Cù Mai Công
Kỳ 1: Những tấm ảnh lịch sử của máy bay BELL UH – 1 HUEY
Ngày 28-4-1975 phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích. Chiều 28-4-1975, theo lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu phi đội ba chiếc A-37 từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) ném bom phi trường Tân Sơn Nhứt.
Phi trường Tân Sơn Nhứt bị thiệt hại nặng, không thể hoạt động, đảo lộn kế hoạch di tản bằng các máy bay vận tải cỡ lớn C130, C141 của người Mỹ. Hơn một tuần trước, những máy bay này đã đưa hơn 55.000 đến 57.000 người Mỹ và người Việt (trong đó có hàng ngàn trẻ mồ côi Việt Nam trong Chiến dịch Không vận Trẻ em Việt Nam Babylift) di tản từ Tân Sơn Nhứt, cùng lúc hơn 70. 000 người di tản bằng đường biển.
Lúc ấy, dọc các con đường dẫn vào phi trường như Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) trước nhà tôi, Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ)… luôn có nhiều nhóm người, nhóm gia đình đi xe hơi, taxi, xích lô… lẫn đi bộ với hành lý nhẹ. Mẹ tôi ngạc nhiên, hỏi họ đi đâu, làm gì. Hầu như không ai trả lời, hoặc chỉ trả lời cho qua. Họ cũng đang rối bời, đang rất vội trước nhịp diễn biến quá nhanh của thời cuộc, chiến sự.
Tối 28-4-1975, qua một băng thu âm sẵn, hàng triệu thính giả miền Nam, trong đó có nhà tôi, đã lắng nghe Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi “những người anh em ở phía bên kia ngừng bắn để thu xếp một giải pháp bàn giao chính quyền”. Một tín hiệu về số phận của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Trong cuộc họp khẩn với Tổng thống Mỹ Gerald Ford, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ quyết định chiến dịch Operation Frequent Wind (chiến dịch Gió lốc) di tản bằng trực thăng, chiến dịch cuối cùng của Quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.
Trưa 29-4, nhịp điệu bài “White Christmas” (Giáng sinh trắng) vang lên trên sóng Đài Phát thanh Quân đội Hoa Kỳ, báo hiệu cơn “Gió lốc” bắt đầu, với hàng trăm trực thăng lớn nhỏ. Chỉ trên dưới nửa ngày, “Gió lốc” đã “thổi” được hơn 7.000 người Mỹ lẫn Việt từ nhiều điểm ở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn di tản ra các hàng không mẫu hạm, tàu chiến của Mỹ chờ sẵn ngoài khơi Vũng Tàu. .
Trong chiến dịch này, 14g30 chiều 29-4-1975, Hugh Van Es – một nhiếp ảnh gia, phóng viên tự do người Hà Lan và sau này là phóng viên Hãng thông tấn UPI – đã chụp được một số tấm ảnh, trong đó có tấm ảnh di tản trên nóc tòa nhà Pittman năm, sáu tầng ở 22 Gia Long (nay là Lý Tự Trọng; đối diện Vincom center Đồng Khởi hiện nay), giữa Sài Gòn. Chuyến bay này của Bell UH-1 Huey được thực hiện nhằm đón phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Đôn và gia đình, trong đó có con trai ông – một bác sĩ nhi khoa trẻ. Đi chuyến này còn có bác sĩ Trần Kim Tuyến, ông trùm mật vụ dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Tấm ảnh này được coi là biểu tượng cho dấu chấm hết của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Có ba loại trực thăng cất cánh trong “Gió lốc”, chủ yếu là Bell UH-1 Huey (nhỏ). Còn lại là CH-46 (trung), CH-53 (hạng nặng).
Bell UH-1 Huey có tên chính thức là Bell UH-1 Iroquois, một loại trực thăng quân sự đa năng mà hầu hết người miền Nam từng thấy vì từ 1955 – 1976, trong hơn 16.000 máy bay với nhiều phiên bản được làm ra, hơn 7.000 chiếc được đưa sang miền Nam. Máy bay UH này dài 17,4 m, cao 4,39 m, trọng lượng rỗng 2.365 kg, có tải 4.100 kg, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 4.300 kg. Tốc độ tối đa của nó 217 km/g, tầm bay hơn 500 km, trần bay gần 6.000m. Nó có thể chứa từ 10-14 người, với kíp lái 1-4 người.
Nhịp điệu “White Christmas” cũng nhanh chóng được nhiều phi công Việt Nam Cộng hòa nghe và truyền tai nhau (không ít người dân Sài Gòn cũng truyền tai nhau mật hiệu đó). Và họ cũng bắt đầu một “chiến dịch” di tản bằng máy bay trực thăng khác, không tên đã diễn ra từ trước đó và kéo dài sang tận sáng 30-4-1975, do nhiều sĩ quan Không lực Việt Nam Cộng hòa tự thực hiện.
Một số gia đình vùng Ông Tạ và xung quanh có thân nhân trong Không lực Việt Nam Cộng hòa, đóng ngay căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt hoặc đóng ở phi trường Biên Hòa. Từ 28-4, có gia đình khu này đã nhận được thông tin từ thân nhân mình: máy bay trực thăng sẽ đáp xuống đón ngay tại nhà – nếu nhà cao tầng và có sân thượng.
Gia đình tiệm thịt chó nổi tiếng Cây Còn ở ngã ba Ông Tạ đã sang nhà tiệm bánh Quang Minh bốn, năm tầng ngay ngã ba đề nghị cho người thân là phi công đậu chiếc máy bay trực thăng trên nóc sân thượng ngôi nhà này để di tản. Gia đình Quang Minh nếu muốn đi thì đi luôn. Nhưng nhà Quang Minh không đồng ý.
Nhiều người trên đường Thánh Mẫu (nay là đường Bành Văn Trân) vùng Ông Tạ còn nhớ trưa 28-4, một máy bay vận tải đa năng hai động cơ cánh quạt Chinook bay lượn sát các mái tôn, chỉ cách vài thước, khu vực giữa Nghĩa Hòa và Chí Hòa. Những tấm tôn rung bần bật dưới sức gió vốn rất mạnh của loại máy bay vận tải này. Bên dưới máy bay, một thang dây lơ lửng. Chiếc Chinook bay lượn nhiều vòng nhưng không đón được ai nên bay đi. Sau này, mọi người đồn thổi viên phi công lái chiếc máy bay đó là con ông Cung, nhà gần Trường tiểu học Nghĩa Hòa, đưa máy bay về đón gia đình di tản.
Ngoài đa số máy bay trực thăng bay được ra được hàng không mẫu hạm hoặc các tàu chiến Mỹ ngoài khơi Vũng Tàu, một số chiếc đã bị “rơi rụng”. Một chiếc rơi cuối nghĩa địa Chí Hòa/Thái Hòa/Ông Tạ, trong hẻm Tám Thơm đầu ngã ba Ông Tạ, gần nhà một tay anh chị tên Tư Giàu. Nghe nói vì người lên nhiều, quá tải, máy bay bốc lên vài mét rồi quay vòng vòng, rơi xuống. Cánh quạt đụng cây thánh giá bằng bê tông trên một ngôi mộ, gẫy. Càng trực thăng va vào một cạnh mộ, hất mảng này văng vô một ngôi nhà cách đó vài chục thước, thủng tường.
Một số bà con xung quanh chạy ra xem, thấy người bên trong, ngoài hành lý còn có mấy nồi cơm mới nấu và nồi thịt kho còn nóng. Nghe nói đó là gia đình, bạn bè, con cháu một tiệm phở khu ngã ba Ông Tạ. Tất cả tan hàng, lục đục dẫn nhau về. Riêng người phi công, có người bảo vẫn ở lại với chiếc trực thăng gần hết đêm, chiếu đèn lên trời hy vọng đồng đội nào đó cứu. Theo anh Lê Thắng, nhà trong ngõ Cổng Bom vùng Ông Tạ, người phi công tên Thắng, em trai tên Thọ. Sau này, anh Thọ vượt biên mất tích. Em gái hiện đang bán tạp hóa ở hẻm Gà, gần phòng khám Ông Tạ.
Trước đó ít phút, một chuyến trực thăng bay qua khu ngã ba Ông Tạ. Người trên máy bay vẫy vẫy chào người bên dưới. Khu Chăn Nuôi gần ngã tư Bảy Hiền cũng có một trực thăng “rụng cánh”.
Có chiếc rơi trên nóc một ngôi nhà góc Trần Hưng Đạo – Ngô Quyền; có chiếc rơi gần ngã tư Lý Thái Tổ – Hồ Thị Kỷ hiện nay… Thậm chí có cả một chiếc máy bay quan sát L-19 vốn bay chậm, người dân gọi là “đầm già” không hiểu sao bị rơi trên đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú), may không vô nhà nào và không chết ai…
Kỳ 2: Cận cảnh một tám ảnh lịch sử khác từ người trong cuộc