 khi nhà nước cho xây dựng lại cầu bắc qua sông Má trên Quốc lộ 2, khi cầu sắp khánh thành thì 2 thợ cầu bị tai nạn rơi xuống sông chết….

Huyền tích liên quan đến kiến trúc sư trưởng người Ý liên quan tới loài hoa Mộc Miên (hoa gạo) của Hà Giang, mang một vẻ đẹp phồn thực, rực sáng đất trời như vẻ đẹp của các cô gái miền sơn cước Hà Giang; Đất nước có 2 vùng nơi các cô gái có vẻ đẹp phồn thực như trong các tranh vẽ Đức mẹ Đồng trinh thời Phục Hưng: đó là Hà Giang và Cao Bằng…Con đường Quốc lộ 2 được trồng loại hoa này cũng chính tác giả là ông Kiến trúc sư người Ý. Theo lời kể của những bậc cao niên ở đây thì: ông bị bệnh trĩ, một thầy lang người dân tộc ở vùng này mách cho ông dùng vỏ cây mộc miên cùng một vài thứ thuốc lá đã giúp ông khỏi bệnh. Để ghi ơn cứu mạng này, ông cho trồng hai ven đường đoạn từ Vĩnh Tuy lên tới cửa khẩu Thanh Thủy loại cây mộc miên này…

Loại cây này dọc đường Quốc lộ 2 bây giờ không còn bóng dáng vì trong cuộc chiến tranh chống Tàu xâm lược 1979-1990, những cây hoa mộc miên có tuổi đời gần trăm năm đã bị đốn hạ để làm quan tài chôn các liệt sĩ đã ky sinh trong cuộc chiến này; Quốc lộ 2 có bao nhiêu cây mộc miên thì bấy nhiêu quan tài đã được xẻ làm “áo quan” cho các liệt sĩ. Nhà thơ Ngọc Bái đã có bài thơ rất cảm động viết về việc xẽ gỗ rừng mộc miên để làm quan tài chôn lính chống Trung Quốc xâm lược. Cây hoa mộc miên to, thẳng, thịt mềm dễ xẻ nên đã được trưng dụng…. Nhiều chuyện về “kỳ hoa dị thảo” tôi được nghe qua lời kể của nhà văn Dương Duy Ngữ, do đó khi ông mất đã làm cho tôi hụt hẫng một góc kiến thức. Tôi không có kiến thức về các loài hoa như nhà văn Dương Duy Ngữ nhưng cơ địa của tôi có một khả năng đặc biệt khi đụng đến quả. Tôi có thể không ăn thịt cá cả tuần thậm chí ăn rất ít nhưng hoa quả thì không ngày nào không ăn, không thể không ăn…Có điều hoa quả bây giờ sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật bằng nhiều thủ đoạn nên mỗi khi ăn phải hoa quả còn tàn dư của thuốc thực vật là cơ địa của tôi phản ứng ngay. Nếu như nhà thơ Dường Duy Ngữ có một trí nhớ, trí tuệ phi thường về các loại “kỳ hoa, dị thảo” thì cơ địa của tôi mỗi khi ăn phải hoa quả có sử dụng hóa chất thì y như rằng tối hôm đó bị đi tiểu nhiều hơn bình thường, cả về số lượng lẫn lần đi…Hôm nào phải đi4-5 lần là y như ngày hôm trước ăn phải quả gì đó có hóa chất chưa tẩy hết…

Tôi thường quen và thích ăn mấy loại quả: Mít tôi thường ăn mít mật, mít bở vì loại này ít sử dụng chất bảo quản còn mít dai thì hay bị; Tôi thích ăn sầu riêng nhưng loại này hay bị vì nghi bị tẩm; Hồng là loại trước đây tôi hay ăn nhưng mấy năm lại đây bắt đầu có dấu hiệu sử dụng hóa chất; Ăn chuối cùng thỉnh thoảng bị; chỉ ăn na là an toàn vì loài này ít bị dấm…Đại lọai là thế…Tôi gắn bó với quả CAM AN NGÃI có thể do cơ địa, do tình cảm với quê hay vì cái gì đó chí biết rằng tới mùa CAM AN NGÃI tự nhiên thấy ăn ngon, ngủ say…

CAM AN NGÃI là loại cam được trồng trên đất của Nông trường An Ngãi xưa; Sở dĩ có cái tên AN-NGÃI vì trong thời kỳ chiến tranh, tỉnh Nghệ An kết nghĩa với tỉnh Quảng Ngãi nên mới có tên Nông trường An Ngãi…Tân Kỳ có nhiều loại hoa quả, cam nhiều xã trồng được và Tân Kỳ cùng Nghĩa Đàn vẫn được coi là VỰA CAM VINH; Cam Vinh xuất phát từ vùng này mặc dù mang tên thành phố Vinh…

Ở Tân Kỳ riêng vùng đất của Nông trường An Ngãi khi xưa có loại cam đặc biệt ngọt sắc. Nông trường này nằm trong thung lũng giữa sông Hiếu và dãy núi đá có tên là Kỳ Sơn. Sở dĩ có tên Kỳ Sơn thì theo truyền thuyết một đàn phượng hoàng 100 con bay về Tân Kỳ, đậu trên đỉnh núi đá, nhưng chỉ có 99 đỉnh thành ra cả đàn lại bay ra mạn Ninh Bình chọn đất kinh đô cho Đại Cồ Việt…

CAM AN NGÃI ngọt sắc một mặt có lẽ do thổ nhưỡng phù sa bồi đắp của sông Hiếu, một nhánh của sông Lam; mặt khác được hấp thu khí trời của dãy núi đá Kỳ Sơn, được coi là như một thứ TỦ LẠNH của đất trời. Ban ngày những lèn đá hấp thu khí nóng của mùa hè và khí lạnh của mùa đông nên đêm đến nó tiếp tục phả ra, tỏa nhiệt cả độ nóng trong mùa hè lẫn tỏa sự băng giá của đất trời trong mùa đông…Do vậy nên cái NÓNG và cái LẠNH ở Tân Kỳ ngấm sâu hơn, dai dẳng hơn các vùng khác. Phải chăng do vùng Tân Kỳ có sự đậm sâu hơn vùng khác về khí chất của trời đất do các yếu tổ địa chất, địa mạo, địa tầng đã viết trên…

Thổ nhưỡng, khí thiêng trời đất đã tạo nên từ sự cay đắng ngọt ngào cho cây cỏ, hoa trái và cuộc sống của vùng đất Tân Kỳ; Vị NGỌT của đất trời vùng đất này chỉ khi các vị nếm CAM AN NGÃI mới nhận ra…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)