Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cạnh tranh công đoàn sẽ dẫn đến cạnh tranh chính trị?

 

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Cho dẫu độc đảng đi nữa thì cũng cần cạnh tranh ngay trong chính nội bộ đảng đó với mục tiêu chung của ích nước lợi dân.

 

Lúc còn được quyền viết lách, nhà báo Phạm Chí Dũng luôn cổ súy việc cạnh tranh ngay trong trong chính nội bộ đảng cầm quyền. Vị chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam này không đặt nặng vấn đề ‘đa nguyên’, mà ôn hòa yêu cầu cần có sự cạnh tranh hiệu quả trong quản trị quốc gia thông qua ‘tam quyền phân lập’ của thể chế chính trị đơn nguyên.

Ở giai đoạn Việt Nam đang có những đàm phán trong thỏa thuận TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement, về sau là CPTPP, Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), nhà báo Phạm Chí Dũng cùng nhóm thân hữu của ông đã chuẩn bị dự án để đóng góp với Quốc hội Việt Nam trong những điều luật liên quan đến “công đoàn độc lập”.

Theo đó, việc cạnh tranh công đoàn tất yếu sẽ dẫn đến cạnh tranh chính trị ngày trong nội bộ đảng cầm quyền. Sự cạnh tranh này nằm trong Hiến định tại Điều 4.1 “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Khi ấy có đồn đoán những thiện chí đóng góp trên của nhà báo Phạm Chí Dũng là thuộc nhóm quyền lực chính trị của cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang (!?).

Vậy thì nếu thực sự đó là cạnh tranh giữa các nhóm quyền lực cùng màu áo đảng viên trong quản trị quốc gia, mà ở đây là vấn đề quyền lợi của giai cấp công nhân, cho thấy rất nên khuyến khích thay vì cho rằng đây là những ‘tự chuyển hóa – tự diễn biến’ làm nguy hại đến sự tồn vong của Đảng Cộng sản.

Giờ thử làm một so sánh để thấy rõ hơn về lợi ích mà giai cấp công nhân sẽ thụ hưởng khi có cạnh tranh công đoàn.

Theo pháp luật dân sự hiện hành thì 05 loại tổ chức xã hội là pháp nhân phi thương mại theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015: Tổ chức chính trị; Tổ chức chính trị – xã hội; Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; Tổ chức xã hội; Tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

05 tổ chức kể trên mang đặc điểm chung của một pháp nhân phi thương mại đó là không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận điều lệ và có hội viên là cá nhân, tổ chức tự nguyện đóng góp tài sản hoặc hội phí nhằm phục vụ mục đích của hội, và nhu cầu chung của hội viên là pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự.

Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình. Trong trường hợp tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp chấm dứt hoạt động thì tài sản của tổ chức đó không được phân chia cho các hội viên, mà phải được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điểm khác nhau giữa tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, đó là tổ chức chính trị là tổ chức mà thành viên cùng hoạt động với nhau vì một khuynh hướng chính trị nhất định; Chỉ được công khai thừa nhận nếu quyền lực nhà nước thuộc về một lực lượng nhất định; Thành viên của tổ chức này là đại diện của một giai cấp hay một lực lượng xã hội, nên phải bầu cử mới được gia nhập; Nhiệm vụ chủ yếu là giành và giữ chính quyền.

Và Đảng Cộng Sản là tổ chức chính trị duy nhất tại Việt Nam.

Còn tổ chức chính trị – xã hội là tổ chức mang màu sắc chính trị với vai trò là đại diện của các tầng lớp trong xã hội đối với hoạt động của nhà nước, cũng như đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, cơ sở của chính quyền nhân dân.

Với tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, thì đó là tổ chức thành lập theo sáng kiến của nhà nước; Hình thành theo các quy định của nhà nước và được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước; Hỗ trợ nhà nước giải quyết một số vấn đề xã hội; Hoạt động tự quản, cơ cấu do nội bộ tổ chức quyết định, hoạt động không mang tính quyền lực chính trị và hoàn toàn tự nguyện.

Tổ chức xã hội nghề nghiệp được hiểu là tổ chức xã hội tập hợp những cá nhân, tổ chức cùng thực hiện các hoạt động nghề nghiệp, được thành lập nhằm hỗ trợ các thành viên trong hoạt động nghề nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Đây sẽ là tổ chức có nhiều thuận lợi trong hình thành những đơn vị công đoàn độc lập phù hợp với pháp luật dân sự hiện có, cũng như đáp ứng yêu cầu ở khoản 2 của Điều 170 Bộ luật Lao động 2019 (sửa đổi).


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Dự thảo mức lương tối thiểu giờ gây thiệt thòi cho người lao động?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Của rẻ là của ôi!

Trương Thế Tử

VNTB – Việt Nam chưa thể có công đoàn độc lập trước năm 2023

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.