Hoài Nguyễn
(VNTB) – Các tòa án chỉ độc lập khi bản thân các thành viên của tòa án, tức thẩm phán, phải độc lập.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đây là quy định của Đảng, xuyên suốt từ trước tới nay, rất nhiều nghị quyết của Đảng đều nói tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.
“Theo Điều 4 của dự luật quy định về tổ chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện nay theo 2 phương án: Phương án 1: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (giữ nguyên như hiện hành).
Phương án 2: Tòa án nhân dân phúc thẩm.
Với Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay cũng theo 2 phương án: Phương án 1: Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (giữ nguyên như hiện hành).
Phương án 2: Tòa án nhân dân sơ thẩm”.
Phù hợp thông lệ quốc tế?
“Luật không quy định tòa án cấp tỉnh làm cái này, cấp huyện làm cái kia, mà chỉ quy định tòa sơ thẩm, phúc thẩm… Bản án cũng không nói Tòa án Hà Nội làm cái này, Tòa án Ba Đình làm cái kia mà chỉ nói tòa sơ thẩm quyết định thế này, tòa phúc thẩm quyết định cái kia”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói. Ông tiếp tục dẫn chứng, với truyền thống pháp lý, từ khi thành lập tòa án, Bác Hồ đã lập các tòa án sơ thẩm, phúc thẩm. Điều này đã được ghi trong Hiến pháp 46. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, không có nước nào tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện cả. Đây là thẩm quyền quốc gia, quyền lực quốc gia.
“Thực tế đã đổi tên là đổi thẩm quyền, nhưng việc đổi thẩm quyền sẽ còn nhiều hơn nữa khi sửa các luật tố tụng và phân cấp của tòa án. Chúng ta đã tiến một bước là phân công cho tòa cấp huyện xử đến 15 năm, nhưng thực tế trình độ của tòa cấp huyện hiện nay thậm chí có thể xử đến đến chung thân, tử hình nhưng chúng ta có bước đi hợp lý. Không thể dừng lại mãi cấp huyện là 15 năm”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân tích.
Giải thích thêm về lợi ích của việc đổi tên tòa án, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, điều quan trọng nhất là nguyên tắc độc lập của tòa án được bảo đảm. “Điều này đúng với Hiến pháp, đúng với yêu cầu Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, cần hiểu rõ tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia, chứ không phải quyền tài phán của huyện, tỉnh. Việc tổ chức theo tỉnh, huyện có thể dễ ngộ nhận là tỉnh chỉ đạo huyện về mặt hành chính, không đảm bảo độc lập.
Như vậy xét về nguyên tắc tam đoạn luận, với đề xuất “đổi tên” để “độc lập”, vậy thì đúng thật là lâu nay tòa án không hề được độc lập (!?).
Chỉ là “bình mới rượu cũ”!
Các ý kiến phản đối thì cho rằng lý do việc “đổi tên gọi” này chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi về nội dung; các tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền. Vì vậy, chưa đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”. Bên cạnh đó, việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương. Ngoài ra, phải sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp; đồng thời phát sinh chi phí tuân thủ như phải sửa con dấu, biển hiệu, các loại mẫu giấy tờ,…
Về lý thuyết thì nguyên tắc độc lập của tòa án có nguồn gốc từ học thuyết phân quyền, theo đó quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tạo thành ba nhánh độc lập của quyền lực Nhà nước, hình thành một cơ chế chế ước và cân bằng lẫn nhau, nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực làm tổn hại đến xã hội tự do.
Sự độc lập này còn có nghĩa là cả hệ thống tòa án với tư cách là một thiết chế, cũng như từng thẩm phán giải quyết các vụ việc phải có khả năng thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp của mình mà không chịu ảnh hưởng của các nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp. Dựa trên nguyên tắc phân quyền, quyền lực của tòa án phải được tách rời khỏi sự ảnh hưởng của quyền lực lập pháp và hành pháp. Sự tách quyền tư pháp ra khỏi quyền lập pháp và nhất là hành pháp là một thành công rất lớn của cách mạng dân chủ tư sản.
Các tòa án chỉ độc lập khi bản thân các thành viên của tòa án, tức là thẩm phán, phải độc lập. Tính độc lập của thẩm phán chính là một trong những yếu tố cơ bản của bộ máy tư pháp độc lập. Nếu các thẩm phán có thể bị chính phủ hành pháp hay các cơ quan chính quyền khác can thiệp, thay đổi nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào thì tính độc lập của tòa án về mặt thể chế không thể đảm bảo.
Mà ở đây đa phần thẩm phán khi ngồi vào ghế chủ tọa phiên xét xử thì tất cả đều phải là đảng viên; đã là đảng viên thì trước tiên phải tuân thủ ý kiến của Chi bộ đảng trong ngành. Và đến lượt mình, các Bí thư Chi bộ đều phải tuân thủ ý kiến của Bí thư địa phương… Như vậy sẽ nên hiểu ra sao về tính độc lập ở đây của thẩm phán; hay nói rộng ra là có thật tòa án sẽ độc lập khi mà chỉ cần… đổi tên?
3 comments
Theo Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, mọi kiểu độc lập chỉ nên tương đối
Kiểu rì thì Thẩm phán cũng phải nà đảng viên? Mà, đã nà ĐV thì bắt buộc phải tuân theo sự chỉ đạo từ Đầu Nãnh của đảng chớ rì? Nhố nhăng quá.
Theo tôi nên đổi tên “Toà án nhân dân” thành “Toà án quan chức bị lộ và nhân dân” như vậy mới đúng với thực tiển ngày nay!