VNTB – Cần cách chức các hiệu trưởng trường chính trị ở địa phương xảy ra án tham nhũng

VNTB – Cần cách chức các hiệu trưởng trường chính trị ở địa phương xảy ra án tham nhũng

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Đảng viên bắt buộc phải “cập nhật” các khóa bồi dưỡng chính trị, học tập nghị quyết đảng… tại các trường chính trị cấp tỉnh, và có thể là cả ở trung ương

 

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam diễn ra chiều 16-1-2023, nhắc lại những sai phạm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đường bộ vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận đây là vụ việc để lại hậu quả đau xót đối với các thế hệ lãnh đạo, những người đã và đang là công chức, viên chức, người lao động của Cục Đăng kiểm Việt Nam nói riêng và Bộ Giao thông Vận tải nói chung.

“Không còn con đường nào khác, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải nhìn thẳng vào sự thật, tự soi tự sửa, vấp ngã phải đứng dậy” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thức sâu sắc những sai phạm, thay vì tìm cách trốn tránh, phải đối mặt thẳng thắn nhận trách nhiệm và nghiêm túc sửa chữa, theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”.

Người viết bài này cho rằng một khi ông Nguyễn Văn Thắng đã viện dẫn đến di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì lẽ ra ở đây ông nên đề xuất tiếp theo rằng Ban phòng chống tham nhũng, tiêu cực của đảng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban, cần yêu cầu Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành “thanh – kiểm tra” các trường chính trị cấp tỉnh nào đã và đang xảy ra những vụ án, nghi án về tham nhũng.

Bởi về nguyên tắc thì tất cả quan chức, viên chức dính dáng đến hành vi tham nhũng đều là đảng viên, và khi đã là đảng viên thì bắt buộc phải theo học “cập nhật” các khóa bồi dưỡng chính trị, học tập nghị quyết đảng… tại các trường chính trị cấp tỉnh, và có thể là cả ở trung ương.

Xin được dẫn chứng.

Căn cứ vào Quy định 09-QĐi/TW năm 2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, thì trường chính trị cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.

Trường chính trị cấp tỉnh có các chức năng sau: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị – hành chính; Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; Tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Nhiệm vụ cụ thể của trường chính trị gồm cụ thể tám đề mục:

1. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị – xã hội cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên; cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức về một số lĩnh vực khác.

2. Đào tạo trung cấp lý luận chính trị – hành chính theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.

3. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương.

4. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội cấp cơ sở. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện.

5. Bồi dưỡng các chương trình khác do cấp có thẩm quyền giao.

6. Phối hợp với ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

7. Tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập.

8. Đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác theo chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy.

Theo Quy định 09-QĐi/TW năm 2018, thì trường chính trị cấp tỉnh được thành lập tối đa 5 khoa, phòng; định hướng như sau: Khoa Lý luận cơ sở – Khoa Xây dựng Đảng – Khoa Nhà nước và pháp luật – Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học – Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu.

Như vậy với bài bản đào tạo như tóm tắt ở trên cho thấy việc “cập nhật về tính Đảng” đối với các viên chức/ quan chức quản lý các cấp là thường xuyên. Tuy nhiên dường như với những gì đang diễn ra cho thấy rất có thể “dấu hiệu tiêu cực” đang tiềm ẩn ở các trường chính trị cấp tỉnh này.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)