Quang Nhựt
(VNTB) – Người mù mưu sinh hè phố thường chọn loa kéo để qua giai điệu âm nhạc thu hút khách qua đường dừng lại mua hàng.
Tựa như một thói quen, hễ mỗi khi rảnh rỗi, sau giờ học/ giờ làm căng thẳng, có không ít người Việt chọn giải trí bằng hát karaoke tại nhà, nhất là mùa dịch Covid-19 dai dẳng khiến các tụ điểm dịch vụ karaoke phải tạm đóng cửa.
Không như thời trước, nhắc đến hát karaoke là nghĩ đến vào quán để hát hoặc ai đam mê, có kinh phí, sẽ đầu tư cho nhà mình một truyền hình, một đầu đĩa karaoke (dĩ nhiên là có đĩa sẵn), một chiếc mic và sau đó là ở nhà… ngân nga…
Xã hội phát triển, ra đời nhằm mục đích phục vụ đời sống giải trí của người dân thêm tiện ích hơn, giờ đây, karaoke đã có thể hát ở bất kỳ đâu. Chỉ cần một loa kéo (hầu hết đều xuất xứ Trung Quốc), kết nối bluetooth, điện thoại thông minh có kết nối 3G/4G là cho dù bạn đang ở trong… phòng vệ sinh… hay bụi chuối cũng có thể “thỏa mãn” đam mê ca hát.
Sẽ không có gì để nói, để bàn luận, nếu như hát karaoke ở một mức độ âm lượng vừa phải, hoặc biết đâu là khoảng thời gian dừng để hàng xóm nghỉ ngơi. Đằng này, một số trường hợp lại bất chấp tất cả…
“Điều này dễ dàng bắt gặp ở các vùng quê, cũng không trách người dân. Lao động mệt mỏi, giải trí cũng là lẽ đương nhiên, nhưng cũng phải nghĩ cho người khác. Nghĩ sao bốn phương tám hướng đều hát ầm ầm, mỗi hướng mỗi bài khác nhau. Có người phải đem công việc về nhà làm mới kịp, hát kiểu đó làm sao mà làm? Đó là chưa kể, ở quê, việc ngủ sớm là chuyện bình thường, đằng này hát hò kiểu gì tới 10 rồi 11 giờ đêm, sao mà ngủ được?”, ông Sơn, một người dân sinh sống miệt Bến Cát, Bình Dương bức xúc.
Việc hát karaoke, hoặc mở nhạc lớn quay loa ra đường là gây nhiều phiền phức, nhức đầu không chỉ cho hàng xóm, láng giềng mà còn ảnh hưởng ít nhiều đến người đi đường, đó là chưa kể còn ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, để tiến tới cấm hoàn toàn loa kéo, cần phải có cái nhìn đa chiều hơn với một số ngoại lệ cần thiết.
Đó là câu chuyện của dễ dàng bắt gặp trên nhiều ngả đường hình ảnh của những người mù mưu sinh.
Không như những người dân khác, chủ yếu họ dùng lời ca tiếng hát để bán vé số, bán tăm, bán bông tăm, bán singum, bán bấm móng tay – móng chân…, và dụng cụ không thể thiếu của họ chính là chiếc loa kéo phát nhạc nền, cùng một cái micro.
Nói về vấn đề trên, ông Long, một người dân sinh sống ở đường Diên Hồng – chợ Bà Chiểu, Sài Gòn lập luận: “Đúng là thực tế hát karaoke bằng loa kéo gây nhiều phiền hà đến đời sống người dân, thậm chí, theo thông tin mình đọc được từ một số từ báo, có xảy ra án mạng cũng từ mấy cái vụ hát hò này. Nhưng nếu cấm luôn thì cũng tội nghiệp cho một số người. Đặc biệt là với những người khiếm thị, khuyết tật. Nói cho đúng ra, họ cũng đâu phải là tác nhân gây ra phiền hà đâu. Nếu vì các thành phần không ý thức trong ca hát mà triệt luôn chén cơm của họ, chẳng phải quá tội cho họ hay sao?
Cấm thì không khó, quản lý được mới khó. Quyết định của chính quyền sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân. Mình tin chính quyền thành phố sẽ có biện pháp giải quyết tiện cả đôi đường về vấn đề này”.
Tương truyền, lúc còn sanh tiền, Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là người luôn nghĩ đến những người nghèo khổ. Nếu không có biện pháp nào giúp đỡ những người mù mưu sinh thì việc cấm loa kéo, phải chăng đang làm khó những người nghèo khổ hay sao? Ở đây, không chỉ nghèo, chỉ khổ mà còn là với người bị khiếm khuyết một phần cơ thể…