Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chấm phá đời tôi (15)

 

Ngụy Hữu Tâm

 

(VNTB) – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan. 

Tôi viết bài này vào những ngày cuối tháng mười hai 2022. 

Mục điểm báo Đức không viết được chữ nào vì dịp lễ Tết cuối năm và cũng có thể do rắc rối chiến tranh Nga-Ucraina, đường bưu điện gặp rắc rối, cho nên  hàng tháng nay chẳng có số mới nào về tới Viện Goethe Hà Nội cả.   

Nên cũng có thể nhắc ngay, ngày 6/12 có cuộc triển lãm „Ngô Minh Cầu, cách nhìn phong cách đặc biệt“ nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh ông. Nhân dịp này, cuốn sách thứ hai về hội họa của ông cũng được xuất bản sau cuốn đầu tiên ra mắt năm 2005. Ngô Minh Cầu sinh năm 1927 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Việt Nam khóa Kháng chiến ở Chiến khi Việt Bắc. Năm 1954 ông giành giải thưởng hội họa đầu tiên. Nhưng ông chỉ phát triển mạnh mẽ tài năng năm 1982 sau khi vào thành phố SG, đặc biệt với chất liệu sơn mài, đầy ắp tác phẩm và thành tựu đáng ghi.           

Nhân Viện Nhân học Văn hóa làm lễ tổng kết cuối năm tại làng Bồ Đề, Gia Lâm đầy nét văn hóa, liền 4 cuốn sách đã được xuất bản.  

Đầu tiên phải nhắc đến cuốn „Tiếng gọi của khoảng trống, chân dung văn hóa (Viết như là nội tâm hóa tham dự văn hóa)“ của Đỗ Lai Thúy. 

Thứ hai là „Truyện ngắn Phùng Cung“ 

Tác giả và tác phẩm

Nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18 tháng 7 năm 1928 tại làng Kim Lân, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc), quê gốc ở xã Cam Lâm, tổng Đường Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Họ Phùng ở  Cam Lâm thuộc dòng dõi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.

Là con trưởng một gia đình giàu có, đông con, Phùng Cung được gửi đi trọ học ở thị xã Sơn Tây, có bằng Trung học (Brevet). Tháng 4 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Phùng Cung trở lại quê nhà. Tháng 9 năm 1945, Phùng Cung khi ấy mới 17 tuổi đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, được bầu làm chủ tịch liên xã Hồng Liên Châu. Tên xã do ông đặt và tên ấy vẫn giữ đến ngày nay.  Phùng Cung làm chủ tịch xã được 2 năm. Đến tháng 10 năm 1947, Pháp chiếm Sơn Tây, Phùng Cung chạy lên Việt Bắc cùng mấy anh em trai. Tại đây, ông tham gia công tác văn nghệ. Ở quê nhà, gia đình ông bị liên lụy vì có con đi làm cách mạng. 

Năm 1954, Thủ đô giải phóng, ông về sống tại Hà Nội và hoạt động văn nghệ. Trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, gia đình ông bị quy vào thành phần địa chủ cường hào. Năm 1956, do tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh đăng trên báo Nhân văn số 4, ông bị kỷ luật, tham gia lớp chỉnh huấn ở Thái Hà ấp. Phùng Cung vẫn sáng tác.

Sau nhiều năm, tác phẩm của Phùng Cung xuất hiện trở lại trên báo Sông Hương ở Huế năm 1988, với các bài thơ Nghiêng lụy, Bèo, Người làng, Chiếc lá rụng, Cô lái đò. Tập thơ Xem đêm gồm 200 bài thơ của ông được nhà nước cho phép xuất bản vào năm 1995 (NXB Văn hóa Thông tin). 

Phùng Cung mất ngày 09 tháng 05 năm 1998 tại Hà Nội. 

Tác phẩm: Biệt tích (truyện ngắn)   Chiếc mũ lông (truyện ngắn)   Con muông nòi (truyện ngắn)   Con ngựa già của chúa Trịnh (truyện ngắn)   Dạ ký (truyện ngắn)   Giải thoát (truyện ngắn)   Hương dạ hợp (truyện ngắn)   Mạt kiếp (truyện ngắn)   Mộ phách (truyện ngắn)   Kép nghề (truyện ngắn)   Phòng tuyên truyền địa ngục (truyện ngắn)   Quản thổi (truyện ngắn)   Ván cờ khai xuân (truyện ngắn)   Xem đêm (thơ) 

Thứ ba là „Tóc rối“ – Thơ Yosano Akiko – Dịch Chu Thu Phương 

Yosano Akiko: Một trong những nhà thơ nữ hậu cổ điển nổi tiếng nhất, bị tranh cãi nhiều nhất của Nhật. 

Bà xuất bản tập thơ đầu tay MidaregamiTóc rối“ vào năm 1901. Tập thơ đã bị hầu hết các nhà phê bình văn học đương đại phê phán và thậm chí là lên án. Nhưng bất chấp phản ứng của giới phê bình, tập thơ vẫn được bạn đọc hưởng ứng rộng rãi và trở thành một ngọn hải đăng cho những nhà tư tưởng tự do cùng thời với bà. 

Tập thơ đầu tay của bà cho đến nay vẫn là tập thơ nổi tiếng, đem lại cho thơ tanka truyền thống một chất cá nhân nồng nàn, không giống bất kỳ tác phẩm nào khác của thời kỳ văn học cuối Minh Trị.           

Thứ tư là cuốn sách „Thơ Nôm Hồ Xuân Hương“ – Tái bản có sửa chữa và bổ sung của Kiều Thu Hoạch

Trước lễ Noel một ngày, Nhà xuất bản Tri thức tổ chức giới thiệu sách: Louis Pasteur – Gregor Mendel & Cuộc cách mạng sinh học – y khoa

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh (1822-2022)

Tác giả: Phạm Việt Hưng

Cách đây đúng 200 năm, nhân loại đã sản sinh ra 2 nhà sinh học khổng lồ:

-Louis Pasteur, người được mệnh danh là „Đại ân nhân của Nhân loại“ (The Great Benefactor of Humanity)    

-Gregor Mendel, „Cha đẻ của Di truyền học hiện đại“ (Father of Modern Genetics)

Điều kỳ lạ là 2 ông sinh cùng năm, cùng nêu lên Những định luật đầu tiên của sinh học, cùng biến sinh học thành một khoa học chính xác, và do đó cùng châm ngòi cho cuộc cách mạng sinh học và y khoa từ giữa thế kỷ 19 cho tới nay…

Kỳ lạ hơn nữa, Định luật Tạo Sinh do Pasteur khám phá và Định luật Mendel về Di truyền, mặc dù hoàn toàn độc lập với nhau, nhưng cùng gợi ý cho thấy sự sống chứa đựng một bí mật vượt quá phạm vi của các khoa học động lực học như vật lý và hóa học. Ngày nay chúng ta biết bí mật đó là thông tin của sự sống: mã DNA!

Rất khó để có một đánh giá ngắn gọn về công lao vĩ đại của 2 nhà sinh học khổng lồ này. Độc giả phải tìm những đánh giá đó trong cuốn sách này – một cuốn sách cung cấp một cái nhìn toàn diện về Pasteur & Mendel, đặc biệt chứa đựng nhiều thông tin chưa từng được công bố trên các tài liệu tiếng Việt từ trước tới nay. Qua đó người đọc sẽ thấy những khám phá của Pasteur & Mendel vẫn đang đóng vai trò nền tảng trong những khám phá của sinh học hiện đại, đồng thời gợi ý cho chúng ta nhìn sâu hơn vào thế giới bên trong sự sống, tiến gần hơn tới câu trả lời cho một trong những câu hỏi khó nhất và cũng thú vị nhất:

Bản chất của sự sống là gì?        

Ở buổi giới thiệu sách này, tôi còn được gặp giáo sư Nguyễn Đình Cống và ông đã tặng tôi cuốn sách ông mới xuất bản, cũng ở Nhà xuất bản Tri thức, và nay là bestseller vì in có 500 cuốn mà bán hết ngay trong ngày, nên tôi hân hạnh giới thiệu nó với bạn đọc:

„Cùng học làm người“ – Nguyễn Đình Cống

Khi giảng bài ở các lớp cao học tôi thường từ chối vai trò người dạy và nói với học  viên: „Tôi chỉ có thể hướng dẫn các anh chị học, không thể dạy bất cứ cái gì nếu các anh chị không muốn học“. Trong khái niệm dạy có hàm chứa một phần sự áp đặt. Mà chẳng ai muốn bị áp đặt. Lên lớp đã không dạy thì viết sách càng không thể dạy. Tốt nhất là cùng học, học lẫn nhau, học từ cuộc sống, từ sách vở. Tôi đã học được như vậy cố gắng đúc kết lại thành „Bài học cuộc đời“, thành „Những lời tâm sự“ để cùng học với moi người và đặc biệt là với các bạn trẻ. 

Cùng học làm người cũng tức là tôi đang tiếp tục học cùng các bạn. Mong các bạn trẻ có thể lượm nhặt và vun đắp thêm những chiêm nghiệm trên con đường trưởng thành.  

Giáo sư  Nguyễn Đình Cống   

   

Giáo sư  Nguyễn Đình Cống còn biếu tôi một cuốn sách nữa mà vì thấy nó quá hay nên nhân đây xin giới thiệu cùng bạn đọc: 

Nguyễn Đình Cống – Học làm phản biện – Nhà xuất bản Tự lập – Hà Nội 2022

 

Lời nói đầu

Phản biện là một hoạt động cần thiết trong xã hội.

Để đánh giá các luận văn, luận án, công trình khoa học cần có phản biện. Những chủ trương, chính sách, luật pháp khi được phản biện đầy đủ sẽ tăng mức độ chính xác và hiệu quả. Cao hơn là phản biện các lý thuyết khoa học, các học thuyết chính trị.

Không chỉ những việc quan trọng, những vấn đề về khoa học, những ý kiến bất đồng cần phản biện mà nhiều thông tin hàng ngày cũng rất cần phản biện để loại bỏ tin giả, bịa đặt, để ngăn ngừa và xử lý sự dối trá, lừa bịp, để sửa đổi những nhận thức đã lạc hậu, để loại bỏ những giáo điều đã lỗi thời.

Trong cuộc sống thường ngày, giữa những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, giữa cấp trên và cấp dưới không phải bao giờ các ý kiến, các quan điểm đều được thống nhất. Lúc này nếu biết cách phản biện thì có thể tìm được tiếng nói chung, còn nếu không thì dễ phát sinh cãi cọ, mâu thuẫn. 

Phản biện về khoa học, về các vấn đề chính trị, xã hội là việc khó, cần trình độ chuyên môn. biết phương pháp, là nhiệm vụ của các trí thức có trách nhiệm. Phản biện những thông tin hàng ngày thì nhiều người làm được với điều kiện dám suy nghĩ độc lập. Không phải chỉ những người có tri thức cao biết làm phản biện mà những người ít học, ngay cả  trẻ em đều có thể và cần làm phản biện.

Trong những nền giáo dục khai phóng trẻ em đã được học và thực hành phản biện. Lớn lên các em trở thành những con người năng động, sáng tạo. 

Ngược lại trong nền giáo dục áp đặt, dù ở gia đình hay nhà trường, trẻ bị ngăn cấm phản biện người bề trên, chúng lớn lên thành những người chỉ biết vâng lời, chỉ biết thừa hành máy móc. Tuy vậy một số em nhờ có những hạt giống tích cực bẩm sinh mà vượt qua được sự áp đặt, trở thành những trẻ tự chủ, có tính năng động, biết phản biện và sáng tạo. Những em đó một thời bị mang tiếng ngang bướng, bất trị, cá biệt, một số bị vùi dập, nhưng rồi có nhiều em sẽ trưởng thành, làm được những kỳ công.    

Phản biện cũng giống như nhiều phẩm chất khác, được hình thành và phát triển từ 2 nguồn: tiên thiên và hậu thiên. Tiên thiên là phần có trước khi sinh ra nhờ di truyền và bào thai hấp thụ được tinh hoa của Trời Đất. Hậu thiên là phần có sau do học tập, giáo dục, rút kinh nghiệm trong suốt cuộc đời.

Tài liệu này chủ yếu trình bày những vấn đề liên quan tới hậu thiên. 

Thời quân chủ, vua nói gì thì mọi người phải  nghe, nói ngược là phạm tội khi quân, bị giết. Tuy vậy ở nhiều triều đại vẫn có chức gian quan để phản biện việc làm ai trái của vu. Là minh quân,  vua sẽ lắng nghe, còn không phải minh quân thì những lời phản biện chỉ được lưu giữ trong sử sách. Đó là trường hợp của Chu Văn An, của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam xuất hiện nhà phản biện nổi tiếng Phan Khôi (1887-1959). Ông đã viết nhiều bài phê phán các quan điểm và công việc của triều đình, của nhà nước bảo hộ, của Nho giáo, của truyền thống và phong tục, của một số cá nhân (Lại Nguyên Ân là nhà văn có nhiều sưu tập về ông)’

Bút chiến là một dạng phản biện qua lại. Từ năm 1935 đến 1939 ở Việt Nam đã có nhiều cuộc bút chiến giữa phái „Nghệ thuật vị nghệ thuật“ do Hoài Thanh làm chỉ soái và phái „Nghệ thuật vị nhân sinh“ do Hải Triều dẫn dắt. 

Trong văn học có hoạt động phê bình, một dạng của phản biện. Gần đây những phản biện của Hoàng Tuấn Công về các sai sót, nhầm lẫn trong một số từ điển gây được nhiều chú ý.

Về dạy học đã có một số lớp dạy lý thuyết và thực hành phản biện do vài cơ sở đào tạo thực hiện bằng các lớp trực tiếp hoặc trình bày qua các bài giảng trên mạng.

Về tài liệu đã có nhiều cuốn sách của các tác giả nước ngoài được dịch và xuất bản. Cũng đã có sách của các tác giả trong nước. Viết cuốn sách này tôi chỉ mong góp một vài ý kiến nhằm làm phong phú thêm hiểu biết về phản biện. 

Mong ước của tác giả là góp phần nâng cao sự hiểu biết và thực hành phản biện cho những người quan tâm mà chưa có được sự thành thạo cần thiết…

 

Hôm sau, nhà văn Hoàng Minh Tường mời chúng tôi đến dự lễ khánh thành Nhà thờ Tổ anh vừa xây xong tại quê anh là một xóm nhỏ chỉ cách Thị trấn Vân Đình 3km. Văn võ bá quan từ Hà Nội về (nay thì địa phương này cũng đã thuộc Hà Nội rồi, chúng tôi đi trên cao tốc gần suốt tuyến 50 km mà mất gần 2 tiếng, khi về trở lại thành phố chỉ mất một tiếng vì chúng tôi ra ngay con đường Pháp Vân-Cầu Giẽ) cũng phải đến dăm tá, ngồi chật cái sân cực kỳ rộng, toàn thế giới văn nghệ và khoa học, hầu như quen biết cả, cũng vui. Lâu ngày không về nay về thôn quê (có đi qua Bình Đà, chỉ cách quê ngoại tôi 2 km) khá nhiều ấn tượng, đặc biệt nhất là chẳng còn nét gì của thôn quê Việt Nam nữa, đã đô thị hóa hết rồi. Ăn trưa cũng hay, rất quê và rất ngon, các món thịt lợn, gà, cá…và dĩ nhiên cả…chó nhưng tôi chỉ gắp một miếng cho có, vì hy vọng sắp tới nó sẽ biến khỏi thực đơn Việt Nam. Nhưng hay là có bánh chưng và bánh gai, vừa ra lò nên ăn rất ngon.

Đầu tuần tôi đón gia đình Karsten König, con trai giáo sư Roland König, thầy hướng dẫn luận án TS của tôi ở ZOS, Berlin, sang Việt Nam ăn Noel và Tết Tây. Anh cũng là giáo sư vật lý laser nổi tiếng ở mấy trường đại học Mỹ và Đức, chúng tôi cũng đã từng mời anh sang thăm Việt Nam thế mà cũng đã 20 năm nay, đáng tiếc anh quan tâm đến các thiết bị laser y tế xa với các vấn đề của chúng tôi ở VVL, VHLKH&CNVN quá nên không có quan hệ khoa học. Chị vợ và cậu con trai sang Việt Nam lần đầu nên dĩ nhiên tôi phải làm hướng dẫn viên du lịch một ngày citytour Hà Nội. Lại gặp một số khách Đức, nhưng họ đi lẻ không guide y như ông bạn tôi, các đoàn lớn nhỏ chưa sang. Nhưng hay nhất đối với tôi là được dịp ôn lại kỷ niệm xưa khi ở Berlin. Karsten nhắc lại bữa đầu khi tôi mới sang có cùng tất cả phòng đến giúp bố anh xây cái gara ô-tô vì ông bố anh vừa mới sắm được chiếc xe Wartburg là xe hơi thời thượng ở CHDC Đức khi ấy. Rồi những người thân quen ở nhóm nghiên cứu mà anh sau này hoạt động khoa học trong cùng lĩnh vực nên rất biết như Scholz, Mory, Leupold, Lau, Lademann… Ra đi và nếu còn thì cũng đã hưu trí cả, ốm yếu, c’est la vie! Hay nhất là anh kể về ông chú. Cũng nên nhắc lại xuất thân ông thầy tôi, ông bố rất bình thường, chỉ làm nghề lái xe lửa. Nhưng ông quan tâm tới sự học hành của con cái nên 2 anh em lên Berlin học đại học, anh học Hóa, em học Lý, rất thành đạt. Nhưng con đường chính trị của 2 người lại hoàn toàn trái ngược nhau. Vào thời CHDC Đức theo XHCN thì thế là mâu thuẫn đối kháng rồi. Ông em lấy một cô nữ y tá con tư sản (ông bố bà là chủ một hãng vận tải) nên không vào đảng, là điều gần như là cấm kỵ với cán bộ nghiên cứu khoa học. Ở bài sau tôi sẽ kể vì thế mà khi tôi nhờ VVL mời ông sang Việt Nam 3 lần, đều bị VHLKH CHDC Đức từ chối không cho đi. Ông anh theo đuổi lý tưởng cộng sản, vào đến BCHTW Đảng SED là đảng lãnh đạo CHDC Đức khi ấy. Dĩ nhiên ông cũng là Bộ trưởng, nông nghiệp, nhưng ông thầy tôi bảo ông ta chuyên môn hóa nên thực ra phụ trách chế tạo đạn dược vì công nghiệp azot có thể hiểu là phân bón hóa học mà là thuốc nổ cũng được. Hai con trai ông cũng theo con đường quân đội. Hai anh em không bao giờ nói chuyện với nhau, 2 gia đình cũng không có quan hệ với nhau. Ông anh hưởng mọi ân huệ của chế độ. Thế nên 1989 bức tường Berlin đổ, thay đổi thể chế, ông này vỡ mộng, lấy súng lục tự tử. Vợ con mất nhà. Họ gặp khá nhiều khó khăn, nhưng xét cho cùng, cũng là lẽ đương nhiên ở đời…

Ăn trưa, chúng tôi đến khách sạn Golden Lake của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, „học trò của cụ Pasteur“, con người làm nên sự nghiệp chỉ qua nghề bán bia thời chiến tranh mà giáo sư Phạm Việt Hưng đã có dịp giới thiệu trên tờ „Thời báo Văn học Nghệ thuật“, vì Karsten muốn chuyển sang khách sạn 5 sao, anh không hài lòng với khách sạn 3 sao ở Phố Cổ nữa. Chúng tôi được „mắt thấy tai nghe“ sự thành công của khách sạn này, đẹp, sang trọng thật, và rõ ràng là họ đã vượt qua được covid 19. Rồi chúng tôi về ghé thăm trường ĐHTHHN phố Lê Thánh Tôn vì cha tôi và giáo sư Roland König từng quen biết nhau, đã gặp nhau cả ở Berlin và Hà Nội, và dĩ nhiên nhà tôi nữa.

Còn ngày sát cuối năm tôi đi ăn cưới, vợ chồng cậu cháu con gái cô em Ngụy Tuyết Nhung tổ chức lễ thành hôn cho con trai ở một địa điểm sang trọng bậc nhất thủ đô, đấy là Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Cô cháu P Thiên Hương này số cực hên, may mắn được cha tôi tác động để đi học Liên Xô, học Trường Mỏ ở Moscow mà khi ấy, tức là 1991 dịp nghỉ hè hay đông ở Algeria, tôi có tới thăm chúng nó (vợ chồng sau này, vốn là bạn cùng học, mẹ Tùng là vợ ông Hợi, vốn làm lái xe cho cha tôi ngay sau Giải phóng Thủ đô 1954, rồi làm nhân viên phòng thí nghiệm Khoa Lý ĐHTHHN mà anh em cán bộ sinh viên Khoa Lý hết sức thân thiết) để giải tỏa tinh thần, tôi còn nhớ rõ là Hương thấy tôi chán nản quá đã thốt lên: „Thấy 2 bác chia tay nhau buồn như thế, cháu sợ hôn nhân quá“. Nhưng đứa nay rất hạnh phúc. Hương về dạy Trường Đại học Mỏ Địa chất, đi cao học ở Sydney, Australia rồi làm tiếp TS ở ETH Zurich, khi ấy Tùng đã làm TS ở Anh lại được trường này làm cộng tác viên nên Bách, cậu con này, tên Bách, có thời gian dài theo bố mẹ ở Anh và Thụy Sĩ nên nói tốt tiếng Anh và Đức. Hương đẻ sinh đôi nên cô Nhung em tôi còn có dịp sang trông cháu 3 tháng. Khen Tây có mà khen suốt ngày. Lẽ ra chúng nó đã ở châu Âu luôn, nhưng bố Tùng khi ấy ốm ung thư chờ chết nên 2 vợ chồng phải về. Hương nay đã là PGS Trường Đại học Mỏ, Tùng làm Viện phó Viện Dầu khí kiêm P Hiệu trưởng môi Trường đại học Dầu khí Vũng Tàu. Bách học giỏi nên có học bổng sang Mỹ học rồi làm tiếp TS bên ấy, quen cô dâu cùng học nên chúng nó về Hà Nội làm lễ  cưới. Điều đáng nói là cô em Nhung tôi bây giờ lại quay về gốc gác Phúc Kiến của chúng tôi khi cô cháu dâu này người gốc Hồng Công. Còn cậu con trai P Thiên Sơn, anh trai của Hương, học tin học ở Sydney rồi định cư luôn ở đấy, cũng đang chuẩn bị lấy một cô gốc Bắc Kinh. Đám cưới Thế Bách-Sze Cheng cực kỳ đông: 300 khách, bạn bè Mỹ về cũng gần chục người.                    

  Trở lại kỷ niệm xưa ở Phòng Quang học VVL những năm cuối 70 đầu 80 thế kỷ trước, khi Quốc tế cấm vận vì chiến tranh biên giới phía Nam, thì các nhà khoa học Pháp lại hết sức thông cảm, quyên góp và gửi tặng chúng tôi 4 chiếc laser công nghiệp rất mạnh, 2 chiếc laser rắn là laser ruby và laser neodym và tuổi laser khí CO2. Người mang máy sang là TS Pierre Flamant của đại học École Polytechnique. Ông cũng có bài giảng hàng tuần cho cán bộ Phòng chúng tôi. Tôi còn nhớ như in, hồi đó tiếng Anh và Pháp của tôi còn yếu quá nên sau vài buổi, NX Phúc, làm TS ở Ba Lan về nên tiếng Anh rất tốt phải dịch thay cho tôi, Phúc sau là Viện trưởng Viện Vật liệu, khi về hưu thì đi Mỹ suốt vì có con đã định cư bên ấy. Pierre Flamant cũng là người đã tổ chức cho chuyến đi postdoctorat của tôi vào năm 1983, mà tôi sẽ kể sau. Người chăm chỉ ở những bài giảng này nên nắm bắt tốt nhất những ý tưởng khoa học của Flamant là NĐH, mà phần thưởng rõ ràng nhất là anh được học rất lâu ở Paris, chắc chắn không ít hơn 5 năm và có lẽ cũng vì vậy mà tận dụng được hết sức tốt các mối liên hệ đó, nhưng đúng hơn là có Chúa Trời phù hộ, mà tôi sẽ kể sau.        

Vào những ngày nghỉ, tôi cũng có dịp đưa Pierre Flamant đi thăm Vịnh Hạ Long, Chùa Hương… và nhiều điểm ở Hà Nội. Có lẽ kỷ niệm rất sâu ở tôi ở những chuyến đi này là, ngay từ đầu Pierre đã nhắc tôi là Sứ quán Pháp đã nhắc ông, phải rất để ý để không lạc vào các phố có biển cấm màu đỏ hình quả trám gạch ngang chữ C là cấm người nước ngoài vào các phố đó. Số là thời ấy thành phố hết sức nhếch nhác nên số người nước ngoài đến Việt Nam rất hạn chế đã đành, mà ngay khi họ đã đến thì cũng hạn chế đi lại. Các phố quá nhếch nhác thì dễ làm nhất cho lãnh đạo thành phố là cấm họ vào luôn! Cũng nên ôn lại nữa là đi đâu với Pierre, tôi cũng phải kè kè mang bên mình tờ công lệnh có con dấu đỏ, không thì Công An có thể bắt ngay lập tức vì quan hệ với người nước ngoài! Cũng vậy khi các khách của ZOS, của một nước anh em, sang mà cũng vậy. Và còn chuyện này, cũng khá buồn cười mà nhân đây nhắc lại cho vui ngày cuối năm. Số là sau 4 năm ở Đức bơ sữa thừa mứa thế nào (những năm tháng ăn bo bo sau 75 nhiều người kể rồi), tôi trông béo tốt trắng trẻo ra sao mà tất cả nhân viên khách sạn Thắng Lợi, nơi Pierre trú, cứ nhất quyết tin rằng, tôi là chuyên gia Nhật! Nói ra điều đó bây giờ chắc chắn nhiều bạn đọc trẻ không tin mà cho là tôi bịa chuyện để mua vui! Nhưng vào thời đó, chẳng vinh dự gì mà trái lại, mua nghi ngờ và cảnh giác vào mình!

Bài cũng dài, xin kết thúc ở đây để lần tới kể tiếp.

 


 

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trung Quốc nhìn từ nước Đức ( Bài 2) 

Phan Thanh Hung

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 33)  

Phan Thanh Hung

VNTB – Suy nghĩ tản mạn những ngày cuối năm 2020

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo