Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chất vấn Việt Nam về “hành vi đe dọa và trả thù vì đã hợp tác với LHQ”

PALAIS DES NATIONS • 1211 GENEVA 10, SWITZERLAND

Báo cáo viên đặc biệt về nạn buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em; Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của di dân; Báo cáo viên đặc biệt về các hình thức nô lệ đương thời, bao gồm nguyên nhân và hậu quả và Báo cáo viên đặc biệt về bạo hành đối với phụ nữ, các nguyên nhân và hậu quả.

SỐ THAM CHIẾU: UA VNM 3/2022

 

(xin dùng số tham chiếu này trong phản hồi của quý vị)

Ngày 26 tháng 4 năm 2022

Xin chào Ngài,

Chúng tôi rất vinh dự được tiếp xúc với Ngài với tư cách là Báo cáo viên đặc biệt về nạn buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em; Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của di dân; Báo cáo viên đặc biệt về các hình thức nô lệ đương thời, bao gồm nguyên nhân và hậu quả và Báo cáo viên đặc biệt về bạo hành đối với phụ nữ, các nguyên nhân và hậu quả, theo các nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền 44/4, 43/6, 42/10 và 41 / 17.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi muốn lưu ý Chính phủ của Quý vị đến thông tin mà chúng tôi nhận được liên quan đến những cáo buộc về hành vi đe dọa và trả thù vì đã hợp tác với LHQ, nhắm vào cô H’Thái Ayun và một nhóm phụ nữ, nạn nhân của nạn buôn người, những người đã hồi hương từ Ả Rập Xê-út về Việt Nam, cũng như thân nhân của họ. Có thông tin cho rằng những hành động trả thù này có liên quan đến việc họ chia sẻ thông tin và lời khai về tình huống của họ với một số báo cáo viên đặc biệt đã lên tiếng về các cáo buộc và yêu cầu thông tin cụ thể từ Chính phủ của Quý vị.

Những báo cáo viên đảm trách các thủ tục đặc biệt đã gửi một thông báo tới Chính phủ của Quý vị vào ngày 25 tháng 10 năm 2021, bày tỏ lo ngại về các vụ vi phạm nhân quyền được báo cáo gây ra đối với một nhóm phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn người (VNM 5/2021). Một văn thư về những lo ngại được nêu ra cũng đã được gửi song song tới Vương quốc Ả Rập Xê Út. Một số phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam đã bị các cơ quan tuyển dụng lao động ở Việt Nam tuyển dụng để làm giúp việc gia đình tại Vương quốc Ả Rập Xê Út. Khi đến Vương quốc Ả Rập Xê Út, nhiều phụ nữ trong số này đã rơi vào hoàn cảnh bị bóc lột. Một số phụ nữ bị đánh đập, bị tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhân phẩm khác. Cũng có báo cáo về các cáo buộc lạm dụng tình dục, bạo hành tình dục và bạo hành trên cơ sở giới tính. Một số phụ nữ được cho là đã bị cưỡng bức lao động, bị thiếu ăn, không được điều trị y tế và không được trả lương hoặc họ bị trả lương thấp hơn hợp đồng quy định. Hơn nữa, thông tin nhận được cho thấy có một đường dây buôn công dân Việt Nam tại Vương quốc Ả Rập Xê út đã tiếp cận lao động nhập cư Việt Nam, nhiều người trong số họ đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương, với lời hứa sẽ được trả lương cao hơn. Một số phụ nữ tại Trung tâm Dịch vụ Xã hội SAKAN đã được hồi hương về Việt Nam.

Chúng tôi cảm ơn Chính phủ của Quý vị đã phản hồi cho thông báo này vào ngày 5 tháng 3 năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi rất tiếc rằng một số câu hỏi không được giải quyết trong công hàm phản hồu của quý vị, đặc biệt liên quan đến việc điều tra, truy tố và các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với thủ phạm vì vai trò của họ trong việc buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Hơn nữa, chúng tôi đã nhận được những cáo buộc mới liên quan đến tình trạng của một số phụ nữ bị ảnh hưởng mà rất đáng lo ngại.

Theo thông tin nhận được:

Sau khi ban hành Thư cáo buộc chung từ một số báo cáo viên đảm trách những Thủ tục đặc biệt gửi tới Chính phủ của Quý vị và Vương quốc Ả Rập Xê-út vào ngày 25 tháng 10 năm 2021, các nạn nhân của nạn buôn người, bao gồm một số người hồi hương về Việt Nam và người thân của họ, đã và đang sinh sống. trong bầu không khí lo sợ liên tục và được cho là đã bị đe dọa bởi các quan chức Chính phủ Việt Nam, đại diện của các công ty xuất khẩu lao động, những kẻ buôn người hoặc côn đồ có liên hệ với những kẻ buôn người. Hơn nữa, trùng với việc công bố thông tin liên lạc do các báo cáo viên đảm trách các thủ tục đặc biệt nói trên cho Chính phủ vào ngày 25 tháng 10 và thông cáo báo chí được phát hành vào ngày 4 tháng 11 năm 2021, có cáo buộc rằng đã có sự leo thang của các hành vi đe dọa đối với các nạn nhân hồi hương và gia đình họ. Những cáo buộc này bao gồm đe dọa, gây áp lực lên nạn nhân và gia đình để họ ngừng khiếu nại và liên lạc với các tổ chức nước ngoài, cũng như có cáo buộc về việc công an theo dõi một số nạn nhân. 

Trường hợp của cô H’Thái Ayun là minh chứng cho việc một số nữ nạn nhân buôn người bị áp lực trầm trọng hơn sau sự can thiệp của các báo cáo viên LHQ. Cô H’Thái Ayun đã rất lớn tiếng tố cáo sự việc, kể cả trên mạng xã hội, và yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan bảo vệ. Có thông tin cho rằng trong thời gian ở Trung tâm Dịch vụ Xã hội SAKAN, cô đã bị buộc tội chuyển thông tin cho các tổ chức ở nước ngoài và bị đe dọa bạo hành thể xác. Có báo cáo là nhiều cư dân Việt Nam của Trung tâm SAKAN trở về Việt Nam đã bị công an thẩm vấn về các hoạt động và liên hệ của cô ấy ở Ả Rập Xê Út. Song song đó, người thân của cô được cơ quan công an thông báo khởi tố hình sự đối với cô. Vào tháng 12 năm 2021, do tình hình của cô ở Trung tâm SAKAN ngày càng xấu đi và những lo ngại đáng tin cậy và có cơ sở cho sự an toàn của cô nếu trở về Việt Nam, cô H’Thai Ayun đã được chuyển đến một nước thứ ba và trường hợp của cô đang được các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc theo dõi chặt chẽ. 

Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những cáo buộc này về một môi trường sợ hãi và các hành động đe dọa và trả thù, đặc biệt là do chúng dường như là hậu quả của việc nạn nhân chia sẻ lời khai của họ và sử dụng các thủ tục được thiết lập dưới sự bảo trợ của LHQ để bảo vệ các quyền con người và quyền tự do cơ bản, cụ thể là các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền. Những hành động này thực sự có thể nhằm trả đũa một nhóm phụ nữ, nạn nhân của nạn buôn người, những người được hồi hương từ Ả Rập Xê Út và các thành viên gia đình của họ và những người khác hỗ trợ họ hợp tác với một cơ quan thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Nếu được xác nhận, những hành vi như vậy không chỉ nhằm mục đích cấm cản việc báo cáo những lo ngại đó mà còn dẫn đến việc nạn nhân phải tự kiểm duyệt và tạo một thông điệp đe doạ đáng sợ, có khả năng ngăn cản những người khác chia sẻ lời khai và thông tin với LHQ trong lĩnh vực nhân quyền. Chúng tôi lưu ý rằng những lo ngại về các hành vi đe dọa và trả đũa đối với sự hợp tác hoặc tìm cách hợp tác với LHQ đã được nhiều chủ thể LHQ liên tục nêu ra trong vài năm qua, như Tổng thư ký đã báo cáo trong báo cáo hàng năm về hợp tác với LHQ, đại diện của LHQ và các cơ chế của LHQ trong lĩnh vực nhân quyền.

Chúng tôi muốn Chính phủ của Quý vị chú ý đến Nghị định thư của Liên hợp quốc về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt hành vi buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Nghị định thư Palermo), được Chính phủ của quý vị phê chuẩn vào năm 2003, qua đó Chính phủ của Quý vị có nghĩa vụ kiềm chế các hành vi có thể làm thất bại hoặc phá hoại các mục tiêu và mục đích của Nghị định thư, bao gồm phòng, chống buôn người, đảm bảo hỗ trợ nạn nhân, đưa ra các biện pháp khắc phục hiệu quả và truy tố những người có trách nhiệm.

Về các cáo buộc chỉ ra rằng các vi phạm có thể là một hành động đe dọa và trả thù những người hợp tác với LHQ trong lĩnh vực nhân quyền, chúng tôi xin tham chiếu các nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền 12/2, 24/24, 36/21, 42/28 và 48/17 tái khẳng định quyền của mọi người, cá nhân hoặc liên kết với những người khác, được tiếp cận và giao tiếp không bị cản trở với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, các đại diện và cơ chế của tổ chức này trong lĩnh vực nhân quyền. Trong các nghị quyết này, Hội đồng Nhân quyền kêu gọi các Quốc gia kiềm chế mọi hành động đe dọa hoặc trả thù, thực hiện mọi biện pháp thích hợp để ngăn chặn sự xuất hiện của các hành vi đó. Điều này bao gồm việc thông qua và thực hiện các luật và chính sách cụ thể, cũng như ban hành hướng dẫn thích hợp cho các cơ quan chức năng quốc gia, nhằm thúc đẩy một môi trường an toàn và tạo điều kiện cho việc tham gia với Liên hợp quốc về quyền con người và để bảo vệ hiệu quả những người hợp tác với Liên hợp quốc. Hội đồng cũng kêu gọi các Quốc gia đảm bảo trách nhiệm giải trình đối với việc trả đũa bằng cách cung cấp quyền tiếp cận các biện pháp khắc phục hậu quả cho nạn nhân và ngăn chặn mọi sự tái diễn. Hội đồng kêu gọi các Quốc gia chống lại sự trừng phạt bằng cách tiến hành các cuộc điều tra nhanh chóng, không thiên vị và độc lập, theo đuổi trách nhiệm giải trình và lên án công khai tất cả các hành vi như vậy.

Hơn nữa, chúng tôi muốn nêu lên nghị quyết 22/6 của Hội đồng Nhân quyền quy định quyền “tiếp cận và giao tiếp không bị cản trở với các cơ quan quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, các đại diện và cơ chế của LHQ trong lĩnh vực nhân quyền, bao gồm Hội đồng Nhân quyền, các thủ tục đặc biệt của Hội đồng, cơ chế rà soát định kỳ phổ quát và các cơ quan hiệp ước, cũng như các cơ chế nhân quyền khu vực ”.

Toàn bộ văn bản của các công cụ và tiêu chuẩn nhân quyền được nhắc lại ở trên có sẵn trên www.ohchr.org hoặc có thể được cung cấp theo yêu cầu.

Xét về tính cấp thiết của vấn đề, chúng tôi rất mong nhận được phản hồi về các bước ban đầu mà Chính phủ của Quý vị đã thực hiện để bảo vệ quyền của những người nêu trên, dựa trên các công cụ quốc tế.

Vì trách nhiệm của chúng tôi, theo nhiệm vụ do Hội đồng Nhân quyền giao phó cho chúng tôi, là tìm cách làm rõ tất cả các trường hợp mà chúng tôi lưu ý, chúng tôi rất mong nhận được những quan sát của quý về những vấn đề sau:

1. Vui lòng cung cấp bất kỳ thông tin bổ sung và nhận xét nào mà quý Chính phủ có thể có về các cáo buộc nêu trên.

2. Vui lòng cung cấp thông tin về các biện pháp được áp dụng, về mặt pháp lý và thể chế, bảo vệ các cá nhân khi liên lạc với các tổ chức của LHQ để cung cấp thông tin, bao gồm cả việc khiếu nại về các cáo buộc vi phạm nhân quyền của họ. Nếu không có các biện pháp này, thì điều gì ngăn cản công dân Việt Nam giao tiếp với các cơ quan của LHQ? Nếu các thông tin liên lạc như vậy bị cấm theo luật trong nước, vui lòng giải thích lý do của việc cấm đó và cách thức cấm cản này có tương thích hay không với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam theo Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị.

3. Vui lòng cung cấp thông tin chi tiết về các bước thực hiện để điều tra các cáo buộc rằng các nạn nhân buôn người và người thân của họ đã bị các quan chức chính phủ, đại diện của các công ty xuất khẩu lao động, những kẻ buôn người và các cá nhân có liên hệ với những kẻ buôn người trả thù vì nạn nhân báo cáo cho LHQ các vi phạm nhân quyền của họ.

Trong khi chờ quý Chính phủ phản hồi, chúng tôi yêu cầu tất cả các biện pháp tạm thời cần thiết phải được thực hiện để ngăn chặn các vi phạm bị cáo buộc và ngăn chặn chúng tái xuất hiện và, trong trường hợp các cuộc điều tra hỗ trợ hoặc cho thấy các cáo buộc là đúng, để biện pháp tạm thời đảm bảo trách nhiệm giải trình của bất kỳ người nào chịu trách nhiệm vì các vi phạm bị cáo buộc.

Vì có  cáo buộc về sự trả đũa vì hợp tác với Liên hợp quốc về nhân quyền, chúng tôi dành quyền chia sẻ thông tin liên lạc này – và bất kỳ phản hồi nào nhận được từ Chính phủ của Ngài – với các cơ quan hoặc đại diện khác của Liên hợp quốc đề cập đến sự đe dọa và trả thù vì hợp tác với Liên hợp quốc trong lĩnh vực nhân quyền, đặc biệt là quan chức cấp cao của Liên hợp quốc được Tổng thư ký chỉ định lãnh đạo các nỗ lực trong hệ thống Liên hợp quốc nhằm giải quyết vấn đề này.

Thông báo này và bất kỳ phản hồi nào nhận được từ Chính phủ của Quý vị sẽ được công khai qua trang mạng LHQ dùng để thông báo mọi trao đổi trong vòng 60 ngày. Sau đó, chúng cũng sẽ được cung cấp trong báo cáo thông thường để trình lên Hội đồng nhân quyền.

 

Trân trọng,

Siobhán Mullally 

Báo cáo viên đặc biệt về nạn buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em

Felipe González Morales 

Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của di dân 

Tomoya Obokata 

Báo cáo viên đặc biệt về các hình thức nô lệ đương thời, bao gồm nguyên nhân và hậu quả 

Reem Alsalem 

Báo cáo viên đặc biệt về bạo hành đối với phụ nữ, các nguyên nhân và hậu quả

https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=27223


 

Tin bài liên quan:

VNTB – TT Trump: thế giới phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về việc gây ra đại dịch

Phan Thanh Hung

Trực tiếp họp báo công khai kết quả sợ bộ chuyến thăm của báo cáo viên đặc biệt LHQ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng

Trương Thế Tử

VNTB – Kiến nghị bãi nhiệm Trung Quốc thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo