Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chỉ định ấy có sai chuyên môn không?

Huỳnh Liên

 

(VNTB) – “Bác sĩ chỉ định điều trị quá mức, chi phí bảo hiểm y tế tăng”…

 

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng bác sĩ chỉ định điều trị không phù hợp khiến tăng mức thanh toán bảo hiểm y tế, như bệnh nhân viêm ruột thừa được chụp CT, chữa bệnh tiểu đường có nơi 500.000 đồng có nơi 1,5 triệu.

Ngày 30/10, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trả lời trên báo chí về những vướng mắc liên quan quy định tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh khiến các bệnh viện đang bị “treo” hơn 4.000 tỷ đồng chưa được chi trả.

Theo ông Lê Văn Phúc, thì cơ sở khám chữa bệnh hiện thanh toán theo giá dịch vụ, tức tính theo số lượng dịch vụ cung cấp như khám bệnh, xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu… nhân mức giá quy định. Phương thức này được ông Phúc cho rằng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi không kiểm soát được chi phí bảo hiểm y tế, bởi chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế hoàn toàn phụ thuộc bác sĩ điều trị.

“Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, cùng điều trị bệnh tiểu đường không biến chứng có nơi 500.000 – 700.000 đồng, nhưng có nơi tới 1,5 triệu mỗi tháng. Bệnh nhân viêm ruột thừa cấp được chỉ định chụp cắt lớp (CT) có nơi lên đến 30% là tỷ lệ rất cao trong khi chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm.

Tình trạng chỉ định quá mức xét nghiệm cận lâm sàng, kéo dài ngày điều trị nội trú xảy ra ở khá nhiều cơ sở. Đây là điều không phù hợp. Rõ ràng, việc chỉ định chẩn đoán và điều trị thuộc thẩm quyền bác sĩ. Bảo hiểm xã hội dù có giám định cũng không thể nói rằng chỉ định đó không đúng hướng dẫn của Bộ Y tế” – ông Lê Văn Phúc diễn giải.

Phát biểu mang tính ‘đổ thừa’ của vị quan chức trên được bác sĩ Cao Xuân Minh cho rằng đó là “cách hiểu ngoài ngành”. Bởi, viêm ruột thừa giai đoạn sớm khi khám lâm sàng không rõ ràng, không chắc siêu âm bụng đã thấy. CT bụng là công cụ chẩn đoán sớm. Viêm ruột thừa phát hiện sớm hay muộn có tiên lượng dự hậu sức khỏe nhân dân rất khác biệt.

“Có bác sĩ nào mà đã thấy rõ viêm ruột thừa trên siêu âm mà còn chỉ định chụp CT bụng không? Đâu có điên như vậy vì chụp CT rất có hại cho sức khoẻ bệnh nhân. Toa thuốc tiểu đường, một vài trăm cũng có nhưng nếu kèm theo các rối loạn chuyển hoá khác như rối loạn đạm, mỡ hay các nguy cơ, biến chứng như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh lý thận do tiểu đường…. thì toa thuốc vài triệu cũng là bình thường. Mà thường tiểu đường chừng 7-10 năm là bệnh nhân lô lốc biến chứng đi kèm.

Với nghề Y, chỉ có người bệnh chứ không có cái bệnh. Mỗi người bệnh là bức tranh khác nhau. Chỉ có cơ quan chuyên môn mới kết luận bác sĩ cho chỉ định sai đúng chuyên môn” – bác sĩ Cao Xuân Minh phản biện.

Bác sĩ Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, quy định của Bộ Y tế định mức tối đa một bàn khám có một bác sĩ không được vượt quá 65 người/ngày. Nếu vượt từ người thứ 66 trở đi sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán.

Số tạm ứng cho đơn vị 80% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dựa vào quý trước để cho đơn vị hoạt động vào cuối tháng đầu tiên của quý sau là không đủ. Phần 20% chờ quyết toán (3 tháng), phần vượt mức dự toán năm sau mới được xem xét, số chi phí chờ thẩm định quyết toán này rất lớn. Trong khi đó thực hiện mọi chi phí chi tiền lương, phụ cấp và thu nhập khác thì chia theo tháng, tiền điện, nước trả theo kỳ. Tiền thuốc, vật tư, hóa chất sử dụng cho bệnh nhân còn phải dự trữ tồn kho theo cơ số cho khám bệnh kịp thời chi phí khá lớn.

Cái đáng lo nhất so với toàn bộ bùng nhùng ở trên đó là thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế thiếu ở khắp nơi. Từ bệnh viện cho đến các trạm y tế tại nhiều nơi đang rơi vào tình trạng thiếu nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc bảo hiểm y tế.

Bác sĩ Lâm Phước Trí – trạm trưởng Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) – cho biết tình trạng hết nhiều loại thuốc bảo hiểm y tế kéo dài từ vài tháng nay, đặc biệt là từ sau đợt dịch Covid-19.

Mặc dù trạm y tế đã kiến nghị nhiều lần, nhưng vẫn chờ đợi trong vô vọng, nhất là người bệnh mãn tính. “Trạm y tế hiện chỉ còn 29 loại thuốc thuộc danh mục thuốc bảo hiểm y tế, trong khi danh mục thuốc bảo hiểm y tế cấp cho trạm là hơn 310 loại. 5 tháng qua, khoảng 90% trong tổng số 154 bệnh nhân đến trạm đều tự bỏ tiền mua thuốc”, bác sĩ Trí nói.

Nếu nhìn toàn bộ diễn biến trên qua lăng kính nhân quyền trong chữa trị bệnh, có lẽ không hề nặng lời cho chê trách về thực thi quyền ấy, khi mà Việt Nam vừa đắc cử tư cách thành viên Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 11/10/2022.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thủ tướng ‘lệnh miệng’ bỏ xác nhận cư trú

Do Van Tien

VNTB – Bảo hiểm xã hội: ai hơn ai thiệt?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam ở mức cao so thế giới?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo