Minh Tú
(VNTB) Vì sao cần thiết có thêm một kênh giám định tư pháp để ‘cạnh tranh’ với Bộ Công an?
Tướng công an: phản đối
Nhiều ý kiến cho rằng không nên hình thành Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC). Lý do là sẽ không phù hợp với quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh giản biên chế cũng như sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Thiếu tướng công an, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng nếu lấy lý do hiện chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định tư pháp, dẫn đến quá tải mà bổ sung vào luật quy định về phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, thì e rằng không phù hợp.
“Nếu nói vậy, sao chúng ta không thành lập thêm các phòng chuyên môn trong lực lượng Công an?” – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói và cho rằng nếu lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, tuy không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành, song sẽ dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Thiếu tướng công an Nguyễn Hữu Cầu cũng phản đối: “Nếu vì tránh oan sai thì phải thành lập cơ quan giám định kỹ thuật hình sự thuộc Tòa án nhân dân tối cao chứ không phải VKSNDTC, vì tòa mới là trung tâm của nền tư pháp và quyết định của tòa mới buộc được người đó có tội hay không”.
Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) của VKSNDTC, ông Nguyễn Quang Dũng cung cấp số liệu để chứng minh về sự cần thiết có thêm một kênh giám định tư pháp ngoài Bộ Công an.
“Trong hai năm 2018 và 2019, Cơ quan Điều tra VKSND tối cao trưng cầu 59 vụ việc tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Tính thời gian trung bình để ra kết quả giám định mất từ 2 đến 3 tháng, cá biệt có vụ việc kéo dài tới mức quan ngại.
Như vụ nhận hối lộ tại Ba Vì, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định mất tổng cộng thời gian là 4 tháng, 17 ngày. Mới đây nhất là vụ giải quyết tố giác tại Chi cục thi hành án quận Đống Đa thời gian giám định là 8 tháng10 ngày, tức là ngày trưng cầu là ngày 9-9-2019 và đến ngày 19-5-2020 là ngày họp phiên trù bị của Quốc hội thì mới có kết luận giám định”.
Ông Dũng ‘tranh biện’ các ý kiến của 2 vị tướng công an, và ông kể thêm về vụ án một nữ cán bộ công an đã bỏ ma túy vào cốp xe người khác để vu khống. Khi trưng cầu giám định thì Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an trả lời là không đủ cơ sở kết luận, nhưng sau đó trưng cầu giám định ở một cơ quan khác, thì đủ căn cứ để kết luận giám định, và hiện nay vụ án đã được xử lý.
“Do đó, chúng tôi thấy rằng số liệu và tính khách quan thì rất cần thiết, phải có một cơ quan giám định bổ sung, hỗ trợ cho cơ quan giám định thuộc Bộ Công an, cũng như là Bộ Quốc phòng để đảm bảo có sự lựa chọn khi cần thiết để cho việc giám định nhanh gọn và khách quan”. Ông Nguyễn Quang Dũng nói.
Giới luật sư: ủng hộ
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) đồng tình với đề xuất của VKSNDTC. Luật sư Nghĩa nói rằng căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, đọc lại Điều 163 về thẩm quyền điều tra, tại khoản 3 nói “Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao… điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng chức vụ…”.
Như thế tại sao không để việc này cho cơ quan điều tra Bộ Công an, tại sao lại giao cho Viện kiểm sát, nó có lý do của nó. Quốc hội cũng tranh luận vấn đề này từ đường lối của Đảng, Quốc hội tranh luận đi đến Điều 163 khoản 3 thì Viện kiểm sát mới có chức năng này.
“Các đồng chí đọc lại Điều 165 khoản 7, một số đồng chí đã trích dẫn rồi, trực tiếp điều tra một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xem xét phê chuẩn Lệnh quyết định điều tra của cơ quan điều tra, và tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan sai… Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.
Ngoài ra, ở khoản 8 Viện kiểm sát cũng được giao nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự… Từ những chức năng này cho thấy một nhu cầu là Viện kiểm sát cần thiết phải có Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Viện kiểm sát. Ở đây tôi thấy Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Viện kiểm sát nằm ở VKSNDTC là hợp lý.
Theo tôi, phòng giám định này không phải tăng chức năng gì của Viện kiểm sát, nó là công cụ của Viện kiểm sát để thực hiện những chức năng và nhiệm vụ luật định như tôi vừa nêu.
Theo tôi không phải chỉ có giám định âm thanh, hình ảnh mà Phòng Giám định kỹ thuật hình sự này ở khoản 5 đề nghị các đồng chí ghi rõ là Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC để thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo Điều 2, Điều 3 của Luật Tổ chức Viện kiểm; theo Điều 163 khoản 3 và theo Điều 165 khoản 7. Phần này nhằm thực hiện những việc đó. Theo tôi điều đó là hợp lý” – luật sư Trương Trọng Nghĩa tranh biện.
Luật sư Trần Hậu (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) cho biết bà theo dõi những vụ án oan, sai tại Việt Nam cho thấy các hành vi vi phạm dẫn đến tình trạng oan, sai thường xảy ra trong giai đoạn điều tra của cơ quan điều tra. Việc lật lại hồ sơ vụ án, tìm bằng chứng giải oan vốn không dễ dàng và đòi hỏi phải áp dụng nhiều hoạt động thu thập chứng cứ khác nhau.
Giả sử chứng cứ cho những vụ việc này phải đưa đi giám định tại các đơn vị kỹ thuật hình sự của cơ quan công an sẽ làm dấy lên những nghi ngờ về tính khách quan, có hay không việc bao che trong cùng một hệ thống cơ quan; hay trường hợp có nhu cầu giám định lại kết luận giám định trước đó cũng sẽ không có sự lựa chọn nào khác, ngoài các đơn vị từ cơ quan công an, quốc phòng.
Giám định tư pháp độc lập: tại sao không?
Với người dân, thì có lẽ cần có nhiều kênh giám định tư pháp độc lập, không dưới quyền Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và dĩ nhiên là độc lập luôn cả với VKSNDTC. Khi ấy, chắc chắn sẽ giảm thiểu được tối đa hàng loạt ngờ vực về sai sót trong giám định tang vật như ở vụ án xảy ra tại bưu cục Cầu Voi vào đêm 13-1-2008.
Ngoài ra trong lãnh vực được gọi là ‘giám định tư tưởng’, thì việc ‘giám định’ ra sao ở nội dung câu từ trong từng bài báo đăng trên các cơ quan truyền thông nước ngoài, trên mạng xã hội,… liên quan trong những cáo buộc hành vi ở Điều 117, Bộ Luật hình sự “Tội tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, rất có thể sẽ mang tính khách quan hơn, nếu như được giám định tư pháp không phải từ cơ quan trực thuộc Bộ Công an.
Dự thảo Luật Giám định tư pháp sẽ được các đại biểu Quốc hội biểu quyết vào ngày 10-6 tới đây ở kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.