Việt Nam Thời Báo

VNTB – Canh bạc lớn của Bộ Chính trị

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Quân đội Việt Nam thường được ca ngợi là “bách chiến bách thắng” và việc đưa quân đội tham gia chống Covid-19 được một số nhà quan sát xem là lần “đặt cược” lớn của Bộ Chính trị.

 

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra nhận định hôm 22-8 là “Người dân đang bị sốc. Hệ thống chính trị đang bị sốc. Ông Thành ý kiến:

“Truyền thông nhà nước làm gì ngay bây giờ: thay vì đưa ra lời hứa này, đảm bảo nọ – hãy đưa ra một bức tranh xác thực nhất về tình hình hiện nay. Bức tranh xác thực giúp mọi người cả dân và nhà chính trị tự thích ứng với tình hình. Đừng sợ bức tranh xác thực gây hoảng loạn. Thông tin tù mù mới gây hoảng loạn.

Hiện nay không thiếu các giải pháp kỹ thuật. Nhưng chỉ có thể lựa chọn và thực thi các giải pháp hợp lý sau khi cả dân và chính quyền thích ứng với thực tiễn của thách thức đợt dịch đang diễn ra ở TP.HCM và Bình Dương”.

Đề xuất của ông Thành dường như cũng là điều mà ai đó ở bề trên Bộ Chính trị hướng đến, khi mà ngày 23-8, ông Lê Hải Bình, người vừa nhận quyết định bổ nhiệm làm phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, đã được điều trực tiếp vào TP.HCM để cùng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các địa phương phía Nam triển khai công tác chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Lê Hải Bình là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng là Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ông cũng là thư ký riêng của cựu Ngoại trưởng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.

Trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 22-8 có đặt vấn đề Dự báo sai vì số liệu Covid phải chịu ‘định hướng’?, với việc dẫn số liệu thống kê về tỷ suất chết thô chung của TP.HCM là 4,7‰ năm 2019, trong đó, theo nguyên nhân chết thì chết do bệnh tật chiếm 95%. Giả định các con số này vẫn giữ nguyên năm 2021, thì với dân số khoảng 9,42 triệu người, số chết do bệnh tật dự tính là 42.060 người, hay 115 người chết vì bệnh trung bình mỗi ngày.

Cũng luận bàn về con số tử vong, từ Úc, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn có ý kiến rằng số ca tử vong không chỉ đơn giản là bao nhiêu ca, mà phải so sánh với mức độ ‘kỳ vọng’.

Lý do là nếu không có dịch Covid thì người ta vẫn chết, và nguyên nhân tử vong có thể là thường do các bệnh lý không lây (bệnh mãn tính). Do đó, người ta lấy con số tử vong quan sát được trong một thời gian (tạm ký hiệu O) chia cho con số tử vong kỳ vọng (hay con số tử vong bình thường, tạm gọi là E). Nếu tỉ số này R = O / E bằng 1 thì dịch không có ảnh hưởng đến tử vong; nếu R > 1 thì dịch có ảnh hưởng đến tử vong. Trong dịch tễ học, chỉ số R gọi là ‘excess death’ (tạm dịch là ‘Tử vong bội’’).

“Nói thì dễ, nhưng mô hình thì không dễ chút nào” – giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, xác nhận.

Xem ra canh bạc lớn này của Bộ Chính trị chỉ có mỗi cửa là phải thắng bằng mọi giá. (Xem thêm Dịch Covid sẽ giảm vì Việt Nam thay đổi cách tính toán).

Cựu chiến binh, nhà báo Lưu Nhi Dũ của tờ Người Lao Động, chia sẻ một góc nhìn ưu tư khác của người từng khoác chiến y.

“Hình như không có quốc gia nào dùng quân đội để chống dịch? Quân đội có nhiệm vụ thiêng liêng của quân đội. Chống dịch là dùng khoa học dịch tễ để dập dịch, chỉ có khoa học, các biện pháp khoa học và lãnh đạo phải biết lắng nghe các nhà khoa học, để chống dịch.

Tôi có nhiều năm trong quân ngũ, cầm súng bắn vào kẻ thù là những thằng lính Pol Pot (thực chất là bắn vào thầy chú của chúng, bọn bành trướng Bắc Kinh lúc đó), nên rất cảm tình với quân đội.

Tôi hiểu các cháu bộ đội bây giờ và rất thương. Các cháu không cầm súng bắn vào con viruscorona, vì “thằng địch” vô hình mà hữu hình, hắn không có súng nhưng hắn có “vũ khí sinh học”, các cháu sẽ “chiến đấu” như thế nào?

Để các cháu bộ đội 18-20 tham gia việc “đi chợ hộ cho dân” cũng bất cập, sao các cháu làm tốt được bằng các shipper chuyên nghiệp, dù có sự giúp sức của các đơn vị khác! Sao không ưu tiên tiêm vaccine cho tất cả các shipper, rồi sử dụng họ (họ cần làm việc để sống) đi chợ cho dân?

Tôi cũng chưa thể hình dung được, 1 tuần lockdown, rồi tuần thứ 2, sẽ như thế nào; điều gì sẽ xảy ra, thành phố sẽ ứng phó như thế nào với rất nhiều nhu cầu của dân, làm sao đáp ứng nổi…

Chống dịch cần một chiến lược, những kế hoạch khoa học, cả trong tổ chức lẫn thực hiện, chớ không phải làm theo kiểu “sớm nắng chiều mưa”, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Người dân biết hết, thấy hết nhưng họ không nói ra thôi. Họ thấy năng lực của những người đang chống dịch, cả những vị GS-TS trong nhóm tư vấn, có người biết chi dịch giã đâu mà tư vấn!?

Hai tuần, đang thử thách tất cả chúng ta…

Xin phép cụ Nguyễn Du trích mấy câu kết thúc bài Văn tế thập loại chúng sanh của cụ:

Phật hữu tình từ bi phổ độ/Chớ ngại rằng có có không không/Nam-mô chư Phật, Pháp, Tăng/ Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hệ thống chính trị Việt Nam sẽ giúp kết thúc dịch cúm ‘made in China’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Họ có còn kịp mua cơm không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Virus Corona làm suy yếu bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo