Thảo Vy (VNTB) Quyết định này chỉ mới so quy định cùng nội dung ở trước đó (Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND, ngày 04 tháng 8 năm 2014), là việc cấp phép tạm thay vì chỉ xét đối với công trình, nhà ở riêng lẻ nơi đã có quy hoạch tỷ lệ 1/500, thì từ ngày 1 tháng 7 này, tỷ lệ đó được nâng lên là 1/2000.
“Từ năm 2013, TP.HCM đã phủ kín quy hoạch 1/2000 nhưng công tác quy hoạch không dừng lại ở đó mà phải làm tiếp quy hoạch 1/500 hoặc các quy chế để có cơ sở cấp phép xây dựng. Như vậy việc cấp phép mới rõ ràng, công khai, minh bạch và thuận tiện cho dân”. Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM, đã nhận xét như vậy về Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND, do Sở Xây dựng TP.HCM trình cho ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ban hành.
Tiếp tục cấp phép tạm
Để giải quyết vụ rất nhiều nhà cửa, đất đai ở Sài Gòn đang trong tình trạng sống dở, chết dở vì quy hoạch treo 1/2000, phía Sở Xây dựng đã làm thầy dùi cho ông Lê Văn Khoa ký ban hành chuyện đồng ý để Sở Xây dựng cấp giấy phép tạm nhà ở thuộc khu vực đã quy hoạch 1/2000 được duyệt nhưng quy hoạch chưa thực hiện, chưa có quyết định thu hồi đất thì được cấp phép có thời hạn theo mục đích sử dụng trước đó (Khoản 1, Điều 2). Quy mô công trình có thời hạn không quá ba tầng.
Cụ thể: Đối với nhà ở riêng lẻ có sẵn (hiện hữu) nằm trong khu vực đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư mà hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng và sử dụng ổn định nhà ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2006, không có tranh chấp, khiếu nại, được Ủy ban nhân dân phường – xã, thị trấn thẩm tra, xác nhận, thì được xử lý như sau: a) Trường hợp nhà ở đã tồn tại trước thời điểm đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố thì được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc xây dựng lại với quy mô tối đa không quá 03 tầng.
b) Trường hợp nhà ở xây dựng sau ngày đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố thì chỉ được phép sửa chữa, cải tạo (như: nâng nền; nâng mái, thay mái; thay sàn bằng vật liệu nhẹ lắp ghép hợp chuẩn; xây lại vách) không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, an toàn của căn nhà và không được phép thay đổi công năng sử dụng.
Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ có sẵn (hiện hữu) nằm trong khu vực quy hoạch thực hiện các dự án đường sắt đô thị: a) Trường hợp ranh hướng tuyến và hành lang an toàn đường sắt được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố và đã xác định mốc giới ngoài thực địa thì không được phép xây dựng; chỉ được phép sửa chữa, cải tạo gia cố lại theo hiện trạng căn nhà (không thay đổi quy mô, diện tích, kết cấu căn nhà cũ; nhưng có thể nâng nền, xây lại vách; nâng mái, thay lại sàn, mái bằng vật liệu nhẹ lắp ghép hợp chuẩn) không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, an toàn của căn nhà và không được phép thay đổi công năng sử dụng.
b) Trường hợp ranh hướng tuyến và hành lang an toàn đường sắt được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa xác định mốc giới ngoài thực địa thì được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc xây dựng lại với quy mô tối đa không quá 03 tầng.
Đối với công trình, nhà ở có sẵn (hiện hữu) nằm trong khu vực hành lang bảo vệ cầu: Không được phép xây dựng mới làm tăng quy mô diện tích, kết cấu công trình; chỉ được phép sửa chữa, cải tạo (nâng nền, xây lại vách; nâng mái, thay lại sàn, mái bằng vật liệu nhẹ lắp ghép hợp chuẩn) nhưng không làm thay đổi công năng sử dụng, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực và an toàn công trình.
Quy hoạch 1/500 ở TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay
Cấp phép xây dựng có thời hạn – tên gọi đúng nhất phải là “cấp phép tạm” liệu có thể chuyển sang “cấp phép xây dựng chính thức”, khi mà các dự án treo này… hết treo? Câu trả lời là “gần như rất khó”.
Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan, thì điều kiện cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ (Điều 91, 93) như sau: “Phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng (tức quy hoạch 1/500) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình thuộc tuyến phố khu vực đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp quy chế quản lý quy hoạch hoặc quy chế quản lý kiến trúc đô thị”. Như vậy, nhà ở của người dân muốn cấp phép xây dựng chính thức thì phải có quy hoạch 1/500, hoặc quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy chế quản lý quy hoạch để xem xét. “Nếu thực hiện theo yêu cầu của Luật Xây dựng, công tác cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân sẽ ách tắc. Không riêng quận Bình Tân mà các quận, huyện khác rất ít khu vực có quy hoạch 1/500, quy chế quản lý kiến trúc đô thị” – ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết.
Theo ông Bình, muốn lập quy hoạch 1/500 thì yêu cầu đầu tiên là quy hoạch 1/2000 phải hoàn thiện, chính xác vì đây là cơ sở để triển khai quy hoạch 1/500. “Một số đồ án quy hoạch 1/2000 tại quận hiện đang điều chỉnh nên khó làm được quy hoạch 1/500” – ông bày tỏ.
Có đền bù khi giải tỏa nhà đất thuộc “giấy phép có thời hạn”?
Điều này không thấy nêu trong Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND mà ông Lê Văn Khoa đã đặt bút ký.
Ở Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND, ngày 04 tháng 8 năm 2014, có quy định rõ là “Nếu trong vòng 05 năm, kể từ ngày công bố công khai quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) hoặc 03 năm đối với những khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì không được bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc được xây dựng mới trong lộ giới hoặc phạm vi quy hoạch. Sau thời hạn nêu trên, Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành”.Vấn đề ở đây là cần sửa từ gốc. Khái niệm qui hoạch treo chỉ nên để dành để thảo luận chứ đừng đem ra hành dân. Khi nào đã thảo luận xong, và bắt đầu đi vào thực hiện thì hãy thu hồi đất của dân vẫn chưa muộn. Đằng này mới chỉ là kế hoạch trên giấy, những số liệu chung chung nhằm làm đẹp báo cáo mà lại bó buộc quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì không ổn. Có những qui hoạch kéo dài 5, 10, 15, 20 năm mà không thực hiện, nhưng vẫn o ép dân phải chịu đựng theo thì không thể chấp nhận được.