VNTB – Cần cải tổ chính phủ

VNTB – Cần cải tổ chính phủ

Nguyễn Nam

(VNTB) – Câu cửa miệng ‘đã có Đảng và Nhà nước lo’ đã không còn đúng ở mùa dịch virus conrona đến từ Trung Quốc. Rất cần một sự cải tổ mạnh mẽ nội các của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và cả Bộ Chính trị của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo cơ hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra trên thế giới đang giảm dần và kêu gọi các nước cảnh giác.

Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi này như thế nào khi Việt Nam toan tính mở cửa trường học trở lại vào đầu tháng 3-2020, và một số cửa khẩu ở biên giới Việt – Trung cũng đã được mở lại?

Chỉ xét riêng chuyện mở cửa lại trường học đã cho thấy nội các của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đang lúng túng, và người đứng đầu chính phủ cũng không dám quyết đoán điều gì, vì ngay cả Bộ Chính trị cũng như cá nhân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chọn sự im lặng, không có bất kỳ một phát ngôn nào liên quan phòng, chống lây lan dịch Covid-19 đến từ Trung Quốc.

Hôm 22-2, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về các biện pháp chống dịch Covid-19. Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng các địa phương chỉ có trách nhiệm và thẩm quyền điều chỉnh thời gian học của học sinh trong phạm vi khung thời gian năm học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. Hiện nay, khi thời gian nghỉ học của học sinh đã gần 1 tháng thì việc quyết định nghỉ học tiếp hay đi học trở lại, thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp là thẩm quyền của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Cả hai bộ được nêu tên đó đều có một cấp vụ mang tên Vụ Pháp chế. Người đứng đầu vụ pháp chế, khi được bổ nhiệm luôn có ý kiến về chuyên môn từ Bộ Tư pháp. Như vậy, tin chắc các vụ trưởng vụ pháp chế ở hai bộ đã tham vấn pháp lý trong chuyện thời gian nghỉ học này với hai bộ trưởng. Song mãi cho đến nay không ai nghe bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, và bộ trưởng Đào Ngọc Dung lên tiếng về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Trước đó, theo văn bản ngày 13-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tại các địa phương không có dịch Covid-19, các sở giáo dục có thể đề xuất UBND các tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại, nhưng đảm bảo các nhà trường phải tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh (nước sạch và xà phòng), hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm. Bên cạnh đó, các nhà trường phải có kế hoạch tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh Covid-19, giúp học sinh biết cách phòng bệnh.

Như vậy, với kiểu văn bản chỉ đạo ‘nước đôi’ như trên, nếu nhìn bình diện chung tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn ra phức tạp, thì không một lãnh đạo địa phương nào, kể cả người đứng đầu chính phủ và tổng bí thư đảng, dám nhận trách nhiệm là không để xảy ra việc lây nhiễm trong trường lớp khi học sinh đi học trở lại.

Vấn đề chính ở đây là thái độ lừng khừng của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi cả hai đều không dám quyết đoán điều gì trong chuyên môn của mình. Với một nội các như vậy, gánh nặng sẽ chuyển về thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người mà trên thực tế không thể có được kiến thức chuyên môn như ông Nhạ, ông Dung.

Dường như các quan chức đang dè chừng nhìn nhau, vì thời điểm này nếu họ ban hành quyết sách cụ thể nào đó mà không đưa đến hiệu quả trong phòng, chống lây lan dịch bệnh Covid-19, thì việc ‘lựa chọn nhân sự’ kéo dài từ nay đến cuối năm cho kỳ đại hội đảng sắp tới vào đầu năm 2021, sự nghiệp chính trị của họ coi như sẽ bị các phe nhóm tận dụng để ‘hất cẳng’ khỏi nhiệm kỳ mới của đảng cộng sản.

(Thực ra chỉ riêng chuyện ông thủ tướng nghe theo lời ‘tham mưu’ để khen tặng tác giả một bài thơ ‘trớt quớt’ mà thiên hạ dè bỉu hổm rày, đủ thấy chính phủ cần phải ‘thay máu’ ra sao…).

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)