Vũ Giao
(VNTB) – Những nhà soạn luật của Việt Nam dường như vẫn chịu định hướng của tư duy về một nhà nước có quyền ban phát…
Thứ nhất, cách viết và nội dung của nhiều quy định các luật, dự thảo luật cho thấy việc biên soạn vẫn chưa thoát hẳn được tư duy cũ về một nhà nước ‘đứng trên nhân dân’, “ban phát”, “kiểm soát” các quyền cho nhân dân và luôn “sợ hãi”, “đề phòng” nhân dân đấu tranh đòi hỏi sự tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do hiến định.
Minh chứng là việc nêu quy định về giới hạn quyền ở một số điều của Hiến pháp giống như một cách ngầm tuyên bố rằng “hãy liệu hồn đấy”, cho dù diễn đạt trong quy định này đã cố tỏ ra mềm mại và “dân tuý” kiểu như quy định “cấm lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”, toát lên tính “răn đe” rất rõ.
Có nhiều điều luật “nhắc nhở” người dân là “quyền đi liền với nghĩa vụ với nhà nước”, và những quyền của họ có là do Hiến pháp, pháp luật (tức nhà nước) quy định, cho dù nội dung của điều này không thực sự chính xác về mặt thực tế, và có khía cạnh đi ngược lại với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, việc “quyết giữ” các cụm từ “theo pháp luật”, “do pháp luật quy định” hoặc “theo quy định của pháp luật” trong nhiều quy định về các quyền quan trọng cũng phản ánh tâm thế “đề phòng” nhân dân, và “dự phòng” khả năng có thể “rộng tay” hành động để kiểm soát, giới hạn các quyền hiến định về sau này.
Sự lạm dụng các quy định mang tính “răn đe” và “phòng ngừa” nhân dân là rất ít có trong chế định về quyền con người, quyền công dân của hiến pháp các quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, hiện nay dường như chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân;
Cũng chưa có quy định về sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và không hiến định; Chưa có quy định về hiệu lực áp dụng trực tiếp của các quyền hiến định; Chưa có quy định về quyền được vận dụng các cơ chế pháp lý để bảo vệ các quyền khi bị vi phạm.
Trong khi đó thì các điều kể trên lại là những quy định đã được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế và hiến pháp của nhiều quốc gia, nhằm mục đích ngăn ngừa sự bỏ mặc tức vi phạm không hành động, và việc lạm dụng kẽ hở của hiến pháp để vi phạm nhân quyền, cũng như để xác lập cơ sở hiến định cụ thể, rõ ràng cho việc xử lý những hành vi vi phạm các quyền hiến định của các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước.
Theo Liên hợp quốc, các công ước quốc tế về nhân quyền xác lập những tiêu chuẩn tối thiểu về quyền con người, mà các quốc gia thành viên cần nội luật hóa, ít nhất là ở mức ngang bằng.
Do đó, việc bảo đảm sự tương thích của hiến pháp với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, là không thể thiếu để chứng minh rằng nhà nước tôn trọng cam kết với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, việc này tạo thuận lợi cho việc bảo vệ và thực hiện đầy đủ các quyền hiến định trong thực tế, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, bởi nó hạn chế những tranh cãi, phòng ngừa việc lợi dụng những quy định thiếu cụ thể và tăng khả năng áp dụng trực tiếp các quyền.
Ngoài ra, việc hiến định các quyền con người, quyền công dân theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế còn tạo cơ sở để điều chỉnh những lệch lạc trong tư duy và hành động của các cơ quan và viên chức nhà nước với nhân dân, góp phần xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, một nhà nước pháp quyền thực sự “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” – điều mà rất cần thiết ở Việt Nam hiện nay.