Đỗ Văn Phúc
Bài 1 : Sư đoàn 5 Bộ binh – Hình Thành và Phát Triển
[ads_custom_box title=”Lời Toà soạn” color_border=”#0523e8″]
Trong cuộc chiến tranh giữa 2 miền Nam Bắc VN, từ năm 1954 đến 1975, có nhiều trận chiến vô cùng khốc liệt được ghi vào quân sử của cả hai bên. Cách dây đúng 50 năm, ngày 10 tháng 5 năm 1972, cuộc chiến An Lộc kết thúc với chiến thắng đẫm máu của quận lưc Việt Nam Cộng Hòa.
Việt Nam Thời Báo trân trọng gửi quý độc giả bài viết và tư liệu của những người có mặt trong trận chiến.
[/ads_custom_box]
Trong 11 sư đoàn bộ binh Việt Nam, có 4 sư đoàn nổi danh ở bốn vùng chiến thuật. Ở Vùng 1 là Sư Đoàn 1 BB, Vùng 2 là Sư Đoàn 23 BB, Vùng 4 có Sư Đoàn 21 BB và Sư Đoàn 5 ở Vùng 3 Chiến Thuật. Đó là những sư đoàn gánh chịu trách nhiệm những vùng chiến trận ác liệt nhất, chịu tồn thất nặng nề nhất và cũng tạo nhiều chiến công lẫm liệt nhất.
Gốc gác của Sư Đoàn 5 Bộ Binh là từ vùng cực Bắc Việt Nam. Trong thời chiến tranh Đông Dương, Pháp đã tuyển mộ dân gốc thiểu số Nùng để thành lập các đơn vị tuần tiểu biên giới sát Trung Hoa. Người Nùng nói tiếng Quảng Đông với âm sắc hơi khác chút đỉnh. Nhiều người trong số họ là dân Nùng bên Trung Hoa chạy qua Việt Nam để lánh nạn Cộng Sản (Công Sản Trung Hoa chiếm lục địa từ tay Tưởng Giới Thạch và lập chính quyền năm 1949). Vị chỉ huy các đơn vị Nùng đó là Đại Tá Vòng A Sáng (Sau này là tư lệnh đầu tiên của Sư Đoàn 5 BB).
Sau khi Hiệp Định Geneve đuợc ký kết, chia đôi lãnh thổ Việt Nam ở Vỹ Tuyến 17, các tiểu đoàn Nùng mang số 32, 67, 71, 72 và 75 được chuyển vào Ba Ngòi (thuộc tỉnh Khánh Hoà, phía Nam thành phố Nha Trang). Sau đó lại di chuyển vào Sông Mao thuộc tỉnh Bình Thuận. Do Nghị Định số 040-QP/NĐ ký ngày 10 tháng 2 năm 1955, các đơn vị Nùng này được phiên chế thành Sư Đoàn 6 Bộ Binh (chính thức thành lập trên giấy tờ là ngày 1 tháng 2, 1955) dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Vòng A Sáng.
Ngày 1 tháng 8, 1955, Sư Đoàn đổi tên thành Sư Đoàn 6 Dã Chiến. Tháng sau, ngày 9 tháng 9, lại được bổ sung quân số và đổi tên thành Sư Đoàn 41 Dã Chiến. Ngày 1 tháng 11, 1955, lại đổi tên thành Sư Đoàn 3 Dã Chiến trước khi vĩnh viễn trở thành Sư Đoàn 5 Bộ Binh vào tháng 1 năm 1959.
Từ đó về sau, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh bố trí các sĩ quan và binh lính Việt vào Sư Đoàn. Lính Nùng không còn chiếm đa số nữa. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB vẫn ở lại Sông Mao trong khi đa số các đơn vị của Sư Đoàn đã chuyển về Biên Hoà, thay thế Sư Đoàn 7 BB được đưa về Cần Thơ. Vào tháng 11 năm 1960, hai Trung Đoàn 7 và 8 cùng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương thì đóng ở Vùng 3 Chiến Thuật (mà lúc đó là Quân Khu 1) trong khi Trung Đoàn 9 và hậu cứ thì còn ở Vùng 2.
Khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1-11-1963), quân sĩ Sư Đoàn 5 dưới quyền Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu đã tham chiến với trọng trách tấn công vào Dinh Gia Long. Từ đó, cuộc đời binh nghiệp của Đại Tá Thiệu chuyển hướng để sau này trở thành Tổng Thống của nền Đệ Nhị Cộng Hoà.
Đến tháng 7 năm 1964, Sư Đoàn lại dời về Phú Lợi, cách thị xã Bình Dương vài cây số về phía Đông. Qua tháng 2 năm 1970, khi quân Mỹ bắt đầu rút, Sư Đoàn 5 BB lại chuyển vào căn cứ Lai Khê là nơi đóng quân của Sư Đoàn 1 BB Hoa Kỳ (The Big Red One). Các đơn vị của hai sư đoàn Việt Mỹ tổ chức những cuộc hành quân phối hợp trong vùng lãnh thổ ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long. Căn cứ Lai Khê cách Bình Dương 30 cây số trên đuờng Quốc lộ 13, trước đây là một đồn điền cao su, có Trung Tâm Nghiên Cứu về Cao Su.
Sư Đoàn 5 có ba Trung Đoàn trực thuộc, một Đại Đội Tổng Hành Dinh, và Đại Đội 5 Trinh Sát. Các Trung Đoàn 7, 8, và 9, mỗi Trung Đoàn có 4 Tiểu Đoàn và 1 Đại Đội Trinh Sát, 1 Đại Đội Chỉ Huy Công Vụ, quân số tổng cộng xấp xỉ 2500 người. Ngoài ra, thống thuộc Sư Đoàn còn có Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh, 4 Tiểu Đoàn Pháo Binh 50, 51, 52, và 53; Tiểu Đoàn 5 Tiếp Vận, Tiểu Đoàn 5 Truyền Tin, Tiểu Đoàn 5 Quân Y, Tiểu Đoàn 5 Công Binh. Tổng quân số Sư Đoàn lên đến hơn 10000 quân.
Vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 5 toàn rừng rậm trải dài đến biên giới Việt Miên, là con đường tiếp tế, chuyển quân của Cộng Sản. Nơi đây có những mật khu nổi tiếng như Chiến Khu D, Tam Giác Sắt, Hố Bò, Bời Lời… Lợi dụng chính sự miền Nam nhiều rối rắm, Cộng Sản mở nhiểu trận đánh long trời mà số thiệt hại nhân mạng mỗi bên lên đến hàng trăm mỗi trận. Điển hình là trận Đồng Xoài mùa hè năm 1965, trận Làng 13 Bis Đồn Điền Michelin vào tháng 11 năm 1965. Qua chiến trận, Sư Đoàn 5 thực sự lớn mạnh, thiện chiến từ năm 1969 khi dưới quyền Thiếu Tướng Phạm Quốc Thuần. Khả năng chiến đấu và tinh thần binh sĩ lên cao nhờ tài chỉ huy của các sĩ quan trẻ có học của thế hệ mới từ các khoá về sau của quân trường Đà Lạt, Thủ Đức, cũng như sự góp mặt lần đầu tiên của 39 sĩ quan Khoá 1 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị.
Năm 1969, Sư Đoàn 5 Bộ Binh là đơn vị bộ binh đầu tiên được tuyên dương công trạng trước Quân Đội lần thứ 6, và các quân nhân trực thuộc được vinh dự mang giây Biểu Chương màu Đỏ (Bảo Quốc Huân Chương).
Trong hai năm 1970, 1971, Sư Đoàn đã tham gia các cuộc hành quân Toàn Thắng đánh sâu vào lãnh thổ Kampuchea, triệt hạ cơ sở hậu cần của Trung Ương Cục Miền Nam của Việt Cộng. Trong trận Snuol đầu năm 1971, một tiểu đoàn của Sư Đoàn 5 BB đã tấn công tràn ngập một căn cứ Cộng quân ngang cấp, và sau đó đã đánh phản công một trận để đời, loại khỏi vòng chiến một Trung Đoàn địch, hạ sát toàn ban tham mưu Trung Đoàn (xin xem bài Chiến Thắng Đầu Xuân trên trang web http://www.michaelpdo.com/ChienThangDauXuan.htm)
Đó là thời gian Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu – vị tướng tài ba và thanh liêm số một của QLVNCH – làm Tư Lệnh.
Tuyệt vời nhất là trận tử thủ An Lộc dưới quyền Tư Lệnh Lê Văn Hưng năm 1972, khi ba sư đoàn thiện chiến Cộng quân Bắc Việt với sự yểm trợ của trung đoàn chiến xa và ba trung đoàn pháo 130 ly, hoả tiễn… đã mưu toan đánh chiếm An Lộc để mở đuờng tiến công về Thủ Đô Sài Gòn. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu biết tầm quan trọng sinh tử của trận đánh, đã ra lệnh phải giữ được An Lộc với “bất cứ giá nào”. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng đã thề nguyền cùng quân sĩ rằng ông sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ An Lộc không rơi vào tay Cộng Quân.
Chúng ta cũng ca ngơi tinh thần hy sinh đồng cam cộng khổ của các Cố Vấn Hoa Kỳ dưới quyền Tướng James F. Hollingsworth, Tư Lệnh Quân Viện Vùng 3 CT. Chính sự có mặt của Đại Tá William Miller cùng toàn toán Cố Vấn của Sư Đoàn 5 tại chiến trường đã làm cho binh sĩ vững tin rằng họ sẽ không cô đơn và sẽ nhận được yểm trợ phi pháo hữu hiệu. Chính Tướng Hollingsworth đã chỉ thị cho các cố vấn: “Hãy kìm chúng (Cộng quân) lại, tôi sẽ cho Không Quân tiêu diệt chúng. Hãy cho tôi những mục tiêu để đánh bom, và chúng ta sẽ thắng.”
Sau gần ba tháng chịu trận trước nhiều đợt pháo kích bằng đủ loại pháo, hoả tiễn mà chưa từng xảy ra ác liệt trên chiến trường Việt Nam – tổng số các loại đan pháo rót vào An Lộc là khoảng 80 ngàn quả ; có ngày 11 tháng 5, lên tới 7000 quả chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ) – cùng nhiều đợt tấn công biển người và xe thiết giáp T-54 tối tân,
Người bắn hạ chiếc T-54 đầu tiên là Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, Phụ Tá Hành Quân của Tư Lệnh Quân Đoàn 3, khi chiếc xe này tiến lại sát hầm chỉ huy của Tướng Lê Văn Hưng. Chiến tích này làm cho binh sĩ phấn chấn, tự tin hơn trong việc đương đầu với các chiến xa địch.
Sư Đoàn 5 BB và các đơn vị tăng phái đã giữ vững được Thị Xã An Lộc. Cộng Quân đành thúc thủ trước sự chịu đựng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân sĩ VNCH. Chiến thắng trong cuộc chiến bất cân xứng (1 chọi 6), quân trú phòng ban đầu gồm vài tiểu đoàn của Sư Đoàn 5 BB, sau được tăng cường thêm Lữ Đoàn 1 Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Liên Đoàn 3 BĐQ, cùng binh sĩ Tiểu Khu Bình Long đã chứng minh sự trưởng thành vượt bực trong chiến đấu. Chiến thắng này cũng có sự góp sức của các đơn vị thuộc Sư Đoàn 9, 18 và Sư Đoàn 21 BB tăng cường hành quân quấy nhiễu và giữ an ninh trục lộ bên ngoài Lộc Ninh.
Vào cuối tháng 4 năm 1975, khi Tổng Thống ba ngày Dương Văn Minh ra lệnh buông súng để “bàn giao” cho Cộng Quân, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, vị Tư Lệnh cuối cùng của Sư Đoàn đã tức tưởi cho binh sĩ giải tán và ông rút lui vào phòng riêng, dùng súng tự kết liễu đời mình, chứng minh khí phách của một người làm Tướng tận trung với Tổ Quốc.
Sư Đoàn 5 BB, với hơn 20 năm chiến đấu và trưởng thành, đã góp một phần rất lớn vào sự nghiệp chiến đấu chống sự xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt. Cùng chịu chung một số phận đau thương của dân tộc, những quân nhân Sư Đoàn đã phải ngậm ngùi buông súng. Tất cả Sĩ quan còn kẹt lại thì bị lùa vào các trại tù mệnh danh là tập trung cải tạo chịu đọa đày khổ nhục hang chục năm dài. Tham Mưu Trưởng cuối cùng là Đại Tá Từ Vấn và nhiều vị đã bỏ mình trong lao tù Cộng Sản. An hem thương phế binh đã hy sinh một phần thân thể mình cho Tổ Quốc thì bị đẩy ra bên lề xã hội. Mộ phần tử sĩ thì bị san bằng, cô nhi bị phân loại, bạc đãi…
Nhưng trong lòng những người chiến sĩ từng mang phù hiệu số 5 đỏ trên vai áo, thì niềm hãnh diện được là người lính Bộ Binh vẫn mãi mãi không phai mờ.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.