Phạm Bá Hoa
(VNTB) – Các camera giám sát có khả năng được sử dụng như “con ngựa thành Troy” để gây rối loạn cho các hệ thống internet và xâm nhập vào các máy tính, từ đó sẽ gây ra tình trạng bất ổn dân sự”
“Camera giám sát” (mắt thần) của Trung Cộng mà những gia đình Việt Nam sử dụng trong nhà, hệ lụy như thế nào?
Cô Thảo Minh -nhân viên văn phòng tại thành phố Huế- lắp đặt camera giám sát trong nhà sau khi sinh con đầu lòng. Vợ chồng cô không biết hình ảnh và âm thanh gia đình mình có thể bị người khác theo dõi từ một nơi rất xa. Thương hiệu camera mà gia đình cô sử dụng là Yoosee do Trung Cộng sản xuất. Thảo Minh (không phải tên thật), chia sẻ khi được hỏi về sử dụng camera mà cô đang dùng:
“Từ khi lắp đến giờ, tôi chưa bao giờ tắt camera giám sát này. Tôi có ghi danh vào gói “lưu trữ đám mây” (cloud) hằng tháng của hãng, với giá vừa phải mà dễ sử dụng. Nếu không ghi danh, tôi chỉ có thể theo dõi con mình trong lúc camera thu hình, nhưng sau đó không thể xem lại nếu muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Thật ra thì tôi không biết những rủi ro bị lộ những hình ảnh và âm thanh trong gia đình, trước khi phóng viên đài BBC phỏng vấn. Tôi cũng chưa từng nghĩ đến chuyện cập nhật phần mềm hay quan tâm việc bảo mật khi sử dụng camera”.
“Vợ chồng tôi mua camera an ninh này từ cơ sở thương mại điện tử online tại Việt Nam. Mua về, vợ chồng tôi tự lắp ráp, mục đích là để theo dõi em bé bằng điện thoại di động, với ứng dụng của hãng sản xuất camera, thấy tiện thì sử dụng chớ không nghĩ tới việc kho lưu trữ các thước phim đó bị ai ăn cắp. Từ lúc bắt đầu sử dụng camera đến nay, gia đình tôi chưa bao giờ tắt camera, vì thấy không có gì cần tắt”.
Anh Hoàng Nhật -chuyên viên lắp ráp camera an ninh tại thành phố Huế- chia sẻ:
“Hầu như mọi khách hàng mà tôi tiếp xúc, đều có suy nghĩ như cô Thảo Minh. Tôi chưa gặp ai hỏi chi tiết về lưu trữ cả. Khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả, phẩm chất hình ảnh, và mức độ tiện lợi khi theo dõi những gì cần thiết. Số lượng camera của Nhật Bản, của Đại Hàn, mà tôi bán được từ trước tới nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì giá camera Trung Cộng rất thấp so với camera của Nhật Bản và Đại Hàn”.
”Vì vậy mà camera giám sát tại Việt Nam nhập cảng từ Trung Cộng chiếm khoảng 90%, trong tổng số camera do nhà nước cũng như gia đình người dân sử dụng. Nhưng, camera của Trung Cộng cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, trong đó có một số dòng sản phẩm kết nối với máy chánh đặt tại Trung Cộng. Đó là tài liệu được nêu ra trong cuộc tọa đàm hồi tháng 5/2024 “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng căn bản cho camera giám sát”, do Cục An Toàn Thông Tin thuộc Bộ Thông Tin & Truyền Thông Việt Nam phối hợp cùng báo Vietnamnet tổ chức. Theo Vietnamnet, hai công ty của Trung Cộng là Dahua, và HikVision cùng các công ty con của họ, chiếm gần hết thị trường camera tại Việt Nam”.
Theo thống kê của Tổng Cục Quan Thuế, thị trường Việt Nam hiện sử dụng từ 10 đến 15 triệu camera giám sát đang hoạt động, cho thấy sự bùng nổ của khuynh hướng sử dụng camera giám sát trong đời sống.
Trong khi tài liệu thị trường Metric cho biết: “Từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, các camera giám sát do các công ty Trung Cộng sản xuất, như: Imou, Ezviz, Yoosee, Fnkvision, và Tp-link, trong nhóm được bán chạy nhất trên các trang thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong số đó, cửa hàng “Camera gia đình 88″ có doanh thu cao nhất. Khi đài BBC vào trang web của cửa hàng này, ba sản phẩm bán chạy nhất là thương hiệu camera Imou của công ty Dahua, với giá từ khoảng 450.000 đồng tới 900.000 đồng”.
Truyền thông nhà nước cho biết: “Camera không chỉ xuất hiện trong các gia đình, mà các cơ quan chánh phủ cũng như các thành phố sử dụng rất nhiều, với mục đích giám sát giao thông cũng như trật tự xã hội. Không riêng gì Việt Nam, Trung Quốc cũng thống lĩnh thị trường camera giám sát tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các công ty Trung Quốc như: Hikvision, Megvii, Dahua, có thể không phải là những cái tên quen thuộc với nhiều người, nhưng sản phẩm của họ có thể được lắp đặt trên đường phố cũng như trong các gia đình tại nhiều nơi”.
Sử dụng camera giám sát trong gia đình, hại nhiều hơn lợi.
Các chuyên gia cảnh báo rằng: “Việc lưu trữ tin tức cá nhân nhạy cảm trong camera giám sát mà không giữ bí mật, sẽ gặp nhiều rủi ro bị lộ hình ảnh, âm thanh, và tin tức trong gia đình. Tại Việt Nam, những rủi ro đó lại là chuyện bình thường, dù báo chí trong nước cũng nhiều lần cảnh báo về thực trạng này, chỉ vì người sử dụng không hiểu “âm mưu thâm độc của Trung Cộng. Một khảo sát tại Việt Nam hồi năm 2020, cho thấy có đến 70% camera không cập nhật mật khẩu hoặc mật khẩu yếu, nên thường bị tấn công mà không biết….”
“Trường hợp nữ ca sĩ Văn Mai Hương, đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài. Chuyện là cuối năm 2019, camera an ninh tại nhà riêng của nữ ca sĩ bị xâm nhập. Hệ lụy sau đó là những clip riêng tư và hình ảnh nhạy cảm của cô bị truyền đi trên hệ thống internet, và những tài liệu này đã được camera thu hình từ năm 2015. Báo chí Việt Nam giải thích, camera an ninh mà Văn Mai Hương sử dụng là loại camera IP, chỉ cần có wifi là dùng được. Tài liệu hình ảnh từ camera này sẽ được truyền và lưu trữ tại máy chủ của hãng camera bên Trung Cộng. Khi tin tặc lấy được tin tức của camera, chúng sẽ xâm nhập được vào máy chủ và lấy cắp những tài liệu này”. .
Tạp chí điện tử Tri Thức (news.vn) khẳng định: “Phần lớn tài liệu mà camera tại Việt Nam thu vào, đều vòng qua Trung Cộng”.
Tháng 5/2024, báo Thanh Niên có bài viết: “Camera giám sát được xem là nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ những tin tức hình ảnh đều chuyển về Trung Quốc“.
Trong khi báo Đầu Tư cho biết: “Thị phần camera gia đình chiếm đến 60%, và doanh thu chiếm 48%”.
Đài BBC giả định: “Nếu Trung Quốc nắm được một lượng lớn tài liệu và hình ảnh từ camera an ninh ở Việt Nam -cả trong gia đình lẫn nơi công cộng- khi trò chuyện với các chuyên gia về việc các công ty hay chánh phủ Trung Quốc sử dụng vào mục đích gì?
Joe Anh Nguyễn -nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trường Đại Học Oregon State- khẳng định: “Việc sử dụng những thước phim thu từ các camera giám sát để huấn luyện cho AI, là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Ngành kỹ nghệ máy tính sẽ phân tách hình ảnh hay thị giác máy tính (computer vision) đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Cộng và Hoa Kỳ …”.
Nguyễn Anh Vũ -nhà khoa học của một công ty kỹ nghệ tài chánh tại Việt Nam- trả lời đài BBC: “Một thước phim về đời sống trong gia đình Việt Nam thì không có giá trị bao nhiêu, nhưng hàng trăm ngàn thước phim như vậy là một vấn đề. Nguồn tài liệu lớn đã quý, nhưng kho tài liệu được phân loại và “dán nhãn” (labelled) càng quý hơn nhiều. “Dán nhãn”, là khi từng vật thể chuyển động trong các thước phim đều được dán nhãn mô tả, chẳng hạn như đó là gì, có màu sắc nào, hình thù ra sao, tần suất xuất hiện”.
“Một phóng sự năm 2018 của New York Times cho thấy, Trung Cộng có một lực lượng lao động đông đảo chuyên về “dán nhãn” các hình ảnh, các thước phim để phục vụ cho AI, cũng như hệ thống giám sát công dân nước này. Với khối lượng tài liệu khổng lồ như vậy, người ta có thể nghĩ ra được rất nhiều mục đích sử dụng. Chẳng hạn, nếu các công ty hay chánh phủ Trung Cộng tiếp nhận những tài liệu đó, họ sẽ biết các mặt hàng nào được người Việt Nam ưa chuộng, thiết kế các mặt hàng đó như thế nào,… để tập trung xuất cảng những loại hàng hóa như vậy đến Việt Nam …”.
Bà Anh Thư -chuyên nghiên cứu về bang giao quốc tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đề cập đến vấn đề an ninh quốc gia, bà nói: “Chánh phủ các nước có thể gặp phải nguy cơ mất an ninh quốc gia, nếu hệ thống camera giám sát không đáp ứng được những tiêu chuẩn. Đặc biệt, các camera giám sát được lắp đặt ở những khu vực nhạy cảm như tòa nhà chánh phủ và căn cứ quân sự, có thể làm lộ bí mật nhà nước và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội”.
Tổ chức Radio Free Europe/Radio Liberty (RFE/RL) -một tổ chức truyền thông quốc tế do Hoa Kỳ tài trợ- hồi đầu tháng 5/2024 cho biết: “Camera của Dahua và Hikvision (Trung Cộng), đang sử dụng tại các địa điểm nhạy cảm ở Đông Âu, bao gồm một căn cứ quân sự ở Romania và trụ sở Cảnh Sát Đặc Biệt ở Hungary, phần lớn tài liệu và hình ảnh thu được đều chuyển về “máy chủ” ở Trung Cộng”.
Đài BBC từng thử nghiệm bằng cách mua camera giám sát Hikvision của Trung Cộng, lắp đặt ngay trong văn phòng của đài này hồi năm 2023, kết quả là: “Tin tặc đã thành công và có thể xem được chuyện gì đang xảy ra tại văn phòng, thậm chí biết được cả mật khẩu của các nhân viên khi họ nhập vào”.
Trong khoảng thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 1/2022, nhóm vận động về quyền riêng tư Big Brother Watch, nhận được 806 phản hồi từ các cơ quan công quyền trên khắp Vương Quốc Anh, xác nhận là họ sử dụng camera của Hikvision hoặc Dahua. Các chuyên gia an ninh lo ngại rằng: “Các camera này có khả năng được sử dụng như “con ngựa thành Troy” để gây rối loạn cho các hệ thống internet và xâm nhập vào các máy tính, từ đó sẽ gây ra tình trạng bất ổn dân sự”.
Giáo sư Fraser Sampson -Ủy Viên Ban Giám Sát Camera An Ninh Anh Quốc- cảnh báo rằng: “Cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia bao gồm nguồn cung cấp điện, hệ thống giao thông, sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi, đang trong tình trạng dễ bị tổn thương, vì phụ thuộc rất nhiều vào việc giám sát từ xa, nên người nào đó có thể xâm nhập vào thì họ dễ gây ra hỗn loạn”.
Quay trở lại với Thảo Minh, cô chia sẻ: “Tôi vẫn cần sử dụng camera giám sát để theo dõi con nhỏ từ xa, mỗi khi vợ chồng tôi đi làm hoặc đi ra ngoài có chuyện cần. Tôi đã thử gọi đến một số nhà bán lẻ sản phẩm kỹ nghệ nổi tiếng ở Việt Nam, họ đều hướng dẫn nên mua các camera giám sát do Trung Cộng sản xuất vì giá rẻ. Nhưng sau khi hiểu được những rủi ro tai hại, giờ đây, khi có một trong hai vợ chồng -hoặc cả hai ở nhà- chúng tôi xoay camera vào tường không cho nó giám sát gì nữa”. (tóm lược bài của đài BBC ngày 8/7/2024)