VNTB – Cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ ở TP.HCM

VNTB – Cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ ở TP.HCM

Ngọc Lan

(VNTB) – Tuy chưa là “tình trạng khẩn cấp”, nhưng cần đặc biệt quan tâm.

Thông cáo WHO gửi đến các cơ quan truyền thông mà báo chí Việt Nam nhận được sáng 26-4 dẫn lời tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus: “Họ (tức Ủy ban khẩn cấp IHR về đậu mùa khỉ) khuyên tôi rằng tại thời điểm này, sự kiện này không phải là PHEIC, là mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra, nhưng thừa nhận rằng bản thân việc triệu tập ủy ban phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng về sự lây lan quốc tế của bệnh đậu mùa khỉ. Họ bày tỏ sự sẵn sàng họp lại khi thích hợp”.

Sáng 26-4 theo giờ Việt Nam, Ủy ban khẩn cấp về Các quy định Y tế Quốc tế (IHR) liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập đã công bố văn bản chính thức về cuộc họp khẩn xem xét đậu mùa khỉ có phải là một PHEIC (Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm) hay không?

Dù ủy ban khẩn cấp IHR cho rằng đậu mùa khỉ chưa phải PHEIC trong lúc này và được Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng thuận, tuy nhiên cũng “thừa nhận tính chất khẩn cấp của sự việc và việc kiểm soát sự bùng phát tiếp tục lan rộng đòi hỏi những nỗ lực ứng phó mạnh mẽ”.

Ủy ban khuyến cáo rằng sự kiện nên được theo dõi chặt chẽ và xem xét lại sau một vài tuần, khi có thêm thông tin về những điều chưa biết hiện tại, để xác định xem liệu có những thay đổi quan trọng đã xảy ra, từ đó cân nhắc lại lời khuyên vừa đưa ra.

Theo WHO, đã có hơn 3.200 trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ và 1 ca tử vong được ghi nhận trong 6 tuần qua từ 48 quốc gia nơi bệnh này không phổ biến. Từ đầu năm đến nay, các nước khu vực Trung Phi ghi nhận gần 1.500 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có khoảng 70 ca tử vong. Bệnh đậu mùa khỉ phổ biến hơn tại Trung Phi và chủ yếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết: “WHO cũng đang làm việc với các đối tác và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới về việc thay đổi tên của virus đậu mùa khỉ, các nhóm (nguồn gốc) của nó và căn bệnh mà nó gây ra. Chúng tôi sẽ đưa ra thông báo về những cái tên mới trong thời gian sớm nhất có thể”.

Thông báo này được đưa ra sau khi một nhóm hơn 30 nhà khoa học hàng đầu viết một bức thư ngỏ kêu gọi “một danh pháp không phân biệt đối xử và không kỳ thị cho virus đậu mùa khỉ”. Nhóm này cho rằng việc tiếp tục đề cập đến virus là virus châu Phi vừa mang tính phân biệt đối xử, vừa không chính xác. Họ đề xuất “hMPXV” là tên cho loại virus này.

Một chút nhắc lại.

Hồi tháng 1-2020, khi WHO tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng, nhưng chính phủ của nhiều nước đã phớt lờ tuyên bố đó. Chỉ đến 6 tuần sau, khi WHO dùng từ “đại dịch” thì các nước mới có hành động. Tuy nhiên khác với Covid-19, hiện nay đã có các loại vắc-xin và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ, nhưng nguồn cung vẫn còn hạn chế.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, và theo bộ này thì các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Đáng chú ý là trong khi Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào thì Sở Y tế TP.HCM đã ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn thành phố. Đây là lần thứ hai ngành y tế thành phố chuẩn bị phương án ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.

So với hướng dẫn trước, lần này Sở Y tế hướng dẫn chi tiết hơn về cách thức tự cách ly theo dõi và di chuyển đến bệnh viện để tránh lây nhiễm cộng đồng, định nghĩa ca bệnh có thể… Theo đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được chỉ định là bệnh viện sẽ tiếp nhận các ca đậu mùa khỉ.

Hướng dẫn của Sở Y tế viết rằng định nghĩa “ca bệnh nghi ngờ, các bệnh có thể”, như sau: Trường hợp nghi ngờ, khi một người đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau: sốt (> 38°C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược.

Trường hợp có thể: là trường hợp nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cùng cá nhân của người bệnh.

 

Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Có các triệu chứng bệnh nêu trên đến mức phải nhập viện.

4 bước xử trí khi phát hiện ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM: Bước 1. Tầm soát, ghi nhận người có dấu hiệu của trường hợp nghi ngờ; Bước 2. Khai thác thông tin về yếu tố dịch tễ; Bước 3. Hướng dẫn “trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể” tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; Bước 4. Lấy mẫu xét nghiệm “trường hợp có thể”, báo cáo kết quả.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM theo dõi kết quả xét nghiệm, phản hồi kết quả cho đơn vị gửi mẫu và báo cáo về Sở Y tế theo quy định. Với trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh sẽ được cách ly y tế, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM điều tra các trường hợp có tiếp xúc gần với “trường hợp xác định” để lập danh sách, theo dõi giám sát theo quy định.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)