Hiền Vương
(VNTB) – Nếu F0 vừa khỏi bệnh từ chối chích vắc xin , khả năng sẽ bị gán cho là chống Đảng và Nhà nước (?!)
“Trong tháng 1-2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi” – Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo như vậy tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về các giải pháp để triển khai hiệu quả hơn Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Có điều gì đó rất lạ khi việc chích vắc-xin tại Việt Nam có sự thay đổi rất lớn. Ví dụ F0 hoàn thành cách ly (khỏi bệnh) thì cơ thể đã có kháng thể chí ít 6 tháng và có thể là cả đời, nay phải chích luôn ngay sau khi hoàn thành cách ly. Tại sao cần chích gấp khi đã có kháng thể là điều mà công văn Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký đã không lý giải, mà chỉ nói gọn rằng, “theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các nước”…
“Bạn tôi chích 2 mũi Vero Cell vào 5-10 (mũi 1) và 6-11 (mũi 2) nhưng bị nhiễm vào ngày 3-12 và vừa hoàn thành cách ly xong. Giờ chích mũi 3 ngay lập tức liệu có phi lý so với các hướng dẫn về thời gian chích và chích mũi nhắc trước đó. Nếu chích mũi 3 ngay lập tức lỡ bạn ấy có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm? Xin nhớ cho, có rất nhiều shipper Sài Gòn bị đột quỵ. Mà muốn chạy trong khi Sài Gòn bùng dịch khi ấy là toàn chích Vero Cell là chính” – một nhà báo tự do, thắc mắc.
Lo lắng trên xuất phát từ một câu trong văn bản chỉ đạo nói trên của Bộ Y tế: “Đối với những người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định”.
Như vậy, nếu tính toán từ con số ghi nhận trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, trong ngày 18-12 có 1.645 bệnh nhân khỏi bệnh. Ngày 17-12, số bệnh nhân khỏi đạt kỷ lục với hơn 31.000 trường hợp. Ngày 15-12 có gần 3.000 ca khỏi bệnh. Những người khỏi bệnh này, theo văn bản số 10722/BYT-DP, đều bắt buộc phải chích thêm một mũi vắc-xin nữa.
Cái đáng lo hơn là trong chuyện chích ngừa này bắt đầu được chính trị hóa, khi trang web của Bộ Y tế hôm 17-12 nhấn mạnh “Thủ tướng Chính phủ: Phải kiểm điểm trách nhiệm nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng”.
Dường như quanh quyết tâm chính trị về ‘chích mũi 3’ của Bộ Y tế có liên quan đến chuyện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết quyết định căn cứ theo văn bản số 12926/QLD-KD ngày 22-10 của Cục Quản lý Dược về việc tăng hạn dùng của vắc-xin Comirnaty (Pfizer) nhập khẩu về Việt Nam, áp dụng hạn dùng mới 9 tháng đối với các lô vắc-xin có hạn dùng 6 tháng in trên nhãn (tăng 3 tháng hạn dùng so với hạn dùng in trên nhãn). Thời gian áp dụng từ ngày 22-10.
Do đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có văn bản đề nghị trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/ thành phố thông báo tới những đơn vị, điểm chích áp dụng hạn dùng của các lô vắc-xin Pfizer 124001, 123002, 126001, 123001, 128002, 129001, PCA0006, PCA0017, PCA0021, đồng thời chỉ đạo cán bộ y tế tư vấn kỹ cho đối tượng tiêm chủng, cha mẹ của trẻ đầy đủ thông tin, tránh hiểu sai về hạn dùng của vắc-xin nêu trên.
Chín lô vắc-xin ‘tự gia hạn’, có nghĩa là đủ để chích khoảng 12.000 người.
Một bác sĩ đồng thời là giảng viên của Đại học Y Hà Nội, thắc mắc mang tính liên tưởng rất cần kíp cho chích mũi thứ 3: “Gần đây tôi thấy chúng ta thường nói tỷ lệ tử vong tăng? Vậy cho tôi hỏi mấy câu sau vì thông tin có vẻ chung chung quá? Mẫu số của tỷ lệ này là gì?
Tỷ lệ này tăng là tăng so với cái gì? Giờ thấy bảo toàn chết các bệnh nhân già và bệnh nền không ổn định! Vậy nếu không có Covid-19, những người vừa kể có chết không? Liệu có ai biết số lượng chết do mọi nguyên nhân của Sài Gòn so với cùng kỳ năm ngoái, năm kia có tăng không? Nếu tăng thì tăng bao nhiêu? Nếu số lượng chết do mọi nguyên nhân của Sài Gòn không có sự khác biệt so với cùng kỳ năm ngoái năm kia, thì có thể kết luận Covid-19 không gây ảnh hưởng tới số chết tự nhiên của Sài Gòn không?”