Ngụy Hữu Tâm
Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.
Tôi viết bài này vào những ngày từ giữa đến cuối tháng chín. Vừa qua Tết Trung Thu trời có dịu đi đôi chút nhưng mấy ngày nay nóng trở lại hết sức khó chịu.
Đã thế ngày 15/9 vào Bệnh viện Hữu Nghị tiêm hoocmon thường kỳ hàng tháng cứ tưởng cuối tuần vắng, ai ngờ vẫn đông nghịt. Xếp hàng chán chê lấy số từ trước 6h thì đến 8h cũng vào được Phòng khám Khoa U Bướu và được BS Ngọc ở đó làm thủ tục cho nhập viện theo đúng quy trình. Gặp bạn bệnh nhân C., nhỏ nhắn, gầy gò, thua đến chục tuổi, người bên Bộ CA. U dạ dày đã giai đoạn 4 nên như thế là bình thường, có bạn nên thấy thời gian qua nhanh hơn. Anh bảo không vào Bệnh viện 19/8 vì bệnh viện này nay mới bắt buộc người trong ngành vào và nó trang bị tốt nhưng BS chuyên môn yếu và quá xa nhà, anh ở ngay đường Trần Khát Chân, sát Phố Võ Thị Sáu mà.
Hôm sau vội đến thanh toán viện phí một ngày để rồi còn lên Quán Ngon trên Hồ Tây ăn buffet toàn gia tiễn vợ con Chí là Hoa & Minh trở về lại Munich.
12h trưa lên đến đấy đã có Tùng, con rể cô Nhung, đang làm giám đốc một Trung tâm ở Tổng cục Địa chất đứng chờ vì đứa con sinh đôi đang học chuyên tin, trường chuyên ĐHKHTN, ĐHQGHN, đến 12h mới tan, nên đến sau. Hai đứa cháu này số quá sướng, đẻ ở Zurich, hiện có anh đang ở Mỹ đón sang học trung học một năm ở đấy cho biết, nhưng không thể học tiếp được nên tạm về nước chờ khi tốt nghiệp phổ thông, lên đại học, nếu xin được học bổng nhà nước của Mỹ sẽ sang sau. Nhưng với sức học của chúng và mối liên hệ của bố mẹ, chuyện ấy chắc chắn trong tầm tay. Gặp Tùng hỏi thăm anh Toản nguyên sếp của nó và bí thư chi bộ thời đi Algérie của tôi mà bài đầu tôi có nhắc, thì anh đã ra đi mấy năm nay rồi. Thời gian trôi qua nhanh quá. Nhưng thấy cho thấy càng nên viết hồi ký để ôn lại chuyện cũ, không thì mọi thứ sẽ đi vào quên lãng, vì không có ai kiểm chứng. Sau bữa an gia đình vui vẻ đó chúng tôi đến thăm ông cậu Cơ.
Còn nên nhắc, đầu tuần có cú điện của bạn MHT nhờ giúp ông bạn Đức. Günter K. là người thành phố Leipzig của CDC Đức trước đây. Tôi lên nhà anh ở ngõ 35 Xuân Diệu, nói chuyện lửa tiếng với anh vì anh muốn tôi giúp ông tháo gỡ khó khăn. Günter sinh 1951, năm nay vậy cũng đã 71 tuổi rồi, chỉ thua tôi 7 tuổi. Vì là người Leipzig, thành phố có thị trường đại học có thể thao Deutsche Hochschule für Körperkultur-DHfK nổi tiếng một thời, việc khi trẻ ông bị nó cùng ngành thể thao cuốn hút là lẽ đương nhiên. Ông theo đuổi nó từ sớm, trở thành vận động viên môn thể thao đỉnh cao, đi thi đấu thế giới ở nhiều nước, châu Âu, châu Phi đủ cả, thậm chí trở thành vô địch thế giới vài môn nhiều năm, rồi khi quá tuổi thì trở nên giáo viên thể thao kiêm huấn luyện viên, dĩ nhiên vẫn đi khắp thế giới. 1989 khi bức tường Berlin đổ, nước Đức thống nhất càng thuậng lợi hơn cho ông.
Ông đến nước ta từ 15 năm nay. Lúc đầu do ông bạn gợi ý đầu tư vào môn bowling khi đó dân Việt chúng ta đang khoái môn đó. Khi Việt Nam hết nhu cầu này thì do tình cờ mà ông làm bạn được với một công ty nước khoáng lớn Đức có tất cả bản quyền công nghệ lẫn thiết bị cho ngành này, thậm chí muốn cạnh tranh với cả các hãng đa quốc gia đã cắm sâu vào Việt Nam từ lâu như la Vie nhưng thực ra chỉ là nước sạch chứ không phải nước khoáng, chứ ông và công ty kia muốn làm nước khoáng cơ. Ông đã xây xong một nhà máy ở Bắc Giang và ở đó suốt 8 tháng nay từ khi nhà máy bắt đầu hoạt động. Tôi lên đó với ông ngày để làm việc với các đối tác Việt Nam của ông. Đáng tiếc là Günter phải trả giá khá đắt cho học phí đầu tư vào Việt Nam của ông.
Ông bảo đã mất hàng chục ngàn Euro cho việc đó, đã khoan sâu đến 300m vào lòng đất núi đá mà phải đóng lại vì không xin được giấy phép khai thác. Đau đớn nhất cho ông là đã bị giám đốc người Việt và anh phiên dịch tiếng Việt, khi đạt được thành công đầu tiên, nhà máy đi vào hoạt động và những sản phẩm đầu tiên ra lò thì đã lừa ông, mấy tháng qua mất hàng chục triệu VNĐ vì số lớn bình và chai nước sản xuất ra biến đâu mất hút mà không thu lại tiền được. Thế cho nên ngày qua tôi mới bắt đầu có việc làm. Đã có văn bản miễn nhiệm vị giám đốc kia, tôi phải cùng Günter làm việc đó vì phiên dịch đã cho nghỉ việc từ lâu rồi và ông phải trao đổi qua tiếng Anh mà ông không rành lắm, mà tiếng Việt thì ông vái chào vì không vượt qua được khó khăn của 6 con dấu. Thế nên tôi rất hy vọng với việc sắp tới ông đóng vai trò giám đốc luôn. Tôi nghiễm nhiên đóng vai trò phó giám đốc dù không chính thức giữ chức vụ đó, nên chính xác là phó cho ông ở nhiều vấn đề. Ở tuổi này cần gì chức vụ cơ chứ?
Hy vọng sắp tới tôi sẽ còn nhiều dịp làm việc với Günter và còn lên thành phố Bắc Giang nhiều, quê ông Thụ, thông gia của tôi. Cụ thể là chủ nhật tôi phải tổ chức cho chuyến về Hà Nội của ông bằng xe limousine QT là hãng lớn nhất, uy tín nhất nối BG với HN. Chuyện Hà ngày chủ nhật mời ông lên nhà nghỉ ở Sóc Sơn để ông lên thẳng sân bay NB là hỏng vì sáng hôm đó, ông còn phải làm việc với PG Hiếu, đối tác lớn cho ông ở Lạng Sơn, người có thể tiêu thụ nhiều nước khoáng cho ông, thậm chí xây một nhà máy mới ở đó. Nhưng khi về Hà Nội vào buổi chiều trước khi lên sân bay NB, chúng tôi còn bàn được với Hà xem có thể hợp tác những gì với bạn trẻ này để khi về Leipzig, ông có thể chuẩn bị những gì để chúng tôi sẽ tiến hành công việc khi 10 ngày nữa ông sang lại Hà Nội.
Còn ngày thứ bảy, các bạn lớp Lý khóa Chí mời 2 anh em đi ăn trưa ở Nhà hàng Huy Anh Cũ gần công viên trước cửa Bảo tàng Dân tộc học, kỷ niệm hay vì ai ngờ Chí có cô bạn học là con gái đại tướng Nguyễn Quyết. Và chuyện anh em tìm xe buýt đến đó thay vì taxi. Mình đi xe số 45 rồi nối tiếp 96 cho tiện vì đã quen, Chí lại muốn thử chỉ bằng chỉ dẫn google map, tìm kết nối mới. Đâu đơn giản thế, loay hoay từ 12h30 đến… 16h30 mới về mặt đến nhà mà…vẫn theo đường cũ, ứng dụng công nghệ cao chẳng đơn giản vì là với cụ U 80 và U70, dù có bằng cao học và TS vật lý.
Sáng chủ nhật, tất cả con trai họ Ngụy Hữu có buổi gặp mặt nhân dịp Chí về nước, cũng rất vui nhưng chuyện hợp tác chắc khó lắm, thậm chí không thể vì một mặt, ngăn cách lĩnh vực hoạt động quá lớn, nhưng có lẽ khoảng cách tư duy và những dự định hoạt động quá xa chăng. Ông bố tôi đặt tên 2 anh em người có lót Hữu để trở về chính thống, trong khi 2 ông em đặt tên con là Ngụy Như đã gây sự khác biệt rồi.
Nhắc đến thày và bạn Đức thời đó có lẽ còn nên lấy một cái ảnh ngôi nhà Viện ZOS (bộ phận B của GS Hertz, khác với bộ phận A của GS Junge mà bài trước tôi đã đề cập) mà đằng sau đầy chữ ký mọi người. Tôi nhận ra đầu tiên: ngoài R.(oland) König, ông thày trực tiếp cho công việc, còn có Joh.(annes) Hertz là ông thày còn lớn hơn. Tra mạng đáng tiếc chỉ nói năm sinh 1924, mất 2010 và là nhà vật lý và GS người Đức, chính là ông viện phó ZOS và đã là sếp lớn của chúng tôi những năm làm TS, có lẽ còn quan trọng hơn cả ông GS. Junge, viện trưởng. Ông là cháu gọi Heinrich Hertz bằng ông nội và có bố cũng có giải Nobel, tức 2 gia đình vật lý có giải Nobel Đức và Pháp.
Về công việc của nhóm GS J. Hertz, tôi chỉ có thể nói rằng đó là phần chính, mang tính quyết định cho bộ phận B của ZOS vì chịu trách nhiệm cho phần nguồn laser để làm nguồn kích cho quang phổ laser là các nhóm ở đây nên gồm các nhà lý thuyết, rồi thực nghiệm và phần quang học và kỹ thuật mà chính là điện tử và cao áp, bởi vì lúc tôi mới sang ZOS thì họ chế tạo laser nitơ và khá thành công, thậm chí tôi và mấy anh em khác như TPĐ, TAV.. không những copy cho việc chế tạo nhiều laser này ở Việt Nam, mà khi tôi đi Algérie thì họ còn mang được chúng sang hợp tác với Viện Dubna ở Nga. Thế cho nên tôi xin kể tên những người đó và công việc họ làm theo trí nhớ còn đọng lại trong óc.
Có thể TAV, LQM hay BĐĐ bổ sung thêm nếu họ muốn, con TPĐ đáng tiếc đã mất trên chục năm nay vì tai nạn giao thông, khi anh cùng gia đình vào Huế dự cưới con gái, trên đường ra lại Hà Nội thì xe đâm vào gốc cây khi xe chạy suốt đêm ra Hà Nội thì lái xe ngủ gật ở đoạn đường đèo dốc thuộc địa phận Ninh Bình thì phải, tôi không rõ lắm. Những đồng nghiệp Đức này là R. Weidauer, KS điện tử mà tôi khá thường xuyên gặp khi chiếc laser nitơ tôi đang dùng gặp trục trặc và ông lập tưc lao vào việc chữa cho tôi, và TS. Werner Schramm, mà lần trước tôi đã nói kỹ. Còn phải kể ra những nhà quang học khác như J. Jüpner, B. Zschaeck, S. Raab, Z. Heinz… Các kỹ thuật viên và nhân viên thí nghiệm như Hunsalz, K. Jerske, E.Lieber, R.Lendt, B.Schuhmacher, C.Schmeißer (ảnh bài trước ở lễ bảo vệ luận án TS)… Phải kể đến những thành viên Phòng nghiên cứu Phổ Raman của TS. A. Lau, thày anh CĐT: TS Lenz, TS. W.Freyer, TS. M. Ziegler, R. Lendt,… thí nghiệm viên R. Goleschny.
Ông Lau vì là thày hướng dẫn anh CĐT, rất thân tình nên nhiều làn mời tôi về thăm gia đình ông, ông bà đón tiếp hết sức nồng ấm. Họ có có ngôi villa sang trọng với vườn rộng ở ngoại ô phía Bắc thủ đô Berlin, ông bà còn cho xem con ngựa giống nhỏ pony trong vườn. Phòng laser màu của chúng tôi, phải kể thêm kỹ thuật viên là KS. R. Ewers, anh này cũng giúp đỡ tôi rất nhiều khi các máy móc thí nghiệm gặp sự số kỹ thuật. TS. Mory rất vui tính và luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người, bọn chúng tôi rất hay đến liên hoan phòng ở nhà ông bà vì có vườn rộng, mùa hè ăn thịt nướng ngoài vườn hết sức hay và là phổ biến ở châu Âu. Đến 1h sáng tôi mới về, cũng may là đến 2h sáng metro vẫn chạy. Mọi người đều có xe hơi cả.
Một anh bạn người Việt thời đó tôi muốn nhắc nữa là bạn TĐ, ông bạn Moritzburger quý của tôi, thậm chí còn cùng học trên Đại Từ, Thái Nguyên, nhưng anh học Văn, nên sau khi tốt nghiệp về công tác ở VNTTX. Rồi anh tham gia chiến trường khu IV vốn bị đánh phá ác liệt, nên rồi được cử sang làm phóng viên thường trú, trưởng cơ quan đại diện VNTTX tại Berlin, anh được đưa cả vợ con sang, có căn hộ tầng một rất đẹp ngay quảng trường Leninplatz, gần bọn chúng tôi, nên chúng tôi cũng hay tới thăm.
Trở lại phần điểm báo Đức. Tờ Spiegel 29 số ra ngày 09.07.2022 có tựa đề: „Wo sind die nur alle hin-Họ biến đi đâu cả rồi nhỉ“ với. Khó khăn về những nghề lao động tay chân và nặng nhọc như làm bánh, điều dưỡng viên, phục vụ ở sân bay,… Thiếu họ sẽ làm tê liệt cả nền kinh tế chứ chẳng hề đơn giản.
Mục âm nhạc có bài phỏng vấn Paul Anka, ở tuổi 15 ông đã làm bạn được với Frank Sinatra và Michael Jackson, và bây giờ ở tuổi xế chiều, ông được đánh giá ở tư cách là gentleman cuối cùng của nền công nghiệp âm nhạc. Thậm chí gần đây ông còn có được mối liên hệ với Donald Trump.
Cũng còn nhiều bài đáng đọc là về cuộc chiến tranh Ukraine, việc Putin tiến hành chiến tranh lúa mỳ ra sao khi chặn hàng triệu tấn ngũ cốc ở các cảng sông và biển của Ukraine. Và cuộc chiến tranh khí đốt như thế nào khi y tìm cách chặn nguồn khí đốt của châu Âu. Tin hơi cũ nhưng vẫn hay khi muốn thấy bộ mặt thật của Putin.
Và bài phỏng vấn sử gia Anthony Seldon về sự hỗn loạn mà Boris Johnson đã gây ra cho nước Anh. Nhiều người ở Việt Nam chỉ muốn đổ lỗi cho Mỹ về tình hình nước Anh. Địa chính trị đâu đơn giản thế? Cũng sẽ sai nếu đổ hết lỗi cho Boris Johnson.
Ở VNTB có bài hay nên xem: Báo chí Việt Nam đưa tin Nga gây “tội ác chiến tranh ở Ukraine”:Điều tra viên Liên Hợp Quốc kết luận có “tội ác chiến tranh ở Ukraine”.
Báo điện tử “Người làm báo Tiền Giang” của Hội Nhà báo Tiền Giang, hôm 23-9-2022, có bài với tít tựa ở thể khẳng định: Điều tra viên Liên Hợp Quốc kết luận có “tội ác chiến tranh ở Ukraine”, dẫn nguồn từ AFP. Liệu Việt Nam có những chuyển hướng trong mối quan hệ với Nga chăng?
Mục ‚Thiên văn học’ có bài quá hay, xin giới thiệu cùng bạn đọc
Phòng đẻ các ngôi sao
Kính viễn vọng vũ trụ mới „Webb“ cung cấp cho chúng ta những bức ảnh ly kỳ từ những vùng sâu của vũ trụ. Nhờ những bức ảnh này mà một nhà thiên văn học nữ người Đức muốn giải mã sự sinh ra các Mặt Trời
Eva Schinnerer bảo: „Cái ấy thật đáng kinh ngạc“, khi mây tụ lại thành những ngọn núi, và bụi sao vùng vẫy để nổi sóng, rồi những cột kỳ lạ dựng đứng lên. Bà không thích những lời to tát, thế nhưng bức ảnh tinh vân Carina vẫn như muốn vật ngã bà. Người ta gần như nhận ra, làn gió của những ngôi sao mới đẻ thổi bụi vào quang cảnh này và bằng cách ấy điều khiển sự hình thành những Mặt Trời mới. „Đấy là vật lý học đang hành động“, nhà thiên văn học nữ của Viện Max Planck về thiên văn học (MPIA) tại thành phố Heidelberg công nhận.
Cùng với một đồng nghiệp, trong văn phòng của bà, bà đã theo dõi trên màn hình xem cơ quan vũ trụ Mỹ NASA đã giới thiệu những bức ảnh ly kỳ đầu tiên của kính viễn vọng vũ trụ „James Webb“ (JWST) ra sao. Bà và những cộng tác viên khác của MPIA đã chờ đợi giây phút này từ lâu rồi. Với nhiều người trong số họ thì tương lai khoa học phụ thuộc vào chiếc kính viễn vọng có giá 10 tỷ USD này. Cũng có người đã tham gia chế tạo những thiết bị mà chúng đã thu được những bức ảnh này.
Thứ ba rồi NASA đã tổ chức sự kiện lớn „Webb“ với nhiều nhóm nhà khoa học quốc tế trải dài khắp thế giới và nhiều buổi phỏng vấn các chuyên gia. Với những bức ảnh màu giả lòe loẹt chụp từ vũ trụ, các chiến lược gia vũ trụ muốn làm cho thế giới phải ngạc nhiên và đánh hồi chuông mở một kỷ nguyên mới cho ngành thiên văn học. Bây giờ thì kỷ nguyên này đã bắt đầu rồi, trong cộng đồng các nhà nghiên cứu, ngày làm việc bình thường đã trở lại. Và Eva Schinnerer muốn mình là một thành phần của cộng đồng đó.
Tại Space Telescope Science Institute-Viện khoa học kính viễn vọng vũ trụ, nhóm dịch vụ khoa học cũng đã bắt đầu làm việc. Họ chuẩn bị ra những dữ liệu mà từ khoảng cách 1,5 triệu km, kính viễn vọng vũ trụ gửi về Trái Đất. Các nhà thiên văn học khắp thế giới có thể tải chúng xuống. Nhà thiên văn nữ Schinnerer thuộc số những người đã đăng ký xin thời gian quan sát. Trong khuôn khổ của „Phang“, một cộng đồng gồm 100 nhà khoa học, bà dùng siêu kính viễn vọng hướng vào đích là 19 thiên hà. Những bức ảnh của NGC 7496, thiên hà đầu tiên của những thiên hà này, thuộc những dữ liệu đầu tiên được đưa ra cho các nhà khoa học dùng.
Thiên hà này là một thiên hà đòn gánh xoắn ốc khá là trung bình. Nó cách xa ta 62 triệu năm ánh sáng nà như vậy là ở vùng lân cận vũ trụ của Giải Ngân Hà. Nó thuộc số thiên hà nhỏ, đường kính của nó chỉ bằng khoảng một nửa đường kính của thiên hà chúng ta. Schinnerer quan tâm đến việc là các ngôi sao hình thành ở đấy như thế nào. Và quan trọng đối với điều ấy, trước hết là những vùng bụi mà trên một bức ảnh của NGC 7496, chúng ta sẽ nhận ra chúng ở tư cách là những đường gân nhỏ màu đỏ. Vì ở đấy là phòng đẻ các ngôi sao.
Schinnerer và các đồng nghiệp của bà đã có thể nghiên cứu những đám mây phân tử mà ở đấy khí lạnh chuyển động qua lại ở tư cách là nguyên liệu cho những ngôi sao tương lai nhờ kính viễn vọng vô tuyến „Alma“. Trái lại trên những bức ảnh của „Hubble“ và VLT, kính viễn vọng Eso lớn ở Chi Lê sẽ thấy được những vùng được gọi là vùng H-II mà ở đó lúc nhúc những ngôi sao vừa mới hình thành. Nhưng chỉ kính viễn vọng „Webb“ mới cho phép nhìn sâu hơn vào những đám bụi mà ở đó xảy ra chính sự sinh các ngôi sao.
Ở nơi mà „Hubble“ chỉ nhìn thấy tối, thì bây giờ „Webb“ lại cho thấy một loạt những chi tiết. Schinnerer thông báo: „Ngay ở cái nhìn đầu tiên đã cho thấy những cấu trúc rất sinh động“. Ngay vào ngày Thứ năm khi những bức ảnh mới kết tập, bà và các đồng nghiệp Phang của bà bắt đầu với việc đánh giá kết quả.
Ý tưởng về dự án nghiên cứu đến với Schinnerer trước đây 6 năm. Bà đã thành công với việc, trước tiên thuyết phục được một nhúm nhỏ đồng nghiệp rằng, sẽ có lợi nếu nghiên cứu sự hình thành các ngôi sao trong mối liên hệ của chúng với các thiên hà. Tuy nhiên chính bản thân quá trình sinh các ngôi sao lại được coi như là đã hiểu khá kỹ. Các nhà vật lý có thể mô tả khí kết lại với nhau để thành những đám mây phân tử như thế nào, dưới ảnh hưởng của trọng trường nó cô đặc lại và nóng lên và cuối cùng sự kết hợp hạt nhân và qua đó là ngọn lửa ở ngôi sao được mồi như thế nào.
Nhưng vẫn còn chưa rõ là, tất cả những cái ấy liên quan thế nào với thiên hà về mặt tổng thể. Các ngôi sao xuất hiện ở đâu và vào lúc nào? Điều đó phụ thuộc vào thể loại thiên hà như thế nào? Những yếu tố bên ngoài nào đóng vai trò quan trọng? Và tất cả những cái ấy xảy ra ở mọi nơi theo những qui tắc như nhau?
Schinnerer và các đồng nghiệp của bà đi đến kết luận rằng, chỉ có thể trả lời những câu hỏi như thế bằng một sự xem xét tỷ mỷ, có hệ thống các thiên hà. Vậy là họ tìm kiếm ở lân cận vũ trụ của Giải Ngân Hà những thiên hà mà chúng không ở quá xa và cố gắng nhất có thể nằm ở vị trí nhìn từ trên xuống trên bầu trời. Trong thời gian qua, các nhà khoa học Phang đã chụp ảnh được rất nhiều trong số chúng bởi „Alma“, „Hubble“ và VLT. Bây giờ với kính viễn vọng „Webb“, họ hy vọng có thể kết thúc bức ảnh toàn bộ.
Chụp được những thiên hà với độ nét chưa bao giờ đạt tới. Nhưng quan trọng hơn là kính viễn vọng này cho phép nhìn xa vào vùng hồng ngoại của quang phổ và qua đấy làm cho chúng ta nhìn thấy được những cấu trúc mà với chúng thì „Alma“ và „Hubble“ là mù. Để có cái nhìn có nhiều thông tin nhất có thể vào nơi sinh ra các ngôi sao, Schinnerer và các đồng nghiệp của bà chọn toàn bộ là 8 lọc sáng khác nhau.
Người ta chỉ cho nhóm thời gian quan sát là gần 4 tiếng cho thiên hà đầu tiên của họ, với từng lọc sáng, thời gian rọi lên đến 20 min. Sau mỗi lần chụp lẻ, thì như được chuyển động bởi một bàn tay ma, bánh xe lọc sáng trong detector của JWST lại bắt đầu quay cho đến khi lọc sáng được chọn kế tiếp đi khớp vào đường tia.
Đặc biệt là trên những bức ảnh ở vùng hồng ngoại giữa đã nhận ra được, bức xạ của những ngôi sao vừa mới bùng cháy có thể làm cho những đám bụi bao quanh chúng bừng sáng lên như thế nào. Tuy nhiên nảy ra một vấn đề là lỗ đen ở trung tâm thiên hà sáng mạnh đến mức đáng ngạc nhiên. Schinnerer bảo: „Nó sáng quá tín hiệu mà chúng tôi quan tâm. Nhưng chúng tôi sẽ tìm ra được cách lọc nó đi“.
Vào chủ nhật thì nhóm của bà đã chờ các dữ liệu của thiên hà tiếp theo. Lần này thì NGC 0628 đứng trên chương trình, một thiên hà xoắn ốc rất đẹp với cấu trúc xoắn ốc đẹp hệt như trong tranh vẽ. Schinnerer có mối liên hệ đặc biệt với nó, bởi lẽ dự án của bà trước đây đã bắt đầu với những bức ảnh của NGC 0628.
Thiên hà này cũng đáng quan tâm về mặt khoa học: ở đây thì các đám mây phân tử và các vùng H-II nằm rất xa nhau. „Sẽ rất thú vị khi thấy được, cái gì xảy ra ở vùng bụi rộng lớn năm giữa đấy“, Schinnerer bảo.
Bà và các đồng nghiệp của bà đã đăng ký toàn bộ là 107 tiếng trên kính viễn vọng „Webb“. Qua đấy dự án nghiên cứu của bà đứng vào những dự án lớn nhất được lên kế hoạch.
Tháng tám thì họ được phép vui mừng trên các bức ảnh của thiên hà thứ ba. Nó đặc trưng bởi nhiều bụi bất thường ở vùng trung tâm. Cuối năm sau, các bức ảnh của thiên hà thứ 19 và qua đấy là cuối cùng. Là thời gian đã đến để các nhà nghiên cứu tổng kết lại. Nhưng cho tới khi ấy, Schinnerer bảo, chắc chắn sẽ xuất hiện những câu hỏi mới: „Chúng tôi sẽ đặt ra những đơn xin quan sát tiếp theo.“
„Thiên nhiên có sức mạnh và vẻ đẹp hút hồn làm sao“
Sếp khoa học của NASA Thomas Zurbuchen nói về những phát kiến có thể của kính viễn vọng vũ trụ „James Webb“
Spiegel: Thưa ông Zurbuchen, NASA vừa mới giới thiệu bức ảnh đầu tiên của kính viễn vọng vũ trụ mới. C cái nào trong số ấy gây ấn tượng nhiều nhất cho ông?
Zurbuchen: Trước hết là những bức ảnh cho phép nhìn hết sức sâu vào vũ trụ. Ngay sau khi chúng tôi vừa được nhìn bức ảnh này thì tất cả trong phòng bỗng dưng trở nên im lặng. Qua đó thì thấy rõ rằng, tất cả đã tuyệt đối hoạt động đúng như lẽ ra nó phải như vậy. Khi ấy có niềm tự hào không thể tưởng tượng được là, mục tiêu đã đạt rồi. Người ta đứng trước bức ảnh này ở tư cách là nhà khoa học, nhưng cũng cả ở tư cách là con người ở nhận thức: tôi nhìn thấy vũ trụ mà trước đấy, chưa hề có ai được nhìn thấy nhìn thấy nó như thế. Tôi chẳng phải là người duy nhất mà nước mắt tuôn trào.
Spiegel: Cái gì đã làm bức ảnh này khác thường đến thế?
Zurbuchen: Nó cho thấy 10000 thiên hà trong một chấm cực nhỏ trên bầu trời hệt như một hạt cát hiện ra trước mắt ở khoảng cách một sải tay. Đơn giản là thiên nhiên có sức mạnh, giàu sang và vẻ đẹp hút hồn làm sao.
Spiegel: Có nghĩa rằng, kính viễn vọng „Webb“ vừa rung hồi chuông báo một thời đại mới đã đến. Tại sao?
Zurbuchen: Trong bước đường khoa học của tôi thì NASA chỉ khởi động một kính viễn vọng mà nó có thể sánh được với „Webb“, đó là kính viễn vọng „Hubble“. Nó mang đến 2 giải Nobel, cho đến ngày hôm nay nó đưa tới việc xuất bản hàng năm 1000 ấn phẩm, và trước hết: nó có cái cách ảnh hưởng một cách bền vững để chúng tôi suy ngẫm về vũ trụ như thế nào. Tôi tin chắc rằng, „Webb“ cũng sẽ quan trọng hệt như thế: vì độ lớn của nó, vì sự hợp tác quốc tế và vì độ chính xác không gì sánh bằng của nó’
Spiegel: Ngay „Hubble“ đã có thể nhìn rất sâu vào vũ trụ. Ngay cả những bức ảnh „Webb“ khác mà bây giờ ông giới thiệu, thì chúng tôi cũng đã biết từ „Hubble“, dẫu cho không hoàn toàn sáng như thế. Liệu „Webb“ có thật sự cho chúng ta một chất lượng mới chăng?
Zurbuchen: Nhất thiết vậy! Nó có thể quan sát những thứ rất đáng quan tâm mà „Hubble“ không thể nhìn thấy chúng. Đầu tiên bởi lẽ đây là những thiên hà ở rất, rất xa. Đấy là những đối tượng hoàn toàn mới đối với chúng ta mà cho đến nay chúng ta không thể nhìn thấy được. Thứ hai là khí quyển của những exoplanet-hành tinh ngoại. Bằng „Webb“ chúng ta có thể đo, chúng gồm những phân tử nào. „Hubble“ không thể làm được việc ấy.
Spiegel: Liệu sẽ có những nhận thức cụ thể mà ông có thể hứa hẹn với kính viễn vọng mới này chăng?
Zurbuchen: Có rất nhiều. Chẳng hạn như chúng ta sẽ ngắm kỹ mỗi hành tinh của hệ Mặt Trời. Bằng cách đó chúng ta có thể nghiên cứu, khí quyển của những hành tinh này phụ thuộc như thế nào vào khoảng cách của chúng, khối lượng riêng hay những thông số khác. Và rồi thì chắc chắn những thiên hà hết sức xa này sẽ là đối tượng cho rất nhiều những công bố mới. Nhưng những nhận thức quan trọng nhất. Thế nhưng những nhận thức quan trọng nhất thì trong 3 đến 4 năm tới chúng ta mới nhận được. Bởi lẽ chúng ta sẽ tiếp cận những câu hỏi, mà trước tiên từ chúng thì chúng ta phải học cách rằng, liệu chính chúng ta có nên đặt chúng ra chăng. Chẳng hạn ngày hôm nay thì năng lượng tối tỏ ra là kết quả quan trọng nhất của„Hubble“. Khi kính viễn vọng này khởi động, chẳng có ai thậm chí cũng chỉ dám nghĩ đến những vấn đề như thế.
Spiegel: Với Hội đồng giám khảo Stockolm thì năng lượng tối đáng giá một giải Nobel. liệu „Webb“ cũng sẽ mang về những giải Nobel?
Zurbuchen: Đúng thế, tôi tin vào điều đó. Nếu không thì chúng tôi đã chẳng chế tạo ra nó. Tôi vẫn chỉ còn chưa biết, cho mục đích gì. Có thể là những thiên hà xa này. Nếu như chúng tôi có thể chỉ ra rằng, những lỗ đen đóng vai trò nào khi chúng hình thành thì điều ấy sẽ xứng đáng với một giải Nobel. Hay năng lượng tối: phân bố của nó chính ở thời sơ khai của vũ trụ là quan trọng đến mức không thể tin nổi, mà cho đến ngày hôm nay thì chúng ta vẫn chưa có các phép đo. Đấy là những vấn đề mà từ đó sẽ có những giải Nobel.
Spiegel: Ra sao với cuộc tìm kiếm sự sống trong vũ trụ? Nếu có sự sống như thế thì liệu „Webb“ có khả năng tìm ra nó chăng?
Zurbuchen: Chúng tôi sẽ chứng minh được rằng, có tồn tại những địa điểm mà ở đấy có thể có sự sống. Tuy nhiên „Webb“ không được chế tạo cho việc mang lại sự chứng minh rằng có những địa điểm ấy thật sự có tồn tại sự sống. Chúng ta tìm thấy trong khí quyển Trái Đất của chúng ta những phân tử mà chúng có mối liên hệ trực tiếp với sự hình thành sự sống, Dấu ấn của những phân tử như thế thì chúng ta cũng có thể chứng minh được ở những ngoại hành tinh. Thế nhưng làm thế nào mà chúng ta có thể chứng minh được rằng, không có cách giải thích khác cho sự tồn tại của chúng? Chúng ta phải trả lời cho những loại câu hỏi như thế này.
Hình minh họa: 1. Sếp khoa học của NASA Thomas Zurbuchen
- Ảnh „Webb“ chụp Thiên hà Đòn gánh NGC 7496