Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chỉ vài quan chức, liệu có thể dễ dàng ‘bán đất giá rẻ’?

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Ông Tất Thành Cang sắp hầu tòa vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO.

 

Theo nội dung vụ án, SADECO là công ty con của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Ngày 26-3-2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần.

Tháng 9-2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10-2016 là 170 tỉ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, và sau này được nhà chức trách cho rằng gây thất thoát cho SADECO 1.103 tỷ đồng.

Ngoài ra, 7 bị can trong nhóm tội tham ô còn có hành vi tham ô 4,7 tỷ đồng qua việc chi tiền thù lao, quỹ khen thưởng.

Phía cơ quan điều tra còn có lập luận liên quan chuyện thiệt hai, đó là đối với phần giá trị tài sản vô hình, trong đó bao gồm giá trị thương hiệu, lợi thế thương mại của doanh nghiệp, thì SADECO là doanh nghiệp luôn có kết quả kinh doanh tốt, các năm đều có lợi nhuận, tiềm năng, giá trị doanh nghiệp lớn. Do đó, giá trị thương hiệu và lợi thế thương mại của SADECO luôn là số dương. Để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, cơ quan điều tra lấy giá trị thấp nhất bằng 0 đồng để tính giá trị tài sản vô hình của SADECO.

Từ kết quả định giá và các văn bản liên quan, cơ quan điều tra khẳng định có đủ cơ sở xác định giá trị cổ phần của SADECO tại thời điểm phát hành cho Nguyễn Kim (tháng 1-2017) là 162.571 đồng.

Như vậy, thiệt hại của SADECO trong việc bán 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim là 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cho vốn của UBND TP.HCM là 485 tỷ đồng, vốn Thành ủy TP.HCM là 184 tỷ đồng, các cổ đông khác là 433 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng trong khoảng thời gian bán cổ phần cho Nguyễn Kim đến thời điểm thanh lý hợp đồng (từ tháng 1-2017 đến tháng 1-2019), SADECO chưa chia cổ tức cho cổ đông, mà vẫn giữ lại SADECO cho đến nay. Do đó, ngoài việc bị thất thoát, thiệt hại trong việc bán cổ phần với giá thấp như nêu trên thì tài sản nhà nước không bị thất thoát, thiệt hại thêm trong khoảng thời gian bán cổ phần cho Nguyễn Kim.

Đối với ông Tất Thành Cang, với vai trò là phó bí thư thường trực Thành ủy từ ngày 5-2-2016 đến ngày 7-1-2019, có trách nhiệm phụ trách Văn phòng thành ủy, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án ngân sách đảng bộ được ban thường vụ Thành ủy thông qua, việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình, các chương trình đầu tư phát triển Đảng bộ TP.HCM.

Ngày 16-5-2017, ông Cang có bút phê đồng ý vào tờ trình của Văn phòng Thành ủy, với giá phát hành cổ phần là 40.000 đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược là sai (bởi thẩm quyền quyết định về giá bán thuộc về hội đồng quản trị). Cơ quan điều tra cho rằng về nguyên tắc, ông Cang phải biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Nghị định 91/2015 của Chính phủ, nhưng lại không chỉ đạo Văn phòng thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về đấu giá, thẩm định giá theo.

Kết luận điều tra xác định ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền tất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng thành ủy tại SADECO là 184 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình công tác ông Cang có nhiều thành tích, có nhiều đóng góp cho thành phố, quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Cang nhận thức được thiếu sót của bản thân nên đề nghị xem xét giảm nhẹ trong quá trình truy tố, xét xử” – trích Kết luận điều tra.

Có ý kiến, với hệ thống ban bệ của Thành ủy TP.HCM, chắc chắn sẽ không xảy ra vụ việc “thiếu sót/ sơ sót” về mặt thủ tục hành chính trong vấn đề bán cổ phần thuộc nhà nước.

Cụ thể, Thành ủy TP.HCM  có các cơ quan trực thuộc như sau: Văn phòng Thành uỷ; Ban Tổ chức Thành uỷ; Ban Dân vận Thành uỷ; Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ; Ban Tuyên giáo Thành uỷ; Ban Nội chính Thành ủy; Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ; Trung tâm bồi dưỡng chính trị Thành phố.

Với cụ thể ông Tất Thành Cang, trong vai trò phó bí thư thường trực Thành ủy, ông chịu trách nhiệm thay mặt Ban Thường vụ báo cáo các vấn đề về dự toán, quyết toán tài chính Đảng theo định kỳ mỗi năm một lần trước Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố; báo cáo một số chủ trương về việc sử dụng ngân sách Đảng trước Ban Thường vụ khi cần thiết.

Như vậy liệu ông Tất Thành Cang có dễ dàng ‘tắc trách’ để một mình ‘gây thiệt hại’ 184 tỷ đồng cho Văn phòng Thành ủy TP.HCM?


Tin bài liên quan:

VNTB – Cấp dưới không phục tùng cấp trên: liệu có dễ bị bãi chức?

Phan Thanh Hung

VNTB – 80% gia đình ở TP.HCM đang chờ được ‘đi chợ hộ’

Phan Thanh Hung

VNTB – Vắc xin Trung Quốc: kẻ phá bĩnh chính quyền TP.HCM?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo