VNTB- ‘Chỉ tăng thuế môi trường lên 5.000 đồng/lít xăng’: Chiêu trò tăng dần thay vì tăng sốc!

Minh Quân
(VNTB) – Có lẽ bà Kim Ngân đã nhận thức được ý đồ “gắp lửa bỏ tay người” của Chính phủ và các bộ ngành. Trong suốt kỳ họp quốc hội vừa qua, bà Ngân đã không hề hé môi về vụ “còng số 8” đó.


Cho rằng mức tăng thuế môi trường tối đa 8.000 đồng/lít xăng là quá cao, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa đề nghị tăng thuế môi trường lên 5.000 đồng với mỗi lít xăng.
Cụ thể, VINPA đề nghị mức thuế BVMT với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít; dầu diesel nâng từ 1.500 đồng/lít lên tối đa 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít lên 5.000 đồng/lít và dầu madut từ 900 đồng/kg lên tối đa 3.000 đồng/kg.
Lý giải về cơ sở đề xuất mức thuế môi trường như trên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA cho rằng với giá dầu thế giới như hiện nay mà thuế BVMT 5.000 đồng/lít thì chỉ chiếm 30% giá thành. Còn nếu thuế lên đến 8.000 đồng/lít thì chiếm tới 50%, và nếu cộng các loại thuế khác khoảng 30% nữa thì thuế chiếm đến gần 100%. “Như thế là không hợp lý về chuyện cơ cấu thuế trong giá” – ông Ruệ nói.
Ông Ruệ cũng cho biết nếu thu thuế BVMT ở mức trần 8.000 đồng/lít thì riêng nguồn thu từ đây là hàng trăm ngàn tỉ đồng. “Đồng ý là ngân sách nhà nước cần phải xử lý trong bối cảnh hụt thu nhưng ưu tiên số 1 phải là xử lý môi trường, số 2 mới là tạo nguồn thu cho nhà nước. Thu ở mức cao quá sẽ gây sốc cho người dân và cả xã hội” – Chủ tịch VINPA nói.
Dường như đã có một sự thay đổi nào đó về quan điểm của “đảng và nhà nước ta” đối với kế hạoch tăng thuế BVMT, khiến ông Phan Thế Ruệ cũng phải “tự chuyển hóa”.
Bởi vào tháng 5/2017 và trước kỳ họp quốc hội, ông Ruệ còn trở nên tai tiếng với phát ngôn “ủng hộ việc tăng thuế BVMT” kèm “nộp thuế BVMT là nghĩa vụ của công dân” – mà đã bị công luận phê phán là một lối nói vô liêm sỉ trước hiện tình dân nghèo ngày càng nghèo, còn các nhóm lợi ích và tham nhũng ngày càng mập phì.
Công luận cũng phản ứng mạnh trước thực tế tăng thu thuế BVMT trong những năm qua nhưng chỉ có khoảng 1/3 số tiền thu được dùng vào việc bảo vệ môi trường, còn 2/3 còn lại không biết “biến” đi đâu.
Giờ đây, khi ông Phan Thế Ruệ “bỗng dưng” giương cao ngọn cờ “bảo vệ môi trường mới là số 1”, có thể hình dung là “đảng và quốc hội ta” đã không thể bỏ qua phản ứng dữ dội của công luận, dù rằng con số 5 tỷ USD sẽ thu được nếu tăng thuế BVMT lên 8 ngàn đồng/lít xăng là quá hấp dẫn trong bối cảnh ngân sách chỉ chực chờ sụp đổ.
Một chi tiết cần chú ý là trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5- 6 năm 2017, đã không có nội dung nào nghị luận về việc tăng thuế BVMT, dù trước đó đã có thông tin vụ việc này được đưa vào nghị trình thảo luận của Quốc hội, thậm chí còn “xướng” rằng Quốc hội có thể tung ra một bản nghị quyết chuyên biệt cho ý đồ hại dân này.  
Ý đồ hại dân đó lại là “còng số 8” – một cách mà người dân chua chát ví von về dự thảo 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng.
Từ đầu tháng 4/2017, “còng số 8” đã được phía chính phủ khôn lanh chuyển sang tay người chịu trách nhiệm bỏ phiếu thông qua luật là Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Từ công đoạn này trở đi, không phải Bộ Tư Pháp, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương hay Phó Thủ Tướng Vương Ðình Huệ và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà cơ quan “của dân, do dân và vì dân” mới là nơi tập trung mọi tiếng chửi bới oán thán của các tầng lớp bị bần cùng hóa trong một đất nước đang rất gần với cùng tắc biến. 
Nhưng có lẽ bà Kim Ngân đã nhận thức được ý đồ “gắp lửa bỏ tay người” của Chính phủ và các bộ ngành. Trong suốt kỳ họp quốc hội vừa qua, bà Ngân đã không hề hé môi về vụ “còng số 8” đó.
Để giờ đây, nhóm lợi ích xăng dầu chỉ còn cách mớm ý “chỉ tăng thuế môi trường lên 5.000 đồng/lít xăng” – một chiêu trò tăng dần thay vì tăng sốc!
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)