Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần chấm dứt bao cấp trong giáo dục

Mai Lan


(VNTB) – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giữ phương án thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia từ ngày 8 đến 11-8 nếu học sinh đi học trở lại trước 15-6. Trong điều kiện dịch bệnh khiến thời điểm đi học lại chậm hơn 15-6, Bộ GD-ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi THPT Quốc gia phù hợp hơn.

Điều đó có nghĩa một lần nữa Bộ GD-ĐT bảo thủ quan điểm về sự độc quyền trong thi cử.

Từ lâu lắm rồi trên các diễn đàn mạng xã hội, trên báo chí đã có rất nhiều ý kiến về chuyện áp lực điểm số, hay áp lực thi cử đã chi phối việc dạy học ở bậc phổ thông. Giáo viên, phụ huynh lo cho học sinh đạt điểm cao, nhà trường, rồi các cấp quản lý cũng lo cho trường học trên địa bàn mình phụ trách đạt thành tích cao. Cứ như thế, tất cả chạy theo điểm số, mục tiêu thi cử dẫn đến cách dạy học kiểu luyện tủ, dạy chỉ để đi thi, để đạt kết quả cao.

Trong khi đó, việc phát triển những năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh mới là nhiệm vụ quan trọng của các trường phổ thông. Đây mới là điều cần cho cuộc sống của những đứa trẻ, chứ không phải là những kỳ thi.

Như vậy để việc đánh giá học sinh không chỉ nhìn vào điểm số bài kiểm tra, bài thi, mà phải đánh giá được sự tiến bộ, quá trình hình thành năng lực, kỹ năng của học sinh. Và để làm được điều đó, không ai khác chính là ngay tại các sở giáo dục địa phương.

Một ví dụ mang tính liên tưởng: hiện tại sở y tế TP.HCM đưa ra bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm nCoV tại doanh nghiệp. Bộ chỉ số gồm 10 thành phần, như số lượng công nhân làm việc tập trung, được kiểm tra thân nhiệt, mật độ người lao động trong phân xưởng, tỷ lệ công nhân đeo khẩu trang trong lúc làm việc, doanh nghiệp có ca đêm…

Chỉ số rủi ro được tính bằng tổng điểm thành phần chia 100. Tuỳ theo mức độ chỉ số rủi ro mà doanh nghiệp được xem xét khả năng hoạt động tiếp tục. Nếu chỉ số rủi ro lây nhiễm bệnh xét trên 10 tiêu chí cao hơn 80% thì doanh nghiệp đó được yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Nếu sở GD-ĐT TP.HCM cũng đưa ra bộ chỉ số tương tự cho việc đánh giá về một học sinh sau 12 năm học, thì kết quả này sẽ thuyết phục hơn so những kỳ thi ít nhiều còn có tính may rủi của ‘học tài thi phận’.

Cá nhân người viết bài cho rằng, dù là Luật giáo dục hiện hành hay Luật giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 đều có đề cập tới việc thi, song cũng không quy định hình thức thi THPT thế nào, mà do Chính phủ quyết định, trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT.

Thực tế những năm qua, nhiều trường đã ưu tiên xét tuyển học sinh các trường chuyên, tốp 100 trường THPT tốt nhất. Nếu giả sử không có kỳ thi THPT quốc gia, các trường đại học tốp trên vẫn có thể tiếp tục xét tuyển theo cách chọn học sinh trường tốp 100, các trường tốp giữa và tốp dưới sẽ chọn các tốp trường tiếp theo ở các phân khúc phù hợp. Với phương thức tuyển sinh đa dạng sẽ thuận lợi cho cả trường và thí sinh.

Xin tạm kết bài viết này bằng ý kiến của giáo sư Phạm Phụ (Trường Đại học Bách khoa –  Đại học Quốc gia TP.HCM): “Lý do là số học sinh đã đỗ đến 97 – 98% thì có sai số vài em cũng chẳng ảnh hưởng gì cả. Thực tế, giá trị bằng tốt nghiệp THPT có lẽ là chỉ để nộp đơn xét tuyển vào các trường đại học. Do vậy, theo tôi nên giao việc xét tốt nghiệp THPT tùy theo tình hình cụ thể của các địa phương. Địa phương nào muốn thi thì thi, muốn xét học bạ thì xét. Không thể so sánh học sinh ở Hà Nội, TP.HCM với học sinh Mù Cang Chải ở Tây Bắc được. Điều kiện học tập rất khác nhau, không thể có cái gọi là chuẩn quốc gia”.

Đồng thời, giáo sư Phạm Phụ còn cho rằng việc tuyển vào đại học nên giao hẳn cho các trường đại học. Theo đó, việc chọn phương thức tuyển sinh do các trường đại học tự quyết định, trong đó có trường tổ chức thi tuyển, có trường xét học bạ… Hiện nay, chất lượng của các trường đại học trên cả nước cũng chênh nhau khá nhiều.

Và khi đã giao việc tuyển sinh cho các trường, lúc đó Bộ GD-ĐT cũng sẽ rảnh tay để lo các việc lớn hơn.

Tin bài liên quan:

VNTB – Kế hoạch điều trị với kịch bản 500 trường hợp Covid-19 nặng của TP.HCM

Phan Thanh Hung

VNTB – Khi nhà giáo thành con buôn chữ nghĩa

Phan Thanh Hung

VNTB – Lịch sử phải là môn bắt buộc

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo