Cảnh Chân
(VNTB) – Dân muốn sống, muốn giải quyết nhu cầu sống căn bản thì phải xây cầu vượt rào.
Cao tốc không nhà vệ sinh: làm xấu hình ảnh Việt Nam với quốc tế
Trong những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng mạng lưới cao tốc đường dài nhằm nâng cao giao thông và kết nối các khu vực. Tuy nhiên, một vấn đề đáng chú ý đã nảy sinh, đó là thiếu trạm dừng chân trên các tuyến đường này. Không chỉ thiếu nhà vệ sinh và trạm dừng nghỉ, phần lớn các cao tốc ở Việt Nam cũng không có làn dừng khẩn cấp khi xe cộ gặp sự cố nguy hiểm.
Đơn cử như trường hợp tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 200km nhưng không có trạm dừng nghỉ, không có nhà vệ sinh. Việc không có điểm dừng chân khiến người lái xe tìm kiếm những địa điểm không an toàn để nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sự tập trung và tăng nguy cơ tai nạn. Ngoài ra, các phương tiện xe cộ buộc phải dừng bậy vô lề đường để hành khách đi bừa để “giải quyết nổi buồn”.
Nhịn đi vệ sinh trong thời gian dài có thể dẫn tới nhiều loại bệnh như sỏi thận, viêm bàng quang. Cùng với đó, tình trạng đi vệ sinh tuỳ tiện ven đường dẫn tới ô nhiễm môi trường, gây mùi khó chịu. Chẳng những vậy, việc này còn ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam trong mắt khách du lịch nước ngoài. Thử hỏi ai dám tới một đất nước mà không có nhà vệ sinh, phải “tuột quần xử lý” ngay bên lề đường?
Nhà nước không làm được nhà vệ sinh, thì người dân làm cho nhau. Những nhà vệ sinh 0 đồng, cầu thang vượt rào cao tốc tự chế mọc lên ven đường chính là cách người dân giúp nhau. Không chỉ là sự sáng tạo, mà còn là trách nhiệm của con người với con người, với hình ảnh Việt Nam trong mắt quốc tế.
Muốn sống thì phải vượt rào
Cây cầu sắt thô sơ do người dân bắt qua hàng rào cao tốc còn ẩn dụ cho lòng dân trong chế độ cộng sản độc tài. Khi mà Nhà nước chỉ lo cho lợi ích của Đảng, làm đường hàng ngàn tỷ đồng để tham nhũng, cắt xén ngân sách, nhưng cái nhà vệ sinh thì không xây được. Dân muốn sống, muốn giải quyết nhu cầu sống căn bản thì phải xây cầu vượt rào.
Còn cái hàng rào trên cao tốc không nhà vệ sinh đó cũng như những cơ chế, quy trình phức tạp và vô lý của Nhà nước hiện nay. Vô lý tới nổi các lãnh đạo cộng sản phải khuyến khích cán bộ “vượt rào”, “làm sai vì lợi ích chung”, “phạm pháp không vụ lợi”. Nhưng liệu có bao nhiêu người dám “vượt rào”?
Trong động thái mới nhất, sau khi nhận được hàng loạt bình luận khen ngợi của người dân, cây cầu sắt vượt rào đã bị buộc phải dở bỏ. Sáng ngày 16/2 đơn vị quản lý cao tốc đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) yêu cầu người dân tháo dỡ cầu thang do vi phạm hành lang cao tốc.
“Khi phát hiện hàng rào bị xâm phạm, Ban QLDA 7, tuần đường cao tốc đã báo cáo địa phương vì tiềm ẩn nguy cơ Tai nạn giao thông do xe dừng đậu kéo dài. Sau khi được nhắc nhở, hộ dân làm cầu thang bằng sắt thuộc xã Hàm Liêm, cho khách trèo qua hàng rào cao tốc đã tự giác tháo dỡ”, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Ban QLDA 7) cho biết. (1)
Vậy là, từ trước tới nay cái cầu sắt vẫn tồn tại để giúp người qua cảnh bí bách, nhưng nhà chức trách “không thể phát hiện”. Tới khi được ca ngợi thì phải tháo dỡ. Chẳng khác nào cái gì tốt cho dân thì lại sai quy trình, nghịch cơ chế, cơ quan chức năng phải mắt nhắm mắt mở cho qua. Tới khi được dân khen thì lại phát hiện sai quy trình, phạm luật, chướng mắt Nhà nước, phải dẹp bỏ. Vậy thì cái quy trình, cái cơ chế đó đâu phải phục vụ cho người dân?
_____________
Tham khảo:
(1) https://atgt.baogiaothong.vn/thao-do-cau-thang-vuot-hang-rao-vao-cao-toc-vinh-hao-phan-thiet-192240216103902608.htm
1 comment
Thành công của chế độ XHCNVN