Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cầu cứu ban Nội chính vì chính quyền bao che tham nhũng

Lê Kiên (VNTB) Trong phiên chất vấn sáng ngày 13/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, mặc dù đạt được… nhiều thành tích.

Đó là câu chuyện báo cáo nghị trường, còn thực tế cơ sở, tham nhũng đang được bao che, dung túng bởi chính chính quyền địa phương.

Chính quyền bao che tham nhũng bằng… bằng khen

Vào ngày 21/6, chị Dương Thị Thu Thủy, người được báo giới trìu mến gọi bằng cái tên “nữ hộ sinh dung cảm” đã gửi đơn đến Ban Nội chính tỉnh Quảng Nam, VKSND tỉnh Quảng Nam, VKSND huyện Thăng Bình yêu cầu giải quyết vụ tố cáo tham ô tài sản (chi sai 90 triệu đồng) của ông Nguyễn Đức Đạo, nguyên Trưởng Trạm Y tế thị trấn Hà Lam (Quảng Nam).

Sở dĩ chị Thủy gửi đơn lần này vì chị cho rằng, TAND huyện Thăng Bình đã bỏ qua nhiều chi tiết quan trọng trong cáo trạng, trong đó con số 90 triệu đồng chi sai giảm xuống còn 23,8 triệu đồng. Và mặc dù, có trong tay chứng cớ ông Đạo giả mạo con dấu TTYT huyện thăng Bình, và chữ ký của Giám đốc TTYT huyện này, nhưng VKSND huyện Thăng Bình lại khẳng định “Đạo không vụ lợi cá nhân nên không đủ cơ sở để truy tố hình sự” theo điều 278 Bộ luật hình sự.

Ông Nguyễn Đức Đạo, người bị truy tố tội “Tham ô tài sản” vẫn đang công tác và hưởng lương tại TTYT huyện Thăng Bình. Ảnh: Lao Động
Đặc biệt, trước đó, vào ngày 11/5, TAND huyện Thăng Bình lần thứ 2 hoãn xét xử vụ án này, do “vắng mặt nhân chứng,” vấn đề nằm ở chỗ, việc triệu tập nhân chứng theo lời đề nghị của ông Nguyễn Đức Đạo “đều không liên quan đến việc tố cáo của chị, thậm chí có người không công tác tại trạm y tế thị trấn Hà Lam, Trung tâm y tế huyện cũng được ông Đạo yêu cầu tòa mời đến không rõ vì lý do, mục đích gì,” báo Tiền Phong cho biết.

“Nữ hộ sinh dũng cảm” – Dương Thị Thu Thủy, là người theo đuổi vụ tố cáo này trong 2 năm trời, chị từng được TTYT huyện Thắng Bình tuyên dương vì đã có thành tích phát hiện những biểu hiện tiêu cực của viên chức trạm y tế thị trấn Hà Lam.

Tuy nhiên, chị Thủy từ chối, vì cho rằng, mình làm vì sự thật, minh bạch nên không cần khen thưởng, vụ việc chưa giải quyết thấu đáo thì theo chị, khen thưởng chẳng để làm gì.

Ông Cao Giang, nguyên biên tập viên Nhà Xuất bản Thanh niên khi được hỏi về vụ việc nêu trên và cách phòng chống tham nhũng của huyện Thăng Bình, đã nhấn mạnh: Việc bé như con kiến (sai phạm ở trạm y tế cấp xã) mà người ta đã không giải quyết được thì ở những cấp cao hơn, sai phạm nặng nề hơn, người ta còn khó xử lý đến mức nào.
Mất việc, đe dọa tính mạng
Nhiều người tố cáo tham nhũng tại Việt Nam buộc phải có thần kinh thép và sự kiên trì khi họ đối diện với sự bao che tham nhũng trong hệ thống chính quyền cơ sở, nơi để xảy ra tham nhũng. Một số người bị cách chức, thôi việc, bị đe dọa tính mạng bản thân và người trong gia đình.

Năm 2013, liên quan đến vấn đề tố cáo tham nhũng đối với các cá nhân làm việc trong ngành y tế, chị Hoàng Thị Nguyệt, người dũng cảm tố cáo vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại BV Hoài Đức từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 gây chấn động dư luận đã bị đe dọa và bị tố ngược. Sau đó, với sự kiên trì đấu tranh của mình, chị cùng người đồng nghiệp đã được lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội “ghi nhận” bằng một buổi lễ trao bằng khen và 320.000 tiền thưởng, trong không khi được báo giới mô tả là “sơ sài, buồn tẻ, hình thức.”
Chị Dương Thị Thu Thủy lo ngại các ngành chức năng huyện Thăng Bình bao che cho bị cáo Đạo. Ảnh: Lao Động
Sự thờ ơ, lãnh đạm từ chính trong bộ máy chính quyền được xem là một thách thức lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng, bởi những người bị tố cáo là những người có chức có quyền, vừa có lợi thế về kinh tế, địa vị chính trị, tạo thành những nhóm lợi ích để có những hành động trả thù trù dập người tố cáo.

Một trong những vụ án tiêu biểu cho thấy người tố cáo tham nhũng thân cô thế cô” trong cuộc chiến này là vụ việc của dược sĩ Trần Thị Kiều Anh (Phòng giám định y khoa – Sở Y tế tỉnh Bình Phước). Người đã đứng ra tố cáo sai phạm của ông Đoàn Đức Loát – Trưởng phòng Giám định Y khoa, liên quan đến hành vi chi sai, chi khống tiền, bán giấy sức khỏe…

Nhưng sau đó, vào tháng 10/2014, chị Kiều Oanh đã phải nhận quyết định 124/GĐYK-QĐ… buộc thôi việc. Và người ký quyết định không ai khác, chính là người mà chị đứng ra tố cáo hành vi sai phạm – ông Đoàn Đức Loát.

Tuy nhiên, quyết định trái pháp luật lại được Sở Y tế tỉnh Bình Phước ghi nhận là đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, mặc dù Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Bình Phước bác bỏ điều đó.

Đồng thời, ông GĐ Sở Y tế tỉnh Bình Phước, Nguyễn Đồng Thông còn kết tội dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh: “Lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh trật tự, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác, đưa tin sai sự thật về việc tố cáo.”

Quyết định này ra đời, sau khi chị Kiều Oanh bị đe dọa, hành hung tính mạng trong quá trình tố cáo tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan mình.

Chính quyền trọng tiền, khinh cơ chế bảo vệ
Vừa qua, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư liên tịch Quy định việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng. Theo dự thảo, thì thời gian đầu, Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng sẽ được ngân sách nhà nước cấp 5 tỉ đồng và người tố cáo tham nhũng được thưởng cao nhất tới 3,45 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề không nằm ở mức thưởng, mà nằm ở cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng. 

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ trong lần trả lời báo Tuổi Trẻ, cho biết, Nhiều công dân đã đấu tranh chống tham nhũng không cần tiền. Cái họ cần là danh dự và nhân phẩm của con người làm thước đo để đấu tranh chống tham nhũng.

Tôi băn khoăn với quy định tố cáo tham nhũng sẽ được thưởng một số tiền lớn. Tôi cảm thấy những người soạn thảo chính sách đã nghĩ nhiều hơn về lợi ích vật chất, trong khi cần quan tâm nhiều hơn đến tinh thần và trách nhiệm của công dân.

Và theo ông, những nhà chính sách hãy đặt vấn đề khen thưởng theo hướng vinh danh và quan trọng hơn là cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng khỏi bị trả thù, trù dập của những phần tử, tổ chức thao túng tham nhũng.

Tin bài liên quan:

VNTB – Gần 18.000 cán bộ bị kỷ luật vẫn không làm trong sạch bộ máy độc tài

Do Van Tien

Nguyên Trưởng ban tổ chức Thành ủy bị khai trừ Đảng vì ăn chặn tiền thưởng

Phan Thanh Hung

Việt Nam lấy tiền đâu phát triển: Tiến thoái lưỡng nan…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo